Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xuân về, nhớ Đô đốc Đặng Tiến Đông
Thứ năm: 04:41 ngày 09/02/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong chiến thắng oanh liệt Ngọc Hồi - Đống Đa ngày ấy có công lao của rất nhiều vị tướng trong đó có tướng Đặng Tiến Đông (1738 - 1803).

Trưa mồng 5 Tết năm Kỷ Dậu (tức ngày 30.1.1789), vua Quang Trung cùng đạo quân chủ lực tiến vào Thăng Long trong niềm hân hoan của người dân kinh thành. Chiến bào của vị anh hùng áo vải hôm đó đã nhuốm đen khói súng. Lá cờ đỏ tung bay theo bước đường thắng lợi của nghĩa quân Tây Sơn, nay dẫn đầu đoàn quân chiến thắng giải phóng Thăng Long sau khi đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh.

Ngô Ngọc Du, nhà thơ đương thời đã miêu tả cảnh tưng bừng ngày đầu xuân năm ấy:

    Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến
    Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh
    Mây tạnh, mù tan, trời lại sáng
    Đầy thành, già trẻ mặt như hoa
    Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
    Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta.  

Bức tượng “Quan Đô” hay “Đô đốc Đông”  lưu giữ trong chùa Trăm gian

Trong chiến thắng oanh liệt Ngọc Hồi - Đống Đa ngày ấy có công lao của rất nhiều vị tướng trong đó có tướng Đặng Tiến Đông (1738 - 1803).

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của ông bằng các tư liệu tại quê hương ông, làng Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mĩ, thành phố Hà Nội. Trước tiên là sắc phong ngày 3 tháng 7 năm Thái Đức thứ 10, tức ngày 15.8.1787. Đây là tờ sắc mà Nguyễn Huệ phong cho ông chức Đô đốc đồng tri, tước Đông Lĩnh hầu khi ông từ Bắc Hà vào Quảng Nam, tìm đến quân doanh yết kiến Bắc Bình Vương. Bản gốc sắc phong này là một bảo vật được nhiều đời con cháu họ Đặng cất giấu, giữ gìn và là cứ liệu có giá trị sử liệu học rất cao. Tư liệu thứ hai là văn bia chùa Thuỷ Lâm làng Lương Xá do Phan Huy Ích (1750 - 1822) soạn và Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) nhuận sắc.

Trong văn bia bằng chữ Hán này có đoạn (dịch ra quốc ngữ) như sau: “Đại tướng thống lĩnh [hiệu] Thiên hùng vệ Vũ Thắng của triều đình hiện nay là Đô đốc, Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông”. Văn bia này ghi ngày 15 tháng 6 năm Đinh Tị, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 5, tức ngày 9.7.1797. Tư liệu thứ ba là bài minh khắc trên quả chuông chùa Thủy Lâm làng Lương Xá ngày 29 tháng 6 năm Cảnh Thịnh thứ 2, tức ngày 25.7.1794, trong đó cũng có đoạn ghi rõ họ tên, chức tước của Đặng Tiến Đông: “Đô đốc, Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông vâng mệnh vua thống lĩnh hiệu Thiên hùng vệ Vũ Thắng thuộc Trung quân…”. Hiện giờ thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ ba cuốn gia phả họ Đặng.

Theo các gia phả, gia đình Đặng Tiến Đông đã mấy đời ăn lộc vua, bổng chúa, làm quan trong triều đình và các trấn. Năm 1747, Đặng Tiến Đông lên 9 tuổi bắt đầu theo học thầy giáo Doãn Xá tại chùa Thuỷ Lâm (còn gọi là chùa Lương Xá ở xã Lam Điền, huyện Chương Mĩ). Cậu bé Đông cắp sách đến trường đúng vào lúc phong trào nông dân khởi nghĩa ở Đàng Ngoài đang phát triển rầm rộ. Đặng Tiến Miên là cha và Đặng Đình Trí là anh của Đặng Tiến Đông đã từng cầm quân đàn áp các cuộc khởi nghĩa đó và nhiều phen bị thất bại thảm hại. Đến năm 1749, Đặng Tiến Đông 11 tuổi thì mồ côi cha. Mười năm sau, mẹ Đông cũng qua đời. Năm 1786, quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ sau khi chiếm lại Thuận Hoá đã vượt sông Gianh ra Bắc Hà. Chưa đầy một tháng, nghĩa quân đã đánh tan lực lượng của chúa Trịnh, lật đổ nền thống trị của tập đoàn phong kiến suy thoái này. Sau đó, quân Tây Sơn lại rút về Nam, trao lại quyền hành ở Bắc Hà cho vua Lê.

Nhưng sau khi Lê Hiển Tông băng hà, vua Lê Chiêu Thống tỏ ra nhu nhược, bất lực! Bắc Hà lâm vào cảnh cực kỳ hỗn loạn. Những biến động chính trị trong năm 1786 đã có ảnh hưởng quyết định đến chí hướng và hành động của Đặng Tiến Đông, lúc này ở tuổi 48. Ông sớm tìm thấy ở Nguyễn Huệ và sự nghiệp của người anh hùng “áo vải cờ đào” này một hướng đi mới. Năm 1787 ông tìm vào Quảng Nam, đến yết kiến Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Cuộc tri ngộ này mở ra bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. Đặng Tiến Đông được Nguyễn Huệ đón tiếp niềm nở, đánh giá “là người có khí khái của đấng trượng phu, có hoài bão của kẻ làm trai” và khuyên ông “hãy đem hết tâm lực làm tròn công nghiệp của ta”. Ông còn được Nguyễn Huệ ban ấn kiếm, phong chức tước như nêu ở phần trên. Có thời gian Đặng Tiến Đông đã làm Trấn thủ xứ Thanh Hoa (sau này gọi là Thanh Hoá) và Nghệ An.

Gác chuông chùa Trăm Gian treo quả chuông đồng do Đặng Tiến Đông cho đúc

Trong lễ phong thưởng các tướng sĩ tổ chức tại Thăng Long sau chiến thắng xuân Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đã khen thưởng Đô đốc Đặng Tiến Đông và ban cho ông làng quê Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn. Từ đầu năm 1790, tướng Đặng Tiến Đông vào Phú Xuân (thành phố Huế ngày nay) được phong Đại đô đốc, cai quản Đại thiên hùng binh và trông nom việc chế thuốc súng. Sau khi vua Quang Trung từ trần một thời gian, ông xin nghỉ, về quê nhà rồi tu ở chùa Trăm Gian tức chùa Quảng Nghiêm tại thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Ông đã bỏ tiền đúc chuông (1794), tu sửa chùa (1797), cúng 400 quan tiền và 8 mẫu ruộng vào chùa. Đặng Tiến Đông qua đời năm 1803, thọ 65 tuổi.

Hiện trong chùa Trăm Gian còn lưu giữ 1 bức tượng chân dung “Quan Đô” hay “Đô đốc Đông” như nhân dân địa phương thường gọi. Tượng cao 1,3 mét tả một vị tướng mặc triều phục, trong tư thế ngồi, hai tay vòng về phía trước, khuôn mặt rộng, gò má hơi cao, miệng hơi dô, môi dày, râu quai nón, nét mặt hiền từ, nghiêm nghị. Theo gia phả họ Đặng ở Lương Xá, pho tượng truyền thần này được tạc vào năm 1794, lúc Đặng Tiến Đông 56 tuổi và trùng tu vào năm Thành Thái thứ 15 (1903). Đây là một di vật quý hiếm về nghệ thuật tạo hình thời Tây Sơn và là hình ảnh cụ thể về một tướng soái Tây Sơn trong trang phục đương thời.

Trong sách “Chương Mỹ xưa và nay” (do Sở văn hoá - Thông tin Hà Tây (cũ) xuất bản năm 2003), giáo sư sử học Phan Huy Lê đã viết: “Chính sử không ghi chép một câu nào về nhân vật Đặng Tiến Đông. Nhưng nhờ văn bia của các đền, chùa, gia phả của dòng họ cùng một số tư liệu chữ viết, di tích, hiện vật mà con cháu và nhân dân còn giữ được, trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, ngày nay chúng ta phát hiện ra và trả lại vị trí xứng đáng cho một vị tướng tiên phong của quân đội Tây Sơn có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cuối thế kỷ  XVIII”.

Ngày nay ở làng Lương Xá, quê hương tướng quân có nhà thờ Đặng Tiến Đông đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hoá quốc gia ngày 12.2.1999. Còn ở cạnh gò Đống Đa từ năm 1986 có một con phố mang tên Đặng Tiến Đông.

Theo Hanoitv

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục