Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Nhựt Tảo là tên một con sông chảy ở phía Bắc huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Đoạn giao nhau giữa sông Nhựt Tảo với sông Vàm Cỏ Đông nằm ở địa bàn xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ. Sông nơi đây khá rộng, dòng nước trong xanh phẳng lặng. Bắc ngang qua sông Nhựt Tảo là chiếc cầu xinh xắn nối đôi bờ, phong cảnh nên thơ hữu tình- là điểm tham quan thu hút du khách đến với Tân Trụ để cùng ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông.

|
Sông Vàm Cỏ Tây.
Sông Vàm Cỏ Đông những ngày cuối thu, chút nông nổi gió và nông nổi sóng, con nước dềnh lên trong buổi sớm mờ sương bảng lảng, se lạnh. Xuống chiếc thuyền ở Gò Dầu xuôi về miền Tây thoáng xôn xao líu ríu những giề lục bình theo thân thuyền, bỗng có cảm giác như mình cũng dập dềnh trôi nổi kiếp đời hạ bạc hay bạn với thương hồ để dan díu quanh năm suốt tháng với dòng sông quê.
Chợt nghe văng vẳng đâu đây giọng ca da diết của Quang Linh với bài hát Vàm Cỏ Đông của nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ thơ Hoài Vũ- một nhà thơ gốc Quảng Ngãi, sống và chiến đấu trên dòng sông Vàm Cỏ tận miền Đông xa lắc: “Ở tận sông Hồng em có biết. Quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lòng tha thiết. Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông...”.
Lại chợt nhớ những dòng tra cứu trên Bách Khoa toàn thư mở (Wikipedia) về dòng sông Vàm Cỏ: “Sông Vàm Cỏ Đông là một chi lưu của sông Vàm Cỏ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ vùng đồi núi bên lãnh thổ Campuchia chảy vào Việt Nam tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành, Tây Ninh, rồi qua các huyện Bến Cầu, Hoà Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng (thuộc Tây Ninh).
Và đi vào địa phận tỉnh Long An qua các huyện Đức Hoà, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước và kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo nên sông Vàm Cỏ và đi ra biển Đông. Sông Vàm Cỏ Đông có một số chi lưu trong đó có sông Nhựt Tảo. Sông có chiều dài 220 km trong đó phần trên lãnh thổ Việt Nam dài hơn 150 km. Lưu vực sông rộng 8.500 km² và lưu lượng là 96 m³/s”.
Dòng sông Vàm Cỏ Đông, khúc qua cầu Gò Dầu, mạn Đông là Gò Dầu hạ, bên phía mạn Tây là vùng đất “ngũ long” Bến Cầu hay còn gọi là Gò Dầu thượng, lục bình vẫn còn xanh khắc khoải đôi bờ nước xanh biêng biếc.
Một chuyến xuôi dòng, xuống phía xứ Trảng, miền đất có Tha La xóm đạo hiền hoà đi vào thơ, vào nhạc và nức tiếng gần xa với món bánh canh cùng bánh tráng phơi sương. Nhìn ra dòng nước mênh mang, chúng tôi có cảm giác sông đang trụt dần về phía hạ lưu.
Ruộng lúa hai bên bờ, những lồng bè nuôi cá lóc, cá thác lác, có cả những vó đăng như búp sen trong sương sớm, hứng trọn quả bóng mặt trời đang dần nhấp nhô ở xa tít phía đằng Đông kia.
Bức tranh sông và làng quê buổi sớm mai rực hồng trông thật nên thơ, lãng mạn. Tôi và anh bạn nhà báo đi cùng tranh thủ chụp những bức hình, chỉ sợ lát nữa thôi mặt trời lên cao, bức tranh sẽ nhạt nhoà trong nắng mới.
Thuyền đã qua ranh giới của đất Long An. Đức Hoà, Đức Huệ đây rồi. Trong ký ức của bác tài công năm nay đã sáu lăm tuổi, đây là vùng “đất dữ” trong chiến tranh với những đồn bót ngang dọc, giang thuyền của hải quân Sài Gòn và hải quân Mỹ thường xuyên tuần tiễu trên sông.
Chỉ chỗ hàng dừa nước tít xa, bác tài công nói: “Nơi ấy đặc công nước cách mạng đã hạ gục mấy chiếc giang thuyền Mỹ, chỗ kia… và chỗ kia nữa, trong chiến tranh ác liệt lắm!”. Không khí bỗng trầm lắng xuống.
Tôi và anh bạn cùng đi bỗng có chung ao ước: giá mà có một tràng hoa để gửi vào sông, để hương hoa ướp thơm anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hoà máu mình vào dòng sông này. Bác tài công đột ngột lên tiếng: “Sắp đến cầu Bến Lức, hai anh về miền Tây hay đi đâu?”.
Nhìn mây trắng bay lũ lượt về phía nơi bác tài công chỉ, anh bạn nhà báo lên tiếng: “Vậy thuyền về đâu?”- “Tôi về Tân Trụ”. Tôi reo lên: “A! Tân Trụ, sông Nhựt Tảo chứ gì?”. Anh bạn nhà báo cũng reo lên đầy phấn chấn: “Rồi, tụi tôi đến đó luôn, bác tài!”.
Trên gương mặt người tài công dạn dày nét phong trần và khắc khổ chợt nở nụ cười, giọt mồ hôi trên gò má ông bắt nắng lấp la, lấp lánh.
Cách đây vài năm, theo đường bộ, tôi từng đến khu di tích vàm Nhựt Tảo (cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 30km). Khu di tích là nơi lưu giữ chiến công của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp năm xưa trên vùng đất quê hương nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt thời đó đã ca ngợi chiến công trên bằng những câu thơ: “Hoả hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.
Nhựt Tảo là tên một con sông chảy ở phía Bắc huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Đoạn giao nhau giữa sông Nhựt Tảo với sông Vàm Cỏ Đông nằm ở địa bàn xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ.
Sông nơi đây khá rộng, dòng nước trong xanh phẳng lặng. Bắc ngang qua sông Nhựt Tảo là chiếc cầu xinh xắn nối đôi bờ, phong cảnh nên thơ hữu tình- là điểm tham quan thu hút du khách đến với Tân Trụ để cùng ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông.
Khu di tích vàm Nhựt Tảo rộng 6,2 ha, bên cạnh là ngôi miếu thờ cũ khiêm nhường, trầm mặc, âm thầm gìn giữ những ký ức một thời oanh liệt của người anh hùng Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân chống Pháp năm xưa. Khu di tích mới xây dựng với khuôn viên rộng nằm bên cạnh vàm Nhựt Tảo, nơi con tàu Espérance của thực dân Pháp bị đốt cháy trên sông. Bên trong được chia làm 4 khu biệt lập và tượng đài.
Điểm chính là đền tưởng niệm, 2 bên tả hữu là nhà văn bia và nhà trưng bày nối liền với nhau bằng những lối đi rộng, thoáng mát với nhiều loại cây kiểng quý, tạo khung cảnh trang trọng, uy nghiêm bên cạnh dòng sông thơ mộng, thu hút du khách gần xa.
Sắp đến lễ kỷ niệm 153 năm chiến thắng vàm Nhựt Tảo (10.12.1861- 10.12.2014), dòng sông vẫn êm đềm trôi chảy cùng năm tháng, ngày ngày tắm tưới cho cây trái vùng Tân Trụ ngọt lành.
Bến đò ngang xa kia vẫn lững lờ những thuyền ghe xuôi ngược. Chúng tôi chia tay Tân Trụ, chia tay dòng Nhựt Tảo để xuôi về miền Tây.
Đêm sông Vàm nghe gió lồng lộng thổi, bầu trời chi chít muôn triệu vì sao, anh bạn cùng đi cất tiếng ca: “Đi trên sông Vàm một đêm trăng rằm/ Mái chèo khua nhẹ tựa sóng vỗ lòng anh/ Mê say em hát, mắt sáng long lanh mà cả dòng ...” (bài hát “Dòng sông và tiếng hát” của cố nhạc sĩ Nguyễn Nam). Bầu trời phía xa kia, một vầng trăng hạ huyền như mắt nhìn đăm đắm dõi theo…
TRẦN HOÀNG VY