Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Trường THPT Trần Đại Nghĩa:
Xuống cấp đến… luộm thuộm
Thứ năm: 02:44 ngày 27/10/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Ngôi trường ở ngay trung tâm Thành phố, có một quá khứ đáng tự hào nhưng cơ sở vật chất hiện tại rất yếu kém. Ngoài dãy nhà lầu mới, trường đang sử dụng chung một dãy nhà lầu cũ với Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông. Học sinh tiểu học với trung học phổ thông sử dụng chung một dãy nhà, rõ ràng là không đảm bảo tính khoa học, gây bất tiện đủ thứ.

 

Dãy nhà cấp 4, nơi làm việc của hiệu trưởng và phòng y tế, phòng nghỉ giữa giờ cho giáo viên.

 “Công tác ở đây từ năm 1982 đến nay, tôi thấy cơ sở vật chất của trường không có gì thay đổi, ngoài một dãy nhà lầu được xây cách nay chừng hơn 5 năm”.

 Cô giáo Nguyễn Thị Phùng đang dạy học tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa nhận xét về trường mình như thế. Cũng theo lời cô, ngoài dãy nhà lầu mới xây, cơ sở vật chất của trường nay đã cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Từ lâu rồi, cũng do cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, phòng ốc chật chội nên nhà trường ít được trang bị thiết bị, đồ dùng dạy học. Hầu hết các tiết thực hành, giáo viên đều dạy “chay”. Trường có hơn 1.300 học sinh, nhưng nhà để xe quá nhỏ nên hầu hết học sinh phải để xe trước sân trường. Sân trường thì thấp, mỗi khi trời mưa đi lại bất tiện, phụ huynh học sinh cũng từng phàn nàn.

Cô Huỳnh Thị Tuyết Loan- Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, ngoài một dãy lầu được xây cách nay chừng 5-6 năm, trường còn một dãy lầu khác (do tổ chức UNICEF tài trợ) nhưng đã quá cũ kỹ, ẩm mốc, hôi hám, rêu phong. Dãy nhà lầu này thực ra nhà trường đang mượn của Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông để có chỗ cho học sinh học. Riêng dãy nhà cấp 4 - nơi Hiệu trưởng làm việc và đặt phòng y tế, phòng nghỉ của giáo viên thì quá lụp xụp, thấp lè tè và nóng nực. Trường thiếu cả nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh.

“Nhu cầu cải tạo, nâng cấp, sửa chữa ngôi trường này là cực kỳ cấp thiết bởi cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu dạy học bình thường, nói gì đến đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin. Chờ dự án, đề án xây mới thì không biết đến bao giờ, tôi chỉ mong lãnh đạo các cấp có thẩm quyền quan tâm, cụ thể là cho tiến hành sửa chữa, nâng cấp để phòng ốc của trường được khang trang, sáng sủa hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho dạy và học”- cô Loan nói.

Thầy Lê Văn Hồng- Phó hiệu trưởng bổ sung: đã 15 năm nay, trường không có thiết bị, đồ dùng để dạy các tiết thực hành, thí nghiệm. Theo ông: “Ngôi trường ở ngay trung tâm Thành phố, có một quá khứ đáng tự hào nhưng cơ sở vật chất hiện tại rất yếu kém. Ngoài dãy nhà lầu mới, trường đang sử dụng chung một dãy nhà lầu cũ với Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông. Học sinh tiểu học với trung học phổ thông sử dụng chung một dãy nhà, rõ ràng là không đảm bảo tính khoa học, gây bất tiện đủ thứ”.

Được biết, vị trí Trường THPT Trần Đại Nghĩa hiện nay vốn là của Trường phổ thông nội trú Hoàng Lê Kha- ngôi trường dành cho con em cán bộ cách mạng. Nhiều người trong số học sinh Trường Hoàng Lê Kha về sau trở thành cán bộ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành. Ngày 12.7.1994, UBND tỉnh Tây Ninh ra Quyết định số 51/QĐ-UB thành lập Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, địa điểm trên đường Võ Thị Sáu, phường 3, thị xã Tây Ninh (nay là TP. Tây Ninh).

Còn Trường phổ thông nội trú Hoàng Lê Kha được chuyển đổi thành Trường THPT bán công Thị xã. Năm 2008, UBND tỉnh ra Quyết định số 607/QĐ-UB ngày 24.3.2008 đổi tên Trường THPT bán công Thị xã thành Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Phải ghi nhận một điều, trong gần 10 năm qua, kể từ ngày xoá bỏ hệ bán công, Trường THPT Trần Đại Nghĩa đã có một bước tiến khá dài về chất lượng dạy và học. Đến nay, sau những nỗ lực không mệt mỏi, trường đã thu hút được một lượng lớn học sinh từ nhiều huyện khác trong tỉnh.

Trong những năm gần đây, Trường THPT Trần Đại Nghĩa và cả Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông (gọi tắt là Trường Thực nghiệm) nằm ngay bên cạnh có một số “biến động”. Tháng 4.2009, Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng xong bản “Quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo của Tây Ninh giai đoạn 2009 - 2020”. Theo bản quy hoạch này, cùng với một số trường khác, Trường THPT Trần Đại Nghĩa và Trường Thực nghiệm sẽ chuyển đổi từ trường công lập sang tư thục theo tinh thần xã hội hoá.

Tháng 3.2015, có một nhà đầu tư đến Tây Ninh để thăm dò và có ý “mua lại” 2 ngôi trường trên. Tuy nhiên, kế hoạch chuyển đổi trường công thành trường tư bất thành, vì nhiều vướng mắc, kể cả vướng mắc về cơ sở pháp lý. Việc chuyển đổi không thành, cộng với một số yếu tố khác dẫn tới tình trạng 2 ngôi trường mặc dù toạ lạc ở vị trí “đắc địa” nhưng cơ sở vật chất lại xập xệ, thậm chí nhếch nhác, xét ra còn thua nhiều trường ở vùng sâu, biên giới.

Cách nay chưa lâu, trong 3 ngày (từ 11 - 13.10 vừa qua), Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh thực hiện chuyến khảo sát cơ sở vật chất của một số trường học, trong đó có Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Lãnh đạo nhà trường đã kiến nghị về một số vấn đề, trong đó có đề nghị cải tạo toàn diện phòng ốc của trường này. Mới đây, học sinh của một lớp học trong trường cũng đã gửi “kiến nghị” lên nhà trường: đề nghị cho sửa chữa quạt điện trong phòng học và bê tông hoá khu vực để xe cho sạch sẽ.

Phía trong dãy nhà này có nhiều vết nứt.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa còn có một vấn đề khác liên quan đến chuyện đất đai. Cách nay chưa lâu lắm, cấp có thẩm quyền đã có quyết định điều chỉnh ranh giới giữa trường này với Trường Thực nghiệm. Sau khi điều chỉnh ranh giới, dãy nhà lầu cũ của Trường THPT Trần Đại Nghĩa đã thuộc về Trường Thực nghiệm. Trong khi Trường Thực nghiệm sử dụng không hết số phòng của dãy nhà này thì Trường Trần Đại Nghĩa không đủ chỗ cho học sinh học, vậy là phải mượn lại “anh bạn láng giềng”, ngoài mượn phòng học, còn phải mượn thêm một số phòng khác để làm thư viện và khu hành chính.

Trong thực tế, dãy nhà lầu cũ (đã thuộc về Trường Thực nghiệm) lại ngoảnh mặt sang Trường Trần Đại Nghĩa và học sinh của cả hai trường đang học chung tại đây. Thời lượng tiết học của cấp tiểu học và THPT dĩ nhiên không giống nhau, vì thế đã dẫn đến không ít điều phiền toái trong các hoạt động giáo dục, chẳng hạn trong lúc bên này còn đang học thì bên kia lại ra chơi và ngược lại. Cách nay vài ngày, Sở Giáo dục- Đào tạo đã chính thức bàn giao Trường Thực nghiệm về cho Phòng Giáo dục- Đào tạo TP. Tây Ninh.

Có thể, chỉ trong vòng vài ba năm nữa, Trường Thực nghiệm sẽ chỉ còn lại một cấp học (nhiều khả năng đó là cấp tiểu học). Khi đó, số học sinh của trường sẽ giảm xuống. Như vậy, có lẽ lại phải tính toán chuyện dãy nhà lầu cũ mà hai trường đang sử dụng chung nên thuộc về trường nào. Vấn đề trước mắt, việc nâng cấp, cải tạo Trường THPT Trần Đại Nghĩa là chuyện không thể không làm, vì như trên đã nói, cơ sở vật chất của trường này nay đã quá cũ kỹ, nhếch nhác, luộm thuộm.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
data:
Đơn vị thiết kế biệt thự cao cấp
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục