BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xuyên tạc Ngày Chiến thắng 30.4.1975, cản trở hoà giải, hoà hợp dân tộc là tội ác 

Cập nhật ngày: 29/04/2019 - 08:42

BTNO - Năm nào cũng vậy, cứ đến gần dịp kỷ niệm 30.4 thì cũng là lúc trên internet và các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, bình luận, nhận định, thư ngỏ… có nội dung bóp méo, phủ nhận tầm vóc và giá trị lịch sử của ngày Chiến thắng 30.4.1975 lịch sử.

Những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước đã và đang diễn ra nhiều hoạt động đầy ý nghĩa kỷ niệm 44 năm Ngày Chiến thắng 30.4.1975. Trên nhiều tuyến đường, trước mỗi trụ sở, nhà dân khắp nơi đều ngập tràn cờ đỏ sao vàng.

Nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức nhằm tri ân những người con anh hùng của đất nước đã hy sinh hoặc cống hiến một phần thân thể của mình cho cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc như hôm nay.

Thanh niên Tây Ninh hăng hái lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự, bảo vệ tổ quốc- Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, có một điều rất đáng lên án là, năm nào cũng vậy, cứ đến gần dịp kỷ niệm 30.4 thì cũng là lúc trên internet và các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, bình luận, nhận định, thư ngỏ… của những cá nhân tự xưng là “người yêu nước”, “người bất đồng chính kiến” có nội dung bóp méo, phủ nhận tầm vóc và giá trị lịch sử của ngày toàn thắng 30.4.1975.

Ngày chiến thắng vinh quang của cả dân tộc họ gọi là “ngày quốc hận”, “ngày mất nước”...; họ lớn tiếng kêu gọi hoà hợp, hoà giải dân tộc nhưng đưa ra điều kiện là phải xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam… Những luận điệu nêu trên, không gì khác, chỉ là những tiếng nói lạc lõng, trơ trẽn, đầy định kiến, thù địch, cố tình phủ định sự thật lịch sử, bỏ qua hoặc bịt mắt, che tai quyết không thừa nhận những sự thật lịch sử đang hiển hiện trên đất nước Việt Nam.

Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn

Trong lịch sử, chưa từng có cuộc đối đầu nào không cân sức như cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam. Để có Ngày Chiến thắng 30.4.1975, gần 1,2 triệu người con ưu tú của Tổ quốc mãi mãi không trở về. Gần 825.000 người đã để lại một phần máu thịt của mình trên chiến trường. Hơn 312.000 bộ đội và người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học; không chỉ bản thân họ, mà nhiều con cháu họ đến đời thứ 3, thứ 4 vẫn còn bị di chứng, hằng ngày bị dày vò bởi nỗi đau tột cùng cả tinh thần lẫn thể xác.

Đây là sự thật lịch sử không ai được phép lãng quên. Cố tình hạ thấp, xuyên tạc bản chất, tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Ngày Chiến thắng 30.4.1975 là phi nhân tính, vô ơn, có tội với lịch sử, với anh linh của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hoà hợp, hoà giải dân tộc là mệnh lệnh của lương tri

Thất bại của nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là thất bại lớn nhất, một vết nhơ không thể gột rửa trong lịch sử của siêu cường số 1 thế giới từng tự hào “đánh đâu thắng đó”. Sẽ không có gì là khó hiểu, khi một thời, ý tưởng nước Mỹ chấp nhận bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, cam kết tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, từng bị xem là điều khó có thể thực hiện được, thậm chí là không tưởng. Nhưng chỉ mất 20 năm sau Ngày 30.4.1995, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hoá quan hệ.

Mất thêm 18 năm nữa để Việt - Mỹ trở thành đối tác toàn diện. Và đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng 30.4.1975, hai nước đã trở thành bạn bè, sẵn sàng đối thoại cởi mở, chân thành, bình đẳng về các vấn đề còn khác biệt trên cơ sở hiểu biết và công nhận lẫn nhau. Nhiều cựu binh Mỹ khi trở lại nơi mình từng tham chiến ở Việt Nam đã lăn dài giọt nước mắt muộn màng về tội ác mình gây ra và mong có cơ hội chuộc lại lỗi lầm. 

Đối với dân tộc Việt Nam, sau hàng chục năm chiến tranh kéo dài, đặc biệt là do chính sách Việt Nam hóa chiến tranh vô cùng thâm độc của đế quốc Mỹ đã gieo rắc sự chia rẽ và oán thù giữa người Việt Nam với nhau. Sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy hòa hợp dân tộc, tạo điều kiện cho bà con người Việt ở nước ngoài trở về thăm, định cư và góp phần xây dựng lại quê hương. Tin tưởng vào thiện chí và chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước, ngày càng có nhiều bà con Việt kiều về thăm quê hương; nhiều người đã bỏ công sức, tiền vốn đầu tư xây dựng đất nước.

Cho dù có thể đây đó vẫn còn những điểm khác biệt về quan điểm, ý thức hệ chính trị…, nhưng đã là người Việt mang dòng máu “con Lạc, cháu Hồng”, ai cũng đều mong muốn đất nước giàu mạnh, có vị thế xứng đáng trên thế giới; được độc lập, tự chủ, không bị thao túng hay nô dịch bởi bất kỳ quốc gia hay thế lực nào.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng trăn trở, “Đối với Mỹ, kẻ thù đã gây cho nhân dân ta bao nhiêu đau thương tang tóc, ta đã có thể thực hiện chủ trương “gác lại quá khứ, nhìn về tương lai” thì không có lý do gì mà người trong một nước không thể hòa giải với nhau, thương yêu nhau, đoàn kết với nhau để cùng nhau xây dựng quê hương của mình”.

Thế nhưng, có một điều cần phải khẳng định là, hòa hợp dân tộc là mệnh lệnh của lương tri, trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt, không định kiến, phân biệt đối xử. Nhưng không thể có hoà hợp theo kiểu xóa nhòa lịch sử và đảo ngược chân lý, theo kiểu “phải công nhận chế độ Sài Gòn”, “phải phục hồi danh dự cho những người trong chế độ cũ”, do Đảng Cộng sản “toàn trị” nên chỉ khi nào “chế độ cộng sản sụp đổ, người Việt mới có hòa hợp hòa giải” như đòi hỏi của một số tổ chức, cá nhân.

Những quan điểm trên, xét cho cùng đều không thể hiện thiện chí hòa hợp, hòa giải dân tộc mà chỉ thể hiện sự hằn học, cay cú, kích động hận thù, gây thêm chia rẽ, xuyên tạc, bóp méo chủ trương nhân văn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.

Kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải là dịp để con dân đất Việt cùng hướng về tương lai, cùng chung tay bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, dân tộc Việt Nam ngày càng thịnh vượng. Những mưu toan hòng xuyên tạc, bôi đen Ngày Chiến thắng 30.4.1975, cản trở hoà giải, hoà hợp dân tộc, chống phá, lật đổ chế độ ưu việt mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng nhất định sớm muộn cũng bị vạch trần trước tinh thần yêu nước, đề cao cảnh giác của nhân dân ta.

Thắng Nguyễn