BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ý kiến cử tri: Tập trung khai thác tài nguyên quá nhiều, nhưng tỷ lệ thu thuế rất nhỏ

Cập nhật ngày: 07/10/2009 - 06:02

Toàn cảnh hội nghị.

Để chuẩn bị các dự án Luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Thuế tài nguyên với một số cơ quan, đơn vị có liên quan như Cục thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Tài chính...

Về cơ bản, đại biểu các ngành thống nhất với dự án Luật Thuế tài nguyên và đề nghị làm rõ một số nội dung cụ thể như sau: Tỷ lệ thuế thu từ tài nguyên so với tổng thu ngân sách là quá nhỏ, trong khi chúng ta đang tập trung khai thác rất nhiều tài nguyên (than, đá, đất, cát, quặng mỏ khác…) để phục vụ xuất khẩu và đầu tư phát triển kinh tế là chưa hợp lý; về đối tượng chịu thuế: các đại biểu đề nghị nghiên cứu cụ thể hoá hơn nữa đối tượng chịu thuế tài nguyên tại khoản 8 Điều 2 dự thảo luật, không quy định chung chung “Các loại tài nguyên thiên nhiên không thuộc quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này”, quy định như vậy là không chặt chẽ, khi đối tượng chịu thuế phát sinh ngoài quy định của luật sẽ do cơ quan nào quyết định; về việc mở rộng đối tượng chịu thuế: đề nghị xem xét, áp dụng thuế suất hợp lý để hạn chế tình trạng khai thác và sử dụng lãng phí tài nguyên nước ngầm đã diễn ra.

Về căn cứ tính thuế: Các đại biểu đề nghị cần phân biệt rõ, phân loại giữa loại tài nguyên có khả năng tái tạo và loại tài nguyên không có khả năng tái tạo để làm căn cứ tính thuế; đối với loại tài nguyên không thể tái tạo chúng ta phải xây dựng khung thuế suất cao, mặc định, cụ thể, ví dụ như tài nguyên dầu khí, kim cương… Căn cứ tính thuế cần xác định trên sản lượng khai thác, không nên tính trên sản lượng bán ra vì những khối lượng bán ra mà chúng ta khó có thể kiểm soát chặt chẽ; sẽ có sự chênh lệch giữa thực tế khai thác và mua bán. Đồng thời, chưa có điều kiện để các nhà quản lý thuế xác định chính xác tỷ lệ khối lượng những chất có thể thu được sau khi tuyển lựa, phân loại trọng lượng tài nguyên được khai thác gồm những thành phần nào. Đề nghị cần đánh thuế trên khối lượng thực tế khai thác vì dễ xác định sản lượng thương phẩm (vì cùng khối lượng khai thác, với công nghệ khác nhau có thể tạo ra sản lượng thương phẩm khác nhau), điều này tạo điều kiện khuyến khích đầu tư những thiết bị công nghệ hiện đại hơn nhằm tạo ra nhiều sản lượng thương phẩm hơn với cùng khối lượng khai thác (đây cũng là biện pháp tiết kiệm tài nguyên).

Mặt khác, những khối lượng tài nguyên khai thác không xem là thương phẩm thì sẽ tính toán ra sao (nó cũng là một dạng tài nguyên), dễ bị lợi dụng để phục vụ mục đích khác ngoài mục đích chính của nhà khai thác; về sản lượng tài nguyên tính thuế: có ý kiến đề nghị sản lượng tài nguyên tính thuế không là sản lượng tài nguyên thương phẩm mà là sản lượng tài nguyên thực tế để khai thác có loại trừ cho các mục đích nghiên cứu. Đồng thời, đề nghị xem xét, bổ sung các quy định cần thiết, tạo cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn; có các chế tài đủ mạnh để góp phần hạn chế tình trạng các doanh nghiệp tự kê khai thuế sản lượng khai thác tài nguyên không đúng với sản lượng khai thác thực tế, vì thực tế cho thấy cơ quan Thuế ở các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi việc kê khai và nộp thuế còn nhiều sơ hở, bất cập, chưa bảo đảm hiệu quả quản lý.

Về giá tính thuế: đề nghị quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm quy định và kiểm tra giám sát giá tính thuế. Có ý kiến cho rằng việc quy định “Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác” là chưa khả thi vì có thể sẽ xảy ra tình trạng giá ảo và chúng ta không có chế tài xử lý; về thuế suất: để bảo đảm tính ổn định của Luật góp phần tạo sự yên tâm cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đề nghị dự thảo Luật cần xác định cụ thể mức thuế suất đối với từng loại tài nguyên, không nên quy định biên độ thuế suất quá lớn và giao cho Chính phủ quy định mức thuế suất cụ thể như dự thảo Luật (Điều 8 dự thảo Luật).

Khai thác tài nguyên vô tội vạ nhưng thu thuế tài nguyên không được bao nhiêu. Ảnh: Hoàng Anh

Đề nghị Quốc hội quyết định khung thuế suất cho từng loại tài nguyên, kể cả dầu thô, khí thiên nhiên, khí than còn mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên do Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Vấn đề các đại biểu còn băn khoăn là nếu đưa dầu thô vào khung thuế suất thì khi có sự biến động của giá dầu thô thế giới thì Chính phủ khó có thể điều hành, Quốc hội cần nghiên cứu vấn đề này.

Về kê khai nộp thuế: đề nghị không quy định trường hợp ngoại lệ việc kê khai nộp thuế đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than; việc kê khai, nộp thuế đối với mọi lĩnh vực là bình đẳng và phải tuân thủ nguyên tắc chung do pháp luật về quản lý thuế và các luật thuế quy định.

Về miễn giảm thuế: dự thảo Luật quy định miễn thuế đối với sản phẩm rừng tự nhiên do cá nhân được phép khai thác như gỗ, cành, củi, tre, nứa… để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc tính hợp lý và chặt chẽ của quy định này vì sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng, lách luật, trốn thuế và sẽ rất khó khăn, sơ hở để thu thuế nếu đưa mục đích sử dụng để phân loại khi thu thuế.

Bên cạnh đó, đề nghị không nên miễn giảm thuế với việc khai thác tài nguyên để xây dựng các công trình thuỷ lợi, giao thông… vì các nhà thầu đã tính toán giá dự toán đến chân công trình, đồng thời chưa có đảm bảo nào rằng nhà khai thác chỉ sử dụng các loại vật liệu từ tài nguyên cho những công trình loại này, trừ các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và đơn vị Nhà nước được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án loại này. Đồng thời, đề nghị luật chỉ nên miễn thuế từ 1 đến 2 trường hợp (các trường hợp đặc biệt, bất khả kháng) không nên miễn nhiều, vì các trường hợp được miễn đã được hưởng các chính sách xã hội khác. Đại biểu dự hội nghị còn góp ý xem xét tăng giảm một số thuế suất cho hợp lý.

Kim Chi