Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ý kiến giáo viên: Loay hoay chuyện dùng từ

Cập nhật ngày: 20/12/2012 - 04:43

(BTN)- Báo Tây Ninh ngày 5.12.2012 có đề cập đến giáo án của giáo viên. Nay, người viết bài này xin được tham gia thêm vài ý kiến xung quanh chuyện cái giáo án và những vấn đề có liên quan đến nó.

Nhọc nhằn với hồ sơ sổ sách giáo viên.

Các cụ đồ ngày xưa dạy học chắc không hề có giáo án. Có lẽ chưa ai xác định được từ lúc nào thầy giáo lên lớp buộc phải có giáo án. Từ cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba (1979), Nhà Xuất bản Giáo Dục phát hành loại “sách giáo viên” dùng cho người dạy. Có thời nhà xuất bản, những người có học hàm, học vị và giáo viên… đua nhau viết “sách giáo viên”. Để “giảm sức lao động” cho giáo viên, đồng thời giúp những giáo viên trẻ, hoặc giáo viên non tay nghề có điều kiện tham khảo, ngành Giáo dục Tây Ninh đã cho phép giáo viên được sử dụng sách này thay cho giáo án, nhưng vẫn phải soạn giáo án bổ sung. Tiếp đến, xuất hiện các tên gọi sách hướng dẫn, bài soạn, thiết kế bài giảng… Để rồi nay lại có thêm cái tên gọi là “Kế hoạch”- thay cho “Giáo án”. Tên gọi mới này đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình. Tham khảo nhiều nguồn, từ “giáo án” vẫn được sử dụng trong các văn bản của Bộ Giáo dục– Đào tạo. Và có thể nói hiện chưa có một từ, hay cụm từ nào có khả năng thay thế được từ “giáo án”. Cái tên gọi quen thuộc này không chỉ gắn với nghề nghiệp mà còn mang ý nghĩa nhân văn và mô phạm đầy tính chất trân trọng.

Về cách gọi “Mục đích yêu cầu” hay “Mục tiêu” thể hiện trong giáo án. Sự khác biệt về thuật ngữ ở đây biểu hiện rõ tính thiếu thống nhất trong công tác chỉ đạo chung của cấp vĩ mô. Cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba (1979), sách giáo viên môn Văn THCS chỉ ghi “Yêu cầu” không có từ “Mục đích”. Đến lần đổi mới sách giáo khoa (2002), cách gọi này đã thay đổi- mỗi cấp học dùng một kiểu. Cấp trung học cơ sở, sách giáo viên môn Địa lý ghi “Mục tiêu bài học”, sách giáo viên môn Thể dục ghi “Mục đích, yêu cầu”.  Cấp trung học phổ thông, sách giáo viên Ngữ văn lớp 10 (nâng cao) chuyên ban ghi “Mục tiêu cần đạt”, sách giáo viên Lịch sử lớp 11 lại là “Mục tiêu bài học”, trong khi sách giáo khoa môn Giáo dục Công dân thì gọi là “Mục tiêu”. Cũng trong thời điểm này, PGS Trương Dĩnh đưa ra một “Thiết kế mới về dạy học”, trong đó ông dùng cụm từ “Yêu cầu của bài dạy”.

Nói chung, việc thay đổi cách dùng từ biểu hiện sự chuyển đổi về khái niệm, ý nghĩa của hoạt động. Quan điểm mới cho rằng cách gọi “Mục đích, yêu cầu” không còn phù hợp với việc thay đổi cách dạy- cách học, thiếu tính chủ động của học sinh. Dùng “Mục tiêu cần đạt” xác định rõ vai trò tích cực chiếm lĩnh kiến thức của người học.

Đã có những ý kiến đề nghị: Giáo dục nước ta không nên chỉ loay hoay, loanh quanh chuyện dùng từ này hay từ kia như đã nêu ở trên, mà cần cải cách một cách quyết liệt, triệt để, toàn diện. Điều này cũng đã được Đảng và Nhà nước tích cực quan tâm. Riêng ở Tây Ninh, theo cá nhân tôi, ngành Giáo dục tỉnh nhà cũng cần có bước đột phá khoa học, phù hợp yêu cầu thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục. Sau đây là vài đề nghị nho nhỏ.

Thứ nhất, khâu hồ sơ, đặc biệt đối với người dạy, cần thực hiện nghiêm túc như Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục- Đào tạo ban hành ngày 28.3.2011, xin đừng thêm thắt, chỉ thêm nặng gánh cho giáo viên. Vì trong các chủng loại hồ sơ của giáo viên hiện nay còn nhiều loại, nhiều mục mang tính hình thức, sáo rỗng như “Sổ kế hoạch bộ môn” chẳng hạn. Đây là loại hồ sơ Bộ Giáo dục-Đào tạo không quy định.

Thứ hai, cần lấy ý kiến rộng rãi việc cải tiến các yêu cầu của một giáo án.

Thứ ba, giảm thiểu việc thanh tra, kiểm tra nặng tính hành chính (hồ sơ, báo cáo…) thay vào đó tập trung đi vào thực chất, hiệu quả.

VŨ HỒNG