Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ý kiến trái chiều về đề xuất cắt bớt chương trình lớp 9 và lớp 12
Thứ ba: 23:51 ngày 10/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dịch bệnh Covid-19 kéo dài ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục. Các hoạt động giáo dục đã bị gián đoạn khiến cho việc dạy và học trở nên khó khăn, nhiều xáo trộn trong chương trình học. Trước tình hình đó, nhiều ý kiến đề xuất cắt bớt chương trình học ở giáo dục phổ thông, đặc biệt của lớp 9 và lớp 12- hai lớp cuối cấp có liên quan đến thi cử.

Học sinh Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh đo thân nhiệt trước khi vào trường. Ảnh: Hà Quang

Theo ý kiến đề xuất (được đăng tải trên cả báo chí chính thống và mạng xã hội), chương trình hiện nay ôm đồm, nhiều bài học, thậm chí cả môn học không thật cần thiết. Để bảo đảm thời gian năm học (theo kế hoạch ban đầu, không cần điều chỉnh thời gian năm học) thì nên chăng, Bộ GD&ĐT xem xét quyết định cắt bớt một số bài học trong từng môn học.

Nếu làm điều đó, cả thầy và trò sẽ kết thúc năm học vào giữa hoặc cuối tháng 5, không cần kéo dài đến hết tháng 6. Đối với hai lớp cuối cấp (lớp 9 và 12), thực hiện theo tinh thần học đến đâu thi đến đó, học gì thi nấy, bài nào không học thì không thi.

Như vậy, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi THPT quốc gia dành cho lớp 12 vẫn diễn ra như kế hoạch ban đầu, tức không phải lùi thời gian thực hiện. Về mặt thời tiết, nếu đến cuối tháng 6 mới kết thúc năm học, học sinh, giáo viên khá vất vả vì thời tiết bất lợi.

Học sinh miền Bắc sẽ phải đi học trong cái nắng mùa hè gay gắt, trong khi học sinh miền Nam lại đi học trong mùa mưa. Mặt khác, mùa hè này, giáo viên sẽ rất bận rộn do liên quan đến việc tập huấn chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Trước đề xuất nêu trên, nhiều cán bộ, giáo viên đang làm công tác quản lý hoặc đứng lớp dạy học ở Tây Ninh đã bày tỏ quan điểm cá nhân về việc có nên cắt bớt chương trình hay không.

Hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Bến Cầu nêu: “Theo ý kiến riêng của tôi, không nên và không cần phải cắt bớt chương trình lớp 12, vì Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh thời gian năm học. Thực tế cho thấy, đối với học sinh lớp 12, thường cuối tháng 3 các em đã học xong chương trình.

Thời gian còn lại dành việc củng cố kiến thức để ôn thi. Năm nay, dù muộn thì cuối tháng 4, chương trình lớp 12 cơ bản đã được thực hiện xong”. Đối với việc một số học sinh có người thân trở về từ Hàn Quốc phải nghỉ học, vị hiệu trưởng cho biết, đã có một em đi học trở lại, vì đã qua 14 ngày, hai trường hợp còn lại vẫn chưa đi học.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT ở TP. Tây Ninh lại nhìn nhận khác, nhà trường có thể bố trí thời gian dạy bù cho học sinh, tuy nhiên, việc dạy bù học bù không thể có chất lượng như học chính thức. Vì thế, có thể cắt bớt chương trình để bảo đảm thời gian năm học cũng như chất lượng dạy và học.

“Việc này chỉ để cho học sinh tập trung ôn thi THPT (phần xét công nhận tốt nghiệp); còn phần đăng ký tuyển sinh vào đại học là việc của các trường đại học. Khó khăn thì khó khăn chung, trong chừng mực nào đó phải chấp nhận”- ý kiến nêu.

Vị lãnh đạo nhà trường đề xuất, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc lại việc tiếp tục công bố đề thi mẫu như những năm học trước để tạo thuận lợi cho việc ôn thi cuối cấp. Liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, được biết, nhà trường vẫn thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của cấp trên, không một chút lơ là, chủ quan. Việc đo thân nhiệt cho học sinh, nhắc học sinh mang theo nước rửa tay, nước uống vẫn thực hiện đúng hướng dẫn. Sau một tuần đi học trở lại, tính đến ngày 9.3, ngôi trường này vắng mặt 19 học sinh, trong đó chỉ có một em học sinh lớp 12.

“Không việc gì phải cắt giảm chương trình, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh thời gian năm học, lùi thời gian kết thúc năm học rồi. Thay vì cuối tháng 5 kết thúc năm học thì nay cuối tháng 6, không ảnh hưởng gì đâu”- một vị cán bộ làm công tác quản lý thi cử nêu.

Tương tự, hiệu trưởng một trường THPT ở thị xã Hoà Thành cho rằng, không cần thiết phải cắt bớt chương trình, vì chương trình và sách giáo khoa đã được các cơ quan quản lý thông qua, Quốc hội đã có nghị quyết ban hành thống nhất, một chương trình, một sách giáo khoa.

“Nếu cắt thì cắt môn nào, cắt bài nào, bài này, lại muốn giữ, như thế lộn xộn lắm”- vị hiệu trưởng phân tích. Không cần cắt chương trình nhưng cũng đề xuất, nên chăng Bộ GD&ĐT có thể giới hạn chương trình, nội dung ôn thi và nội dung thi THPT quốc gia.

Cụ thể, những năm trước, nội dung thi “chủ yếu trong sách giáo khoa lớp 12, tức là có cả chương trình của lớp 10, 11. Nhưng, do tình hình dạy và học có nhiều xáo trộn, gián đoạn, vì thế, Bộ GD&ĐT có thể “khoanh vùng” bằng cách nội dung đề thi chỉ thuộc chương trình của lớp 12”.

Trước câu hỏi có cần phải ban hành đề thi minh hoạ như những năm trước hay không, vị hiệu trưởng cho biết, cũng không cần thiết phải có đề thi minh hoạ. Bởi vì, tinh thần, nội dung thi cử cơ bản ổn định thì chỉ cần lấy đề minh hoạ của mấy năm trước cho học sinh tham khảo, làm bài thử là được. Liên quan đến số lượng học sinh vắng, theo thống kê của nhà trường, tổng số học sinh chưa đến lớp kể từ ngày 2.3 đã giảm mạnh. “Sáng 9.3, toàn trường chỉ còn vắng 29 học sinh, tỷ lệ học sinh đến trường hơn 98%”- vị hiệu trưởng cho biết.

Đối với cấp THCS, cụ thể là lớp 9, có cần thiết phải cắt bớt chương trình để không phải kéo dài thời gian năm học, đồng thời học sinh có thời gian ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 hay không, một vị phó trưởng phòng giáo dục cho rằng, đề xuất đó không phải không có lý. Bởi vì, nếu nhìn nhận ở góc độ tổng thể, chương trình giáo dục hiện nay vừa thừa vừa thiếu.

“Tôi không tiện nói cụ thể nhưng chương trình hiện nay có thể cắt bỏ nhiều nội dung mà vẫn không ảnh hưởng gì đến kiến thức của học sinh. Trong khi đó, chương trình lại đang thiếu những kiến thức mà học sinh cần cho cuộc sống sau này”- vị cán bộ bình luận.

Vậy rốt cuộc, có cần phải cắt bỏ bớt chương trình không? Trả lời câu hỏi này, vị lãnh đạo cho rằng, đối với lớp 9, cắt hay không cũng không ảnh hưởng gì nhiều, vì nhiều năm nay, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 chủ yếu được thực hiện bằng hình thức xét tuyển. Số trường THPT tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức thi tuyển không nhiều, tính cạnh tranh cũng không gay gắt. Do đó, tính chất của kỳ thi này không giống như kỳ thi THPT quốc gia.

Qua ý các ý kiến nêu trên, có thể thấy, việc cắt bớt chương trình, nói cho dễ hiểu là bỏ một số bài học khó có thể được Bộ GD&ĐT chấp nhận, vì kế hoạch thời gian năm học đã được điều chỉnh. Kỳ thi THPT diễn ra cuối tháng 6, muộn hơn một tháng so với thường lệ. Cho dù có cắt hay không cắt bớt chương trình, năm học 2019-2020, do bị gián đoạn trong thời gian quá dài, ít nhiều ảnh hưởng chất lượng dạy và học. Dự báo, mùa hè năm học 2019-2020 sẽ là một mùa hè bận rộn đối với ngành giáo dục, từ cán bộ quản lý, giáo viên cho đến học sinh, sinh viên.

Việt Đông

Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT, ngày 9.3, tức ngày đầu tuần của tuần lễ thứ hai kể từ khi các hoạt động dạy và học được nối lại, toàn tỉnh có 953 học sinh, sinh viên vắng mặt. Trong đó, cấp THPT vắng 803 học sinh; khối giáo dục thường xuyên vắng 84 học sinh và Trường CĐSP Tây Ninh có 66 sinh viên vẫn chưa tới trường. Trong số gần 1.000 học sinh, sinh viên vắng mặt ngày 9.3, có 255 học sinh lớp 12.
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục