Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều bài viết, ý kiến “bình luận” của nhóm người tự nhận yêu nước, yêu chế độ, “đấu tranh chống diễn biến hoà bình” trên mạng xã hội cho thấy, họ có tư tưởng cực đoan, thiển cận, suy nghĩ hẹp hòi, thích nói kiểu lộng ngôn, đao to búa lớn, ra vẻ ta đây, màu mè sẵn sàng quy chụp bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nói, viết trái ý họ.
Đoàn viên thanh niên và Bộ đội Biên phòng tổ chức chào cờ, hát Quốc ca tại cột mốc 171 (Mộc Bài, Bến Cầu) trong chương trình “Tháng 3 biên giới” năm 2022 với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” do Trung ương hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức tại Tây Ninh. Ảnh: Dương Đức Kiên
Tháng 7.2019, khi còn giữ trọng trách Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng, trong bài nói chuyện dài 75 phút với nội dung quán triệt Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đã lưu ý rằng, chính những cán bộ, đảng viên, kể cả những đảng viên từng giữ chức vụ cao trong bộ máy nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hoá là nhóm không khó để nhận ra nhưng rất khó để đấu tranh vì là lực lượng “len lỏi và phức tạp”.
Xin bắt đầu bài viết này bằng sự kiện Ban Tổ chức Trung ương trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) năm 2022. Lễ trao giải tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn ngày 3.2.2023, đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong số những tác phẩm đoạt giải, có loạt bài của Báo Thanh Niên (giải A). Loạt bài này cùng một số tác phẩm khác đoạt giải cao nhất, vì năm nay không có giải đặc biệt. Ngay sau lễ công bố và trao giải thưởng, một số người tự nhận là người yêu nước, yêu chế độ, bảo vệ chế độ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã lên tiếng (và lớn tiếng) bày tỏ sự hoài nghi bằng cách đặt hàng loạt câu hỏi về việc ban tổ chức trao giải thưởng cho Báo Thanh Niên.
Theo cấp độ, từ chỗ hoài nghi ban đầu, thái độ của nhóm người này càng về sau càng gay gắt khi “tấn công” theo cách “vỗ mặt” vào ban tổ chức bằng những bài viết, bình luận vô căn cứ đến mức không thể nặng nề hơn.
Không chứng minh, không phân tích loạt bài của Báo Thanh Niên đoạt giải hay, dở như thế nào, chất lượng tác phẩm ra sao, quy trình tuyển chọn tác phẩm như thế nào, họ chỉ quy chụp, phán xét một cách bừa bãi chỉ vì loạt bài của tờ báo này đoạt giải.
Một người trong nhóm này viết như sau: “Từ khi nào báo chí theo đuôi Việt Tân lại được nhận giải xây dựng đảng vậy nhỉ? Rõ ràng đây là giải treo đầu dê bán thịt chó. Không thể để các toà báo cách mạng như này lại trở thành báo chí phản động”.
Một người khác phụ hoạ “thành phần ban giám khảo có Việt Tân trong đó đấy. Sao dạo này Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam diễn xiếc nhiều thế. Mọi người đang quay lưng vào báo chí cách mạng Việt Nam rồi. Việc trao giải là cứu hay dìm cho nó chết hẳn”.
Còn hàng loạt bài viết và những “bình luận” khác, không thể nặng nề hơn, cũng của nhóm người tự nhận yêu nước này, song không tiện nêu ra đây và cũng không cần thiết phải liệt kê hết. Nhóm người tự nhận yêu nước yêu chế độ lớn tiếng phê phán, đả kích nhưng không đưa ra được bất kỳ bằng chừng nào để chứng minh điều họ nói.
Căn cứ vào đâu, dựa trên cơ sở, chứng cứ nào để họ cho rằng giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) là “treo đầu dê bán thịt chó”? Sự ngông cuồng, lộng ngôn, hồ đồ của họ vượt quá giới hạn khi nói thành phần ban giám khảo của giải báo chí “có cả Việt Tân”.
Trong khi, nếu quan tâm đời sống chính trị, tình hình an ninh của đất nước, không ai không biết, Việt Tân là một tổ chức khủng bố do một nhóm người gốc Việt thành lập ở nước ngoài. Tổ chức này đã bị Bộ Công an nêu đích danh là một tổ chức khủng bố, vì có nhiều hành động phá hoại đất nước cả trong quá khứ và hiện nay.
Chỉ có kẻ tâm thần, hoang tưởng mới nghĩ ra được người của tổ chức khủng bố tham gia ban giám khảo giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng.
Nhiều bài viết, ý kiến “bình luận” của nhóm người tự nhận yêu nước, yêu chế độ, “đấu tranh chống diễn biến hoà bình” trên mạng xã hội cho thấy, họ có tư tưởng cực đoan, thiển cận, suy nghĩ hẹp hòi, thích nói kiểu lộng ngôn, đao to búa lớn, ra vẻ ta đây, màu mè sẵn sàng quy chụp bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nói, viết trái ý họ.
Cách nay cũng khá lâu, kênh truyền hình của Báo Nhân Dân đã phát sóng một phóng sự nói về hiện tượng những người nhân danh yêu nước nhưng hành động ngược lại. Kênh truyền hình của Báo Nhân Dân bình luận rằng, nhóm người nói trên nhìn đâu cũng thấy âm mưu và họ không giấu thái độ hung hăng khi có ai đó không tán thành ý kiến của họ.
Gần đây nhất, trong một lễ hội thi áo dài gắn liền với hoạt động quảng bá du lịch ở tỉnh Nghệ An, ban tổ chức, chính quyền địa phương rõ ràng có sai sót khi để một nhóm người hầm hố, ăn mặc dị hợm, trong đó có trang phục giống quần áo của lính chế độ cũ, diễu hành trên đường phố.
Không chỉ ban tổ chức, chính quyền địa phương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nghệ An cũng mắc phải sai sót về nghiệp vụ khi đưa tin, quảng bá về sự kiện kể trên. Ngay khi sự việc xảy ra, mạng xã hội và báo chí lên tiếng, chính quyền địa phương, Công an giao thông đã và đang xử lý những người vi phạm.
Việc này cần khách quan, rõ ràng và sòng phẳng như vậy. Tuy nhiên ngay sau đó, nhiều người trong nhóm người “yêu nước” đã lớn tiếng xúc phạm, quy chụp địa phương này rất nặng nề.
Trước đó, khi Sở GD&ĐT Nghệ An lấy bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy làm đề thi cho sinh phổ thông, chính một người trong nhóm này đã lớn tiếng xúc phạm nặng nề mảnh đất, con người nơi này bằng câu viết “sự tồn vong của chế độ bị đe doạ. Ôi đất Nghệ An mới khốn nạn làm sao”.
Bài thơ Ánh trăng in trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 từ năm 2005, thuộc chương trình giáo dục năm 2000. Sở Giáo dục dùng bài thơ trong sách giáo khoa để làm đề thi, có gì sai? Nên nhớ, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 là tài liệu dạy học chính thống của chương trình năm 2000 do Quốc hội thông qua và còn ghi rõ sách giáo khoa là pháp lệnh, không phải sách lậu.
Thông tin thêm, bài thơ Ánh trăng xuất hiện trong sách giáo khoa lớp 9 năm 2005, đến nay đã 18 năm và vẫn đang dạy học bình thường. Một nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người từng có thời gian dài làm báo trong ngành Công an, khi đọc dòng trạng thái nêu trên không giấu được sự thất vọng về người từng được xem là đồng chí với mình.
Một đặc điểm khác của nhóm người tự nhận yêu nước, bảo vệ chế độ là họ sẵn sàng dùng những ngôn từ nặng nề nhất đối với bất kỳ ai, nếu họ không thích người đó. Chỉ có điều, sự hiểu biết của nhiều người trong số họ còn hạn chế (hoặc họ biết nhưng cố ý nói để thoả mãn cảm xúc cá nhân).
Ngày 2.3 vừa qua, sau khi thực hiện đúng luật định, đúng Hiến pháp, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước được Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV1) truyền hình trực tiếp lúc 10 giờ cùng ngày.
Thế nhưng ngay sau đó, nhiều người trong nhóm người tự nhận yêu nước, yêu chế độ đã không tiếc lời mạt sát, mỉa mai, tỏ thái độ bất mãn, hoài nghi về vị nguyên thủ quốc gia vừa được Quốc hội bầu.
Những bài viết, ý kiến của nhóm người này quá nặng nề, thiếu chuẩn mực văn hoá tối thiểu, do đó, xin phép không trích dẫn ra đây. Thậm chí những quy định tối thiểu của pháp luật họ còn không biết khi thắc mắc, tại sao Chủ tịch nước khi nhậm chức không thề trung thành với Đảng.
Hiến pháp quy định, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước và xã hội, do đó, chỉ cần tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với Hiến pháp, với Nhân dân, là đủ, là đúng quy định
Do không hiểu hoặc không chịu hiểu, cố tình xuyên tạc, xúc phạm người khác, họ đã đặt những câu hỏi vô vùng thiển cận để từ đó làm “chất xúc tác” cho cái gọi là “bình luận” bằng cách miệt thị, đay nghiến người khác, kể cả vị nguyên thủ quốc gia vừa nhận trọng trách.
Nói theo ngôn ngữ pháp luật, nhóm người này đã và đang có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ để làm tổn thương, phương hại đến người khác, ở đây là tân Chủ tịch nước.
Nhân danh yêu nước, bảo vệ Đảng nhưng lại sẵn sàng thoá mạ bất kỳ vị lãnh đạo nào, nếu họ không thích người đó. Ngay cả nguyên thủ quốc gia, họ còn dùng những lời lẽ như thế, thử hỏi họ nhân danh cái gì, bảo vệ ai? Họ bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ như thế ư?
Nhóm người nêu trên, có nhiều người đã hoặc đang làm trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể của Nhà nước. Trong số họ, không thiếu những người có biểu hiện rõ ràng của bệnh công thần.
Tháng 7.2019, khi còn giữ trọng trách Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng, trong bài nói chuyện dài 75 phút với nội dung quán triệt Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã lưu ý rằng, chính những cán bộ, đảng viên, kể cả những đảng viên từng giữ chức vụ cao trong bộ máy nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hoá là nhóm không khó để nhận ra nhưng rất khó để đấu tranh vì là lực lượng “len lỏi và phức tạp”.
Việt Đông