Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tuyệt đối không để xảy ra việc có hai cơ quan cùng điều phối về Chính phủ điện tử. Các cơ quan triển khai Chính phủ điện tử cho cơ quan, đơn vị mình và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ TT-TT.
Văn phòng Chính phủ đã phát hành Thông báo Kết luận số 139/TB-VPCP ngày 3.4.2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương ngày 12.2.2020.
Thủ tướng nhận định: “Việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế tham nhũng, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp”.
Cụ thể, các hệ thống CNTT đóng vai trò trụ cột của Chính phủ điện tử đã được hình thành, trong đó tiêu biểu là Cổng dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia do Văn phòng Chính phủ triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã được sự ủng hộ, phản hồi rất tích cực của các tổ chức, cá nhân sử dụng.
Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi so với năm 2018 (từ 4,5% lên 10,7%); tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng đạt 86,5% (tăng 14,5% so với năm 2018). Ra mắt bản đồ Vmap trên Hệ tri thức Việt số hóa với hơn 24 triệu địa chỉ; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh tăng từ 3% lên 27%.
Cơ sở dữ liệu chuyên ngành Bảo hiểm xã hội được khai trương và kết nối liên thông với hệ thống chuyên ngành khác để liên thông thủ tục cấp giấy đăng ký khai sinh và cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% cấp bộ, cấp tỉnh và 95% cấp huyện; thành lập Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử tại Bộ TT-TT và triển khai chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương…
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, bên cạnh những công việc đã và đang được thực hiện, vẫn còn những hạn chế, nút thắt cần được tháo gỡ như xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp quốc còn thấp, dưới mức trung bình của ASEAN.
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp; tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến chưa cao; hạ tầng CNTT ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đồng bộ. Ngoài ra, vấn đề ATTT, an ninh mạng chưa được quan tâm đầy đủ; chưa tích cực ứng dụng các công nghệ mới…
Tại Thông báo này, Thủ tướng giao Bộ TT-TT thực hiện vai trò là cơ quan điều phối thống nhất toàn quốc về Chính phủ điện tử, tổng hợp chiến lược, kế hoạch, các dự án đầu tư, thuê dịch vụ CNTT, kinh phí cho Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của các Bộ, ngành, địa phương.
Các hệ thống nền tảng dùng chung vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành sẽ do Bộ TT-TT chủ trì quản lý. Tuyệt đối không để xảy ra việc có hai cơ quan cùng điều phối về Chính phủ điện tử. Các cơ quan triển khai Chính phủ điện tử cho cơ quan, đơn vị mình và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ TT-TT.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng…
Nguồn motthegioi