Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Nỗi buồn chiến tranh” - nơi vết thương còn in dấu
Thứ sáu: 06:10 ngày 01/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đối với thế hệ sau này, dường như chiến tranh chỉ là một huyền thoại. Nó là câu chuyện hồi ức của những người già, của những buổi diễn thuyết dài, là câu chuyện chia sẻ trong một buổi lễ nào đó về chiến tranh, hoặc những bài học lịch sử khô khan…

Chiến tranh đã đi xa nhưng nỗi đau, sự mất mát vẫn tồn tại đâu đó, tựa như hơi thở của thời gian không bao giờ ngơi nghỉ. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, vừa được Nhà xuất bản Trẻ tái bản lần thứ 10 sẽ khiến chúng ta đồng cảm và tự hào thêm về những con người đã làm nên lịch sử.

Chúng ta có không ít tác phẩm viết về chiến tranh của nhiều cây bút gạo cội. Như “Quân khu miền Nam” của Bình Ca, bộ ba tác phẩm “Quê nhà, Quê người, và Mười năm” của Tô Hoài, “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận, “Làng” của Kim Lân, “Rừng Xà Nu” của Nguyễn Trung Thành…

Mỗi một tác phẩm phản ánh một mảnh ghép của chiến tranh: có một Việt Nam hào hùng, sử thi, với những con người kiên cường, đoàn kết. Có một Việt Nam oằn mình với những nỗi đau đớn, khi máu nhuộm đỏ đất, nước mắt hoá thành mưa… Nỗi buồn chiến tranh mang đến một cái nhìn rất khác về chiến tranh. Tác phẩm phản ánh chiến tranh với những nỗi đau, sự ám ảnh, sự tuyệt vọng của một người lính với những vết thương sâu thẳm tâm hồn.

Cuốn sách kể về Kiên trong cuộc hành trình tìm lại chính mình. May mắn hơn nhiều so với những đồng đội khác, Kiên là người sống sót trở về sau chiến tranh. Anh còn cả một cuộc đời phía trước để tạo nên câu chuyện tươi sáng. Nhưng trái ngược hẳn quá khứ- một người lính hướng về tương lai với tất cả sự kiên cường mạnh mẽ, Kiên trong hiện tại sống trong hồi ức đầy đau khổ giữa giấc mộng về cái chết.

Cái chết ám ảnh suốt toàn bộ thiên tiểu thuyết dài. Đó là hình ảnh hài cốt đồng đội nằm khắp nơi suốt dọc chiều dài đất nước hình chữ S, những xác người chết do bom đạn chiến tranh. Có những hài cốt còn nguyên vẹn được mang về cho người thân. Nhưng cũng có những bộ hài cốt mãi mãi thất lạc với chính những bộ phận còn lại trên cơ thể.

Trở về nhà sau chuyến hành trình dài tìm hài cốt đồng đội, Kiên phải đối mặt với những ám ảnh, những tuyệt vọng. Hiện thực được tái hiện trong trang viết của anh là sự đổ vỡ của tâm hồn. Cuộc đời của Kiên chạy mãi về miền ký ức xa xăm thăm thẳm và không quay lại. Cuốn sách càng về cuối càng là nỗi đau, nhà văn dường như thoát ra khỏi vai trò của mình để hoà với nhân vật làm một. Xuyên qua trang viết, người đọc tìm thấy một sự đồng cảm đến tuyệt đối.

Số phận của cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh cũng mang lại nhiều tranh cãi trong cách tiếp cận với người đọc.  Khi vừa ra đời với tên “Thân phận tình yêu”, tác phẩm được sự đánh giá rất cao của Hội Nhà văn Việt Nam, ngay lập tức, nó giành giải thưởng danh giá trong cùng năm.

Tuy nhiên, chỉ một khoảng thời gian ngắn sau đó, những ý kiến trái chiều đã khiến tác phẩm rơi vào những chỉ trích nặng nề, khi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc khắc hoạ người lính đau khổ trong quá khứ, yếu đuối trong nỗi đau là đi ngược lại với hình tượng người lính mà nhiều nhà văn đã khắc hoạ trước đây, khiến cho người ta có cái nhìn sai lệch về thế hệ anh hùng. Đến năm 2005, tác phẩm mới được đánh giá đúng về những giá trị tích cực của nó với một cách nhìn nhận mới về chiến tranh, chân thật với những nỗi đau.

Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và là một trong những tác phẩm tiếng Việt được dịch nhiều thứ tiếng nhất tính cho đến thời điểm hiện tại. Sách hiện có tại thư viện tỉnh Tây Ninh.

Yến Nhi

Tin cùng chuyên mục