BAOTAYNINH.VN trên Google News

20 năm đầu của ngôi Đền thánh Tây Ninh (tiếp theo) 

Cập nhật ngày: 30/04/2020 - 16:03

BTN - Đạo sử để lại cho biết, ngày 27.1.1947 thì ngôi đền hiện nay được hoàn thành, nhưng phải tới năm 1955 mới được làm lễ khánh thành. Tính từ đầu năm 1927 (trước tháng 3.1927) đến khi có ngôi đền sừng sững với kiến trúc lạ và đẹp mắt, cũng đã gần 20 năm.

Đền thánh một ngày đại lễ 2019.

Từ nhiều năm qua, Đền thánh đã là một địa chỉ nổi bật của du lịch Tây Ninh. Du khách trong và ngoài tỉnh hoặc du khách nước ngoài đã tới Tây Ninh thường ghé đến. Hầu như lúc nào, Đền thánh cũng có du khách thập phương thăm viếng và chẳng mấy ai có thể hình dung ra ngôi Đền thánh lúc sơ khai.

Đạo sử để lại cho biết, ngày 27.1.1947 thì ngôi đền hiện nay được hoàn thành, nhưng phải tới năm 1955 mới được làm lễ khánh thành. Tính từ đầu năm 1927 (trước tháng 3.1927) đến khi có ngôi đền sừng sững với kiến trúc lạ và đẹp mắt, cũng đã gần 20 năm.

Thử hình dung, Tây Ninh sau 45 năm giải phóng đã có biết bao nhiêu công trình to lớn khang trang, thậm chí là “vĩ đại” như lòng hồ, toà nhà khách sạn 5 sao Vinpearl hoặc nhà ga cáp treo mới lên đỉnh núi Bà Đen…

Vậy mà đứng trên sân Đại Đồng xã- trước ngôi Đền thánh, người ta vẫn có thể sững sờ, choáng ngợp trước quy mô đồ sộ của công trình. Lại cũng gặp ở đây nhiều hình tượng kiến trúc kế thừa của nhiều tôn giáo khác. Lầu trống và lầu chuông cao vút như tháp chuông nhà thờ Công giáo; tháp mặt bằng hình “bát quái” của đạo Tiên (Lão); tháp tròn vuông kết hợp với mái vòm kiểu nhà thờ cổ châu Âu hay vòm mái thánh đường Hồi giáo.

Rồi mái chùa phía trước, mái chảy phía sau màu ngói đỏ au… Đấy là một sự kết hợp kỳ lạ của nhiều tinh hoa kiến trúc Á- Âu, mà vẫn hài hoà, hợp lý, tạo nên một hình ảnh đặc trưng mới mẻ cho kiến trúc riêng có của đền thờ, thánh thất Cao Đài.

Nhìn ra chung quanh, sân Đền thánh rộng thênh thang, có rừng già hai bên cao vút thâm nghiêm. Phía trước, xa xa là cổng Chánh môn đường bệ rất lớn với cặp rồng chầu vào “Tam bửu”. Hai bên lại có khán đài cho đạo hữu, tín đồ xem lễ rước cộ mẫu rồng nhang mỗi mùa đại lễ.

Lễ xong thì đấy lại là “khách sạn ngàn sao” cho những người nghèo. Kể thêm, khuôn viên Toà thánh rộng tới 100 ha, đường dọc, đường ngang nay đã đều trải bê tông nhựa, có trụ đèn rực sáng mỗi đêm. Nét mới nhất là tất cả những mảng tường của hàng rào khu nội ô, những bờ tường ngăn từng khu vực đều được vẽ tranh đẹp mắt.

Hình dung, so với nay để không lấy làm lạ khi đọc trong sách Đạo sử, bà nữ Đầu sư Hương Hiếu viết từ khoảng 60 năm trước: “Nhớ lại cách hơn 30 năm về trước, vùng Thánh địa là một chốn rừng thiêng nước độc, là nơi sào huyệt của lũ ác, thú. Theo con đường quốc lộ (CMT8 ngày nay- TV) hành khách ít ai qua lại, bóng ác chưa khuất non đoài thì loài hổ báo đã thị oai gầm thét. Chẳng bao lâu mà ngày nay, một Toà thánh Tổ đình sừng sững chọc trời, nguy nga đồ sộ nơi miền Đông- Nam- Á…”.

Từ toà nhà bằng gỗ tre tranh lá với kích thước rộng dài khoảng 12x22 mét vào năm 1927 theo mô tả của nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm, 20 sau, Đền thánh đã là một ngôi thánh đường được xây dựng kiên cố bằng gạch đá và bê tông cốt thép.

Kích thước cụ thể như sau: mặt bằng chữ nhật (ngang x dài) bằng 20,2 x 93 mét, chưa kể phần tiền sảnh hình vuông, mỗi chiều 4 mét 50, cao lên tới 27 mét. Các ngọn tháp khác là Nghinh Phong đài và Bát Quái đài có chiều cao lần lượt là 17 mét và 19 mét.

Chưa kể tới các chi tiết kiến trúc bộ phận khác được tạo tác rất cầu kỳ và sinh động như cột rồng, bao lam, các bộ bàn ghế được đặt thờ cúng trên phần Hiệp Thiên đài- phần sau cùng của ngôi Đền thánh hay các ô cửa sổ, cửa đi được điêu khắc dạng hoa lá… thì chỉ riêng kích thước này thôi đã làm cho ngôi đền gây ấn tượng kỳ vĩ với con người. Nhất là vào thời điểm năm 1947, tỉnh lỵ Tây Ninh còn chưa có toà nhà nào xây cao tới 3 tầng. Trong khi đó chỉ riêng lầu chuông trống đã cao bằng toà nhà 7 tầng thời hiện đại.

Trở lại với bài ký “Hai ngày ở thánh thất Cao Đài”, để xem xét thêm phần ngoại thất xung quanh ngôi Đền thánh tạm vào năm 1932. Cô Kiêm viết: “Xe đến thánh thất hồi 5 giờ rưỡi chiều. Thánh thất Cao Đài xa chợ Tây Ninh chừng 4.000 thước, xa núi Bà chừng vài ngàn thước. Một khuôn đất minh mông, nhà lá rải rác, có một khúm lớn ở giữa, chung quanh là rừng. Ở xa đi lại, thấy Toà thánh trước, vì nó cao hơn và xung quanh kết đầy những lá, hoa và lồng đèn giấy…

Hồi tôi xuống xe, thấy người ta đông lắm, có đến bốn, năm trăm người vừa nam, vừa nữ, không kể còn con nít nhỏ và tín đồ Cao miên… Tôi đi đâu cũng thấy đàn ông áo dài đen, khăn đóng đen, còn đàn bà và trẻ nhỏ thì cũng mặc đồ dài nhưng toàn bằng vải trắng, coi có vẻ nghiêm trang lắm…”.

Cứ theo những trang mô tả này, còn thấy chung quanh ngôi Toà thánh đã có các dãy nhà tạm ở hai bên gọi là Đông lang, Tây lang, làm nơi ở cho các chức sắc và tín đồ từ nhiều nơi đến làm công quả. Bên trại nữ thì: “Tín đồ chật nứt, song trại vẫn chia ra liêu phòng tuỳ theo “chức sắc”. Trước mỗi cửa vô có tấm bảng đề rành rẽ: liêu phòng chánh phối sư… giáo sư… giáo hữu, v.v… chỉ lót vài bộ ván sậy, còn bao nhiêu thì trải đệm dưới đất.

Đất khô ráo không cần lót gạch; vách cũng bằng đất, duy có cửa thì đóng bằng cây và nóc nhà lợp lá…”. Ngoài ra, mỗi bên cũng có các loại nhà khác như: “nhà nghỉ của đồng nhi (nữ); nhà bếp; nhà ăn của tín đồ, rộng lớn không có vách; nhà để dệt vải; nhà nấu nước…”.

Vậy, khu vực ngày nay gọi là Đại Đồng xã năm ấy ra sao? Thì đây: “Trước mặt Toà thánh có hai con đường nhỏ đi vào trong rừng. Tôi lẩn thẩn đi một mình. Ở đây như cái vườn thánh. Mỗi một khoảng đều thấy có hình đá, tượng Phật… Cảnh vắng vẻ vô cùng”.

Vậy là cái sân rộng thênh thang, tới trên 80 mét chiều ngang, khoảng 400 mét chiều dài ấy, vào năm 1932 vẫn cơ bản là rừng hoang chưa khai phá hết. Hai con đường nhỏ ấy về sau chắc đã được xây đắp nên hai con đường hai bên giáp với khán đài. Vài “hình đá, tượng Phật” trong đó chắc chắn có ngôi tượng thái tử Tất Đạt Đa, cưỡi ngựa được đưa về vào tháng 3.1927, nay vẫn còn ở chính giữa sân. Người và ngựa hướng mặt về phía Tây, nơi có cổng chánh môn, hướng về miền Tây Trúc.

Ở một đoạn khác, tác giả Nguyễn Thị Kiêm cũng đã ghi lại được hình dạng bên ngoài Đền thánh. Ấy là khi cô: “Đứng dựa một cây gòn mà day mình về Toà thánh, thì thấy Toà thánh vẫn dài hơn là rộng. Mặt tiền bước vô có ba cửa chánh đều làm bằng cây. Trên nóc có hai cái tháp nhỏ cũng khá cao, là những chỗ để chuông trống. Khúc giữa Toà thánh thì cất như nhà lồng, không có vách hai bên hông. Khúc sau Toà thánh đại khái cũng như khúc trước, có vách bốn bên và cao hơn khúc giữa, song không có tháp…”.

Ngôi Đền thánh hiện nay được chính thức khởi công năm 1936, qua 5 giai đoạn mới hoàn thành vào năm 1947. Từng có một huyền thoại là xây dựng mà không có thiết kế trước, và do đức “Lý giáo tông” giáng cơ hướng dẫn xây nên.

Nhưng cứ theo những trang viết của Báo Phụ nữ Tân Văn, thì đạo đã có những định hình đầu tiên cho ngôi đền đồ sộ và lộng lẫy của mình ngay từ năm 1927. Ba phần mà nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm mô tả, cũng tương ứng với ba phần của ngôi đền thánh hiện nay: phần sảnh và lầu chuông trống, phần Cửu Trùng đài và phần cuối là Hiệp Thiên đài.

Trần Vũ