BAOTAYNINH.VN trên Google News

3 năm miễn thu thuỷ lợi phí: Bất hợp lý đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản

Cập nhật ngày: 23/01/2011 - 10:54

Ngày 15.10.2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 154/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28.11.2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác đê điều và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Trong đó quy định miễn thuỷ lợi phí (TLP) đối với hộ gia đình, cá nhân có đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối trong hạn mức giao đất nông nghiệp… Sau 3 năm thực hiện, việc miễn TLP đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, nhưng cũng có phát sinh những điều bất hợp lý.

Ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, sau khi thực hiện chính sách miễn thu TLP thì diện tích hợp đồng tưới ngày càng tăng mạnh. Trong đó diện tích hợp đồng tưới tăng đột biến sau 2 vụ đầu tiên thực hiện chính sách miễn thu TLP. Cụ thể vụ đông xuân 2007-2008 công ty thực hiện ký hợp đồng cung cấp nước tưới cho hơn 27.500 ha- tăng gần gấp đôi vụ đông xuân trước. Vụ hè thu 2008 công ty ký hợp đồng tưới được hơn 26.500 ha, tăng hơn 5 lần so với vụ hè thu trước. Sở dĩ diện tích ký hợp đồng tăng đột biến là do trước đây có nhiều hộ nông dân khi hợp đồng giấu bớt diện tích để giảm tiền nộp TLP, hoặc cũng có không ít hộ nông dân có hưởng nước tưới nhưng không ký hợp đồng. Nhưng khi không phải nộp TLP nữa nên những hộ này mạnh dạn kê khai hết diện tích. Từ năm 2009 đến nay diện tích hợp đồng tưới tiêu ngày càng tăng thêm. Năm 2009 tổng diện tích công ty ký hợp đồng tưới tiêu là 74.283,48 ha và năm 2010 tăng lên 77.855 ha. Song song đó, công tác duy tu, sửa chữa và bảo vệ kênh mương cũng được thực hiện ngày càng tốt hơn. Việc miễn thu TLP theo chủ trương của Chính phủ đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống hộ nông dân, gia tăng diện tích sản xuất nhiều loại cây trồng và gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trong 3 năm qua ở Tây Ninh.

Việc miễn thu TLP góp phần nâng cao đời sống hộ nông dân, gia tăng diện tích sản xuất nhiều loại cây trồng và gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trong 3 năm qua ở Tây Ninh.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh thì việc cung cấp nước thuỷ lợi hiện đang phát sinh điều bất hợp lý, đặc biệt rõ nét trong tình hình hồ Dầu Tiếng tích thiếu nước như mùa khô năm nay. Bất hợp lý đó nằm ở quy định hạn mức miễn thu TLP đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Theo Nghị định 154, thì Tây Ninh thuộc tỉnh được miễn TLP đối với hộ gia đình, cá nhân có đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối “trong hạn mức giao đất nông nghiệp”. Như vậy, đối với đất sản xuất nông nghiệp có diện tích tưới dưới 3 ha không phải đóng TLP. Riêng diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản cũng áp dụng theo quy định này- nghĩa là từ 3 ha trở xuống cũng không phải nộp TLP. Tuy nhiên, thực tế nếu so sánh lượng nước sử dụng cho 3 ha đất sản xuất nông nghiệp và 3 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản thì sẽ thấy có sự chênh lệch rất lớn. Cụ thể, đối với cây lúa- loại cây trồng sử dụng lượng nước tưới nhiều nhất, trồng trong vụ đông xuân- vụ sản xuất tiêu thụ lượng nước tưới cao nhất trong năm thì bình quân 1 ha tiêu thụ hết 12.000m3 nước. Thế nhưng đối với 1 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản vụ đông xuân bình quân tiêu thụ đến khoảng 120.000m3 nước- cao gấp 10 lần lượng nước sử dụng sản xuất lúa. Hiện nay, trong tình hình thiếu nước tưới thì việc cung cấp nước cho những diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong hạn mức đã tiêu tốn rất nhiều nước so với sản xuất nông nghiệp. Điều bất hợp lý là tuy sử dụng lượng nước cao như vậy, nhưng hộ nuôi trồng thuỷ sản vẫn hưởng được chính sách miễn TLP trong hạn mức như hộ nông dân trồng lúa bình thường. Trong khi đó, thực tế hầu hết các hộ nuôi trồng thuỷ sản đều là hộ khá, giàu-  thậm chí có hộ là đại gia vì vốn đầu tư cho 1 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản có khi lên đến hàng tỷ đồng.

Chính sách miễn thu TLP thực chất là nhằm hỗ trợ những hộ nông dân nghèo có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, quy định như vậy là không phù hợp bởi vì Nhà nước phải trả phần TLP cho những hộ giàu có. Hơn nữa, tính ra thì 3 ha đất trồng lúa chỉ sử dụng lượng nước bằng 0,3 ha nuôi trồng thuỷ sản mà thôi. Do đó, nếu tính công bằng thì hạn mức không thu TLP đối với nuôi trồng thuỷ sản phải là 0,3 ha chứ không phải 3 ha.

Nên chăng, cần điều chỉnh hạn mức miễn thu TLP đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản là từ 0,3 ha trở xuống để tương đương với lượng nước sử dụng cho 3 ha trồng lúa và các loại cây trồng hằng năm khác và nếu diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản vượt 0,3 ha thì sẽ thu TLP theo quy định để đảm bảo tính hợp lý và công bằng.

Sơn Trần