BAOTAYNINH.VN trên Google News

9 tháng đầu năm: GDP ước tăng hơn 9%

Cập nhật ngày: 19/09/2013 - 05:33

9 tháng đầu năm 2013, nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, tăng trưởng khá toàn diện ở cả 3 lĩnh vực, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2013.

(BTNO)- Theo UBND tỉnh, 9 tháng đầu năm 2013, nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, tăng trưởng khá toàn diện ở cả 3 lĩnh vực, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2013.

Dự thảo báo cáo của UBND tỉnh cho biết, ước 9 tháng đầu năm 2013, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) tăng 9,1% so với cùng kỳ. Tỷ trọng nông - lâm – thuỷ sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ trong GDP (giá hiện hành): 31,0% - 31,8% - 37,2% (KH năm 2013: 35% - 30% - 35%). Mặc dù không bằng tốc độ tăng cùng kỳ năm trước nhưng trong bối cảnh khó khăn chung thì đây là kết quả khả quan, cho thấy nền kinh tế tỉnh đang có dấu hiệu phục hồi, hứa hẹn sẽ có nhiều điểm sáng, tích cực hơn vào cuối năm.

Hoạt động nông nghiệp mặc dù khó khăn về giá cả nhưng giá trị sản xuất của ngành cơ bản duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất nông – lâm – thuỷ sản (giá 94) thực hiện 4.935,4 tỷ đồng - đạt 72,4% kế hoạch năm, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá, bệnh dịch được phát hiện và xử lý kịp thời. Thu hút được nhiều dự án đầu tư chăn nuôi trang trại lạnh, chăn nuôi khép kín, quy mô lớn. Tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích không xảy ra.

Mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn vụ Hè Thu đã thực hiện 2.377ha cho 1.463 hộ tại 16 xã thuộc 6 huyện. (Trong ảnh, thu hoạch lúa trên cánh đồng xã Thành Long).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 21,96% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 94) thực hiện 9.428,8 tỷ đồng, đạt 66,8% kế hoạch, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nhà nước tăng 14,4%, khu vực dân doanh tăng 11%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,5% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp tăng 11,3% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp phục hồi nhẹ, phát huy lợi thế các mặt hàng thế mạnh của tỉnh, xuất hiện nhân tố mới sẽ góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm (doanh nghiệp sản xuất vỏ, ruột xe -saloon đang đi vào giai đoạn sản xuất thử nghiệm); các doanh nghiệp khác đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Ngành xây dựng tăng trưởng mạnh, góp phần quan trọng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và đóng góp vào tăng trưởng GDP.

Xuất khẩu duy trì ở mức tăng trưởng tương đối, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao đã góp phần bù đắp cho khu vực dân doanh và khu vực nhà nước. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 1.280,6 triệu USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22%, khu vực dân doanh tăng 1,5% và khu vực nhà nước giảm 19% so với cùng kỳ. 

Hoạt động nhập khẩu các máy móc, thiết bị, kim loại, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất kinh doanh có cải thiện. Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 747,7 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực dân doanh tăng 32,2%, khu vực nhà nước tăng 18,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,8% so với cùng kỳ.

Thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả vượt bậc so với cùng kỳ cả về số dự án và về vốn đầu tư, đáng chú ý trong quý III là sự gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ trong quý III đã có 7 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn 128,8 triệu USD chiếm tỷ lệ 54,4% tổng vốn thu hút mới.

Các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tăng cao. 9 tháng năm 2013, có 300 doanh nghiệp đăng ký mới, trong đó quý III có 170 doanh nghiệp đăng ký mới. Số doanh nghiệp giải thể có xu hướng giảm dần, quý III/2013 chỉ có 20 doanh nghiệp giải thể, so với cùng kỳ 293 doanh nghiệp giải thể. Mặt khác, lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm so với đầu năm, một bộ phận doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, bước đầu ổn định sản xuất.

Nguồn vốn đầu tư trên địa bàn có khối lượng thực hiện cao, đặc biệt là tăng ở 2 khu vực dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Xây dựng cơ bản trên địa bàn có khối lượng và giải ngân đạt khá.

Ba chương trình đột phá và các chương trình trọng điểm được tiến hành thực hiện theo các mục tiêu đề ra, những kết quả đã thu được góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, dự thảo báo cáo của UBND tỉnh cũng nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiền ẩn nguy cơ tăng trở lại trong những tháng cuối năm, tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên vật nuôi chưa được khống chế hoàn toàn, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại; giá cả một số mặt hàng tiếp tục được điều hành theo cơ chế thị trường như giá điện, giá than cho sản xuất điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh của Nhà nước, giá dịch vụ giáo dục (học phí)...

Một số diện tích cây trồng giảm so với kế hoạch (đậu phộng, thuốc lá, bắp, mía...); giá cả một số mặt hàng nông sản không ổn định (lúa, cao su ...); giá vật tư phân bón luôn biến động theo hướng ngày càng tăng đã tác động đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thu nhập của người nông dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tuy tăng 8,3% nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức tăng là 3,1%, đều này cho thấy sức mua của người dân trong những tháng đầu năm nay tăng chậm, thấp hơn nhiều so với sức mua của năm trước (9 tháng 2012 tăng 9,1%).

So với cùng kỳ, tình hình thu ngân sách giảm, khả năng đến cuối năm hụt thu khoảng 99 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động giảm do lãi suất tiền gửi thấp và được đánh giá là thấp nhất trong những năm vừa qua.

Trong những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức mới trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, một số doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc khu vực Công - thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh, dẫn đến số thuế phát sinh đạt thấp.

Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc vay vốn sản xuất, nhất là doanh nghiệp muốn vay nhưng không đủ điều kiện, trong đó phổ biến nhất là nợ cũ chưa trả. Trong quý mặc dù doanh nghiệp giải thể giảm đáng kể nhưng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động vẫn còn nhiều.

Các dự án có yếu tố nước ngoài, sử dụng nhiều đất, sản xuất không hiệu quả cơ bản đã có chủ trương xử lý, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc trong thủ tục chuyển nhượng dự án, các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng chưa hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý, có doanh nghiệp chưa tiếp nhận được dự án. Các dự án trung tâm thương mại tiến độ vẫn còn chậm, kêu gọi đầu tư còn khó khăn.

Ba chương trình đột phá tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung tiến độ chậm, do năng lực và nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh khó lường gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.

Việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người có thu nhập thấp vẫn còn nhiều bấp bênh. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, ngộ độc thực phẩm còn xảy ra. Ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở một số nơi…

HY UYÊN