Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lực lượng tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng:

Âm thầm, kiên trì, “góp gió thành bão” 

Cập nhật ngày: 24/05/2024 - 10:45

BTN - Đến nay, Tây Ninh cũng đã xây dựng được mạng lưới chuyên gia, cộng tác viên các cấp và đội ngũ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đông đảo, phân bổ từ tỉnh tới cơ sở.

Với chiến lược “diễn biến hoà bình”, các thế lực thù địch dùng nhiều phương thức, thủ đoạn chống phá, công kích chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Hằng năm, Ban Chỉ đạo 35-57 tỉnh tổ chức các đợt tập huấn, đây được coi là dịp để tập hợp lực lượng, tiếp tục trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, đấu tranh, phản bác và tiếp tục “truyền lửa” để mỗi thành viên thêm gắn kết, hoạt động tích cực hơn.

Tây Ninh xây dựng được mạng lưới chuyên gia, cộng tác viên các cấp và đội ngũ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đông đảo, rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Tập hợp lực lượng để tiếp tục “truyền lửa”

Nghị quyết số 35 nêu rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó, lực lượng Tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQVN và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Tháng 4.2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Đề án số 05-ĐA/TU về “tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phòng chống âm mưu “diễn biến hoà bình”, bỡ bỏ các thông tin xấu, độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch, giai đoạn 2022-2025”.

Đến nay, Tây Ninh cũng đã xây dựng được mạng lưới chuyên gia, cộng tác viên các cấp và đội ngũ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đông đảo, phân bổ từ tỉnh tới cơ sở. Đây là lực lượng nòng cốt trực tiếp tham gia quản lý, điều hành hoạt động các diễn đàn tuyên truyền và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo 35-57 tỉnh tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đợt 1 - năm 2024 cho gần 500 thành viên nhóm chuyên gia cấp tỉnh, mạng lưới cộng tác viên các cấp và đội ngũ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thu Cúc- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, thành viên Ban Chỉ đạo 35-57 tỉnh cho biết: “Đây là dịp tập hợp lực lượng để tiếp tục “truyền lửa”, để gắn kết với nhau hơn”.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết thêm, hiện tại, đội ngũ của tỉnh đã phát triển rộng khắp, hầu như các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở đều có các trang, nhóm trên internet và mạng xã hội. Đặc biệt, lực lượng của Tây Ninh luôn ứng xử có văn hoá trên không gian mạng, tích cực giới thiệu gương điển hình, quảng bá hình ảnh đẹp đất và người Tây Ninh nhân văn, nghĩa tình; kịp thời báo cáo cơ quan chức năng gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. 

Ông Mai Tuấn Kiệt- giảng viên Trường Chính trị tỉnh chia sẻ: “Với góc độ là giảng viên Trường Chính trị tham gia công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các nội dung tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được chúng tôi lồng ghép trong các bài giảng, thông qua các báo cáo tham luận, đề tài khoa học và lan toả hằng ngày trên nhóm Facebook của trường. Thông qua chương trình tập huấn hằng năm, chúng tôi được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về viết bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các kỹ năng tuyên truyền trên không gian mạng, đặc biệt là kỹ năng sử dụng nền tảng TikTok tuyên truyền trong điều kiện hiện nay”.

Thạc sĩ Ngô Minh Tuấn- Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng trả lời phỏng vấn phóng viên Đài PT-TH tỉnh và Báo Tây Ninh

 

Viết và đấu tranh, phản bác sao cho đúng, trúng, hiệu quả

Triển khai chuyên đề kỹ năng, kinh nghiệm viết bài chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong chương trình tập huấn vừa qua, Thạc sĩ Ngô Minh Tuấn- Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng mở đầu bằng việc khái quát vấn đề xây dựng Đảng.

Ông phân tích nội hàm của 5 thành tố trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đó là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, từ đó gợi mở một số đề tài lĩnh vực xây dựng Đảng phù hợp với thời điểm hiện nay, nhất là những đề tài liên quan đến công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh. 

Riêng đối với góc nhìn người viết về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hoá, quốc phòng - an ninh, đối ngoại… dưới “lăng kính” xây dựng Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng Ngô Minh Tuấn lưu ý: “Thứ nhất, các bài viết cần phản ánh về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình triển khai, những kết quả và khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định… của Đảng. Nội dung này bao gồm cả việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những chương trình, kế hoạch của các cấp chính quyền và các ngành tổ chức triển khai nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định… của Đảng. Thứ hai là, người viết phải nêu được vai trò của tổ chức đảng và đảng viên trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định… của Đảng, những chương trình, kế hoạch của các cấp chính quyền và các ngành triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định… của Đảng”.

Chia sẻ thêm với phóng viên về kinh nghiệm triển khai các bài viết đấu tranh, phản bác, Thạc sĩ Ngô Minh Tuấn cho rằng: “Để có thể phản bác, đấu tranh có hiệu quả các luận điệu của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, người viết cần có nền tảng kiến thức vững chắc. Nắm, hiểu sâu về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; những kiến thức về kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hoá, an ninh - quốc phòng, đối ngoại.

Người viết cũng cần nắm vững các thể loại báo chí, để có những tác phẩm hấp dẫn, thuyết phục, một trong những thể loại thường xuyên được sử dụng chính là thể loại chính luận. Một tác phẩm báo chí cần vươn tới để được coi là tác phẩm chất lượng cao khi đề tài có tính phát hiện, nội dung tác phẩm đi vào những vấn đề xã hội quan tâm, người viết tìm tòi, sáng tạo, cách thể hiện mới sao cho hấp dẫn”.

Ông cũng lưu ý các đề tài khi viết cần phân tích kỹ bối cảnh, tình hình thời điểm cầm bút; bám sát trọng tâm về xây dựng Đảng từng nhiệm kỳ, từng năm, nhất là triển khai thực hiện các nghị quyết Đai hội Đảng, Nghị quyết các hội nghị Trung ương. Đối với từng đảng bộ tỉnh, cần tập trung tuyên truyền thông qua các nghị quyết chuyên đề, nghị quyết các hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, phản ánh những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương.

“Phản bác hiệu quả nhất chính là bằng những thành tựu dưới sự lãnh đạo của Đảng, để chứng minh được đường lối của Đảng ta là đúng, thành quả đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng là rất to lớn”- Thạc sĩ Ngô Minh Tuấn- Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng nhấn mạnh.

Phương Thuý - Hoa Hiệp