Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023):
Bà Liên “rau móp” và ông Sơn thương binh
Thứ tư: 18:02 ngày 26/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Làm thế nào mà “từ hồi 50 tuổi tới giờ, vợ chồng tui không gây một tiếng”, trong khi bà Liên thích mở tivi nghe vọng cổ còn ông Sơn lại muốn xem đô vật với bóng đá?

Vợ chồng ông Võ Văn Sơn và bà Trần Thị Liên thăm vườn cây của gia đình.

“Hồi trẻ còn cự nự nhau, chứ từ hồi 50 tuổi tới giờ, vợ chồng tui không gây một tiếng”. Bà hai “rau móp” Trần Thị Liên (1960) gác chân lên ghế đá, nhìn chồng bằng đôi mắt âu yếm của một người vợ ngoan hiền rất mực yêu thương chồng- ông Võ Văn Sơn (1950), thương binh 2/4.

Bà nói thêm mấy lời như minh hoạ cho chi tiết không gây nhau của vợ chồng: “Ổng qua Lộc Giang (Đức Hoà, Long An) uống rượu với mấy ông bạn ở bến đò, tui theo ổng qua nói chuyện với mấy bà vợ bạn ổng. Tới lúc nghỉ uống, tui thảy ổng lên xe chở về… cho ngủ thì mắc gì gây”. Ông Hai Sơn nhìn tôi cười rồi đưa chung rượu thuốc lên nói: “Thôi, dô chú! Thử con khô cá chạch bả làm coi sao!”.

Món khô cá chạch chiên của bà Hai Liên thật vừa miệng nhậu. Từ chiếc ghế đá cách bàn nhậu vài bước chân, bà Liên “rau móp” nhìn chồng bằng ánh mắt chiều chuộng, nói thêm: “Mặt ổng xấu xấu vậy chứ có nhiều bạn. Mà bạn nào cũng thích ghé nhà để uống mấy ly với ổng. Gà vịt thịt thà… nhà không có sẵn, còn khô mắm, tát đìa xong chọn mớ cá làm khô nhậu cả năm cũng còn”.

Rồi bà kể quy trình làm khô cá chạch: “Cá không cần đánh vảy, lấy một nắm muối đổ vô thau ngâm 10 phút. Sau đó, đổ ra rổ rửa rồi cắt 2, 3 trái chanh vắt vô, xóc xóc một hồi sạch bong, cá rít chịt rồi để khô nước, lại bỏ vô cái thau rắc cho miếng đường, miếng bột ngọt, thêm chút Knorr, chút ớt bột… để chừng một tiếng, hai tiếng đồng hồ mang phơi nắng cho cá ráo mình là được”.

Gương mặt ông Sơn thương binh so với vợ đúng là một trời một vực. Trong khi bà Liên sở hữu một làn da trắng mịn, gương mặt đầy tròn, phúc hậu, thì ông Sơn tay chân gân guốc, mặt mũi đen đúa. Đã vậy, ông còn chân thấp chân cao, với tỷ lệ thương tật 65% vĩnh viễn, hậu quả từ trận công đồn biệt lập Vàm Trảng của quân đội Sài Gòn nằm trên khu Gò Cấm từ hồi tháng 4.1972.

Nét duyên nhất của người thương binh này chính là nụ cười tươi tắn, rổn rảng, chất phác và tinh thần lạc quan luôn hiện hữu trên ánh mắt. Tôi thoáng nghĩ, câu “nồi nào vung đó” có lẽ không đúng trong trường hợp này. Họ quá lệch nhau về hình thức, vậy nhưng hạnh phúc của đôi vợ chồng này là điều không thể phủ nhận.

Ông Sơn khoe có hai con trai, hai con gái và… hai vợ. Theo lời ông thì bà Liên là vợ thứ hai. Vợ trước có chung với ông hai con, một trai một gái. Năm 1986, dù bán một con trâu với bảy công ruộng được một chỉ vàng 24k với một chỉ vàng 18k để trị bệnh cho vợ, nhưng bà vẫn không qua khỏi chứng K gan. Năm 1990, em gái của người bạn cảm thương ông Sơn thương binh tàn mà không phế nên kết nghĩa vợ chồng và hai người có thêm một trai một gái.

Căn nhà của vợ chồng ông Sơn ở ấp Phước Long, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng là căn nhà tình nghĩa được chính quyền xây tặng từ năm 1994. Ông rủ tôi ra sau nhà, chỉ cho tôi gia sản của vợ chồng ông là từ cái vuông đất đang trĩu vàng hạt lúa giống Lộc Trời trồng theo chuẩn sạch chờ ngày thu hoạch trở ra con rạch Mương Củi trước nhà.

Bao quanh bờ ruộng lúa, tôi đếm có gần 60 cây dừa xiêm thân lùn đang đầy những buồng trái có thể với tay hái được. Theo ông Sơn, những cây dừa lùn này bán được 7.000 đồng/trái, còn những cây dừa cao trước nhà, trừ công leo chỉ còn 5.000 đồng/trái. Xen kẽ dừa là hàng trăm gốc khóm siêu ngọt cũng đang nhú trái và thấp hơn nữa ngay dưới mép bờ ruộng là những bụi rau móp sông xanh mơn mởn.

Bà Hai Liên nói, ở cái ấp Phước Long này, duy chỉ có nhà bà là trồng rau móp. Hồi trước, móp mọc ven sông, muốn hái phải chèo ghe. “Ổng thấy cực quá nên bứng về trồng ở ruộng nhà. Cứ ba ngày tôi ra hái một lần, mỗi lần được vài chục ký.

Có lúc bạn hàng tới lấy tận nhà thì 15 ngàn đồng/kg, còn làm móp muối chua giao đám tiệc tôi mang qua tận bến đò Lộc Giang giao cho khách thì giá 40 ngàn đồng/kg. Bán sướng lắm, chỉ riêng khoản móp sông này, tính ra cũng đủ tiền xài cho hai vợ chồng già”- bà Hai Liên tủm tỉm cười.

Lúc hỏi thăm đường đến nhà vợ chồng ông Sơn thương binh và bà Liên “rau móp” ở cầu Mương Củi, ông Tư Mẫn- Bí thư Chi bộ ấp Phước Long còn nhấn mạnh: “Đó không chỉ là ngôi nhà không có tiếng gây gổ mà còn là ngôi nhà không có đất trống. Không trồng cái này thì vợ chồng ổng phải trồng cái kia cho bằng được.

Chỗ đất không trồng được gì thì đào ao nuôi tôm, nuôi cá bống, giờ lại nghe ông toan tính sau vụ lúa sạch chuyển đổi mô hình trồng lúa sang nuôi ốc bươu để đón đầu dự án ốc bươu gác bếp…”. Quả thật, giờ nhìn xung quanh nhà vợ chồng người thương binh này, không thấy miếng đất nào để trống.

Rau má, rau tiêu, rau mướp, rau lưới, rau om, rau ngò, rau tần, rau răm… nối nhau như tấm thảm rau, mà theo bà Liên thì loại rau nào trong phần đất nhà cũng hai ba ngày cắt hai ba chục ký. Đã vậy, ngoài những cây rau sông thân gỗ đặc trưng như mặt trăng, săng đá, lá bứa rừng, lá lụa trồng quanh nhà dư cho 10 người đến ăn bánh xèo thì còn là đu đủ, chanh giấy, bơ, nho… Phần đất trống duy nhất nhìn thấy được là chỗ gốc bằng lăng vừa được cưa đi để lấy chỗ đặt vào một gốc mai vàng mà ông Sơn vừa bứng về từ ngoài bờ sông Rạch Tràm.

Nhìn ông Sơn nâng niu cành nho đâm ngọn mướt mượt trên cái giàn cao chưa quá đầu mà ông mang về sau chuyến đi nghỉ dưỡng Nha Trang về ngang Ninh Thuận ghé mua; nghe ông hăm he chặt cái gốc bơ sáp ngon thiệt ngon mà ông mua từ chuyến tham quan nhà Ama Kông ở Đăk Lăk đã 12 năm tuổi vẫn chưa ra trái nào.

Thậm chí, cách ông khoe mấy ngọn rau muống biển mà ông bỏ ba lô mang về từ đồi cát ở Hòn Chồng đang len lỏi một cách kiêu hãnh vượt lên từ miếng đất thừa phía sau chuồng gà… tôi không nghĩ ông Thượng uý tình báo Võ Văn Sơn, thương binh 2/4, nói năng rổn rảng như đạn nổ lại có phần… đa cảm như vậy.  

Ông bà xưa nói “chén trong sóng còn khua”, huống chi vợ chồng người thương binh này sống với nhau gần nửa thế kỷ, vậy làm thế nào mà “từ hồi 50 tuổi tới giờ, vợ chồng tui không gây một tiếng”, trong khi bà Liên thích mở tivi nghe vọng cổ còn ông Sơn lại muốn xem đô vật với bóng đá? Bà Liên “rau móp” nói: “Mà ổng cũng ngộ nhe, sui ngồi uống với ổng mà ổng tới rồi thì nói thẳng: Xin lỗi sui cho tui đi ngủ! Vậy là ổng đi ngủ, còn anh sui tui ngồi hồi rồi cũng tự đi về. Ổng uống say thì ngủ, không quậy quọ, mắc gì cãi!”. Ông Sơn thương binh nói: “Đi đám tiệc bả thích ở lại nghe ca hát thì cứ ở, còn tui không thích đi về trước, cắt cỏ quanh nhà, cãi chi cho mệt, vậy thôi!”.  

PN. Nguyễn Thiện

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục