Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bác Tôn và những năm tháng ở lao tù Côn Đảo
Thứ hai: 09:57 ngày 20/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người thủy thủ kiên trung gắn liền với những năm tháng bị thực dân Pháp giam cầm, cùm kẹp, đánh đập, tra tấn dã man ngoài lao tù Côn Đảo. Cuộc đời Bác Tôn là hành trình đấu tranh không mệt mỏi cho những người thủy thủ cùng cảnh ngộ và nền độc lập dân tộc nước nhà.

Kiên trung giữa ngục tù

Một chiều cuối tuần đầu tháng 8, tôi tìm đến nhà nữ cựu tù Côn Đảo Lê Thị Tâm (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh).

87 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, 9 năm bị thực dân Pháp giam cầm ngoài lao tù Côn Đảo, bà Tâm lưu giữ khá nhiều tài liệu về những lần đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản ở ngục tù, phản đối chế độ hà khắc của thực dân Pháp và Mỹ.

Trong nhiều tài liệu quý giá bà Tâm luôn giữ gìn cẩn thận, có 1 cuốn sách viết tay nói về  dũng khí đấu tranh của Bác Tôn trong chốn lao tù.

“Lúc đó, tui đi tù cùng lớp chị Sáu (nữ anh hùng Võ Thị Sáu), không được gặp Bác Tôn, song tinh thần chiến đấu của Bác Tôn được truyền lại rất sâu trong tâm trí, trong tim tui” - bà Tâm hồi tưởng lại.

Mặc dù không bị thực dân Pháp giam cầm với Bác Tôn cùng thời gian, song bà Lê Thị Tâm hiểu rất rõ về những năm tháng Bác Tôn kiên trung chiến đấu với quân thù ngoài ngục tù Côn Đảo. Bác Tôn bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo mang án 20 năm khổ sai với tội danh “cộng sản” và bị giam ở nhà lao Banh 1.

“Nhà lao Banh 1 lúc đó có khoảng 100 tù nhân, tổ tương tế đã huy động mỗi người tù góp 1 xu, ai không có thì thôi. Số tiền góp được dùng để mua dầu, thuốc chữa bệnh. Những tù nhân chưa thông về tư tưởng, hoặc có tư tưởng “đầu hàng” đều được tổ tương tế cảm hóa sâu sắc và được giác ngộ từ bỏ “đầu hàng”.

Từ hội tương tế, sau đó thành lập ra hội “Những người tù đỏ”. Hội “Những người tù đỏ” thực chất là “hạt nhân lãnh đạo” khối tù để bàn ra phương pháp đấu tranh, kế hoạch hành động vượt ngục, đưa ra những yêu sách buộc giặc phải thả tù” - bà Tâm cho biết.

Cuối năm 1932, bí mật “liên kết đấu tranh” của các tù nhân giữa nhà lao Banh 1 và Banh 2 bị bại lộ. Ngay sau đó, chúng tống Bác Tôn xuống Hầm xay lúa - một hình thức “dùng tù trị tù” và lao động khổ sai khét tiếng ở Côn Đảo thời bấy giờ. Căn hầm rộng khoảng 150m2 nhưng chúng nhét hơn 100 tù nhân và 200 bao thóc, 5 cối xay lúa và 2 quạt khổng lồ.

Hơn 100 tù nhân này, cứ 6 người/ca phải xay lúa ngày này qua ngày khác trong môi trường bụi bặm, chật chội và tiếng ồn đến chảy máu tai. Lúc đó, xuất hiện tư tưởng ganh tỵ “người làm nhiều, kẻ làm ít” và “thanh toán lẫn nhau” giữa các tù nhân. Được Bác Tôn “giác ngộ lòng nhân ái”, người tù hiểu được nỗi khổ của nhau, từ đó không tự áp bức nhau nữa.

Cầu tàu 914, nơi Tôn Đức Thắng và những lao tù đã lao động khổ sai ở đây.

Kéo cờ đỏ giữa vòng vây quân thù

Ngược dòng lịch sử năm 1925 của thế kỷ XX, xã hội Việt Nam đen tối như không có đường ra. Hàng trăm cuộc biểu tình, khởi nghĩa của những người yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp đều bị dìm trong biển máu.

Trong khi đó, hàng ngàn thanh niên yêu nước Việt Nam bị ép buộc gia nhập quân đội Pháp, trong đó Tôn Đức Thắng là “Tấm thẻ số 1”. Mặc dù chiến tranh thế giới thứ nhất đã kết thúc hơn 1 năm, song Tôn Đức Thắng bị Pháp ép buộc xuống tàu làm lính thợ tại Quân cảng Toulon.

Ngày 16-4-1919, Chính phủ Pháp đã điều động 1 hạm đội gồm 5 chiến hạm, trong đó có chiến hạm France vào Hắc Hải để cùng với các đế quốc khác chống lại nước Nga Xô Viết non trẻ. Trên con tàu của kẻ thù lúc ấy, Tôn Đức Thắng là người duy nhất mang quốc tịch Việt Nam.

Sau khi chiến hạm France vượt qua eo biển Đác-đa-nen, tiến vào Biển Đen. Biết được mưu đồ của Pháp sẽ bắn phá hải cảng Xê-vát-tô-pôn (ở khu vực Nga), người thợ máy trẻ tuổi Tôn Đức Thắng đã cùng anh em binh lính trên tàu quyết định phản chiến.

8 giờ ngày 20-4-1919, cuộc binh biến nổ ra ngay trên chiến hạm France. Để quyết liệt phản đối tàu Pháp bắn phá cảng Xê-vát-tô-pôn, Tôn Đức Thắng đã mưu trí kéo lá cờ đỏ tung bay trên chiến hạm France trước cửa thành Xê-vat-tô-pôn.

Hành động của Tôn Đức Thắng vừa phản đối thực dân Pháp, vừa nói với tàu Pháp rằng, Việt Nam ngăn chặn sự bắn phá của tàu Pháp vào cảng Xê-vát-tô-pôn, đồng thời bảo vệ Cách mạng Tháng Mười và những người con Xô Viết của đất nước hòa bình, bảo vệ nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới của thế kỷ XX.

Bật mí về “Tấm thẻ số 1”, bà Tâm nói: “Lúc đó, đồng chí Tôn Đức Thắng là người Việt Nam duy nhất trên chiến hạm France của Pháp, là thanh niên có chí khí đấu tranh mạnh mẽ nhất, kiên cường, anh dũng nhất trong hàng ngàn công nhân ở nhà máy Ba Son dưới chế độ Sài Gòn Gia Định.

Tôn Đức Thắng là nhân vật đặc biệt bị thực dân Pháp theo dõi rất chặt chẽ. Khi Pháp biết Tôn Đức Thắng là “đầu não” cách mạng mà chúng gọi là “thợ máy đặc biệt”, thì Bác Tôn đã về Việt Nam do những thủy thủ chiến hạm France giúp đỡ.

Người con An Giang trung dũng, kiên cường

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888 tại cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) trong một gia đình nông dân khá giả thời đó.

Từ nhỏ, Bác Tôn đã được học hành tử tế. Năm 1906, sau khi tốt nghiệp sơ cấp tiểu học Đông Dương (lúc đó là Certificat d’Etudes Primaires Complémentaires Indochinoises, gọi tắt là CEPCI) tại Long Xuyên, Người rời quê hương lên Sài Gòn học nghề thợ máy tại Trường Cơ khí Á Châu (L’école des Mécaniciens Asiatiques), dân gian thường gọi là Trường Bá Nghệ. Tốt nghiệp hạng ưu, Người được nhận vào làm công nhân ở Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp tại Sài Gòn.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng đầy gian khổ và nguy hiểm, trong đó có 17 năm bị đầy đọa trong các nhà giam và ngục tù Côn Đảo với đủ mọi cực hình, 27 năm làm Chủ tịch Mặt trận và hơn 10 năm làm Chủ tịch nước, Bác Tôn đã để lại cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận những bài học sâu sắc, những kinh nghiệm quý, nêu cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân một tấm gương sáng về chuẩn mực sống của một công dân yêu nước.

Nguồn AGO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục