Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Để hạn chế việc “quá tải” hồ sơ tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Dương Minh Châu (gọi tắt là phòng Một cửa) trong thời gian qua, UBND huyện Dương Minh Châu và Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Dương Minh Châu đã triển khai nhiều giải pháp, tăng cường nhân sự để hỗ trợ công tác tiếp nhận và trả kết quả.
Phòng Một cửa huyện Dương Minh Châu phải thông báo ngưng bốc số thứ tự tại quầy số 2 do vượt quá khả năng giải quyết hồ sơ.
Tuy nhiên, những vấn đề còn tồn tại khiến dư luận đặt ra là có hay không hành vi tiêu cực tại bộ phận Một cửa.
Có hay không tiêu cực?
Để nhanh chóng giải quyết hồ sơ cho người dân, hạn chế tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần, UBND huyện Dương Minh Châu đã chia ngày tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại quầy số 1 và số 2 gồm các thủ tục về đo đạc, chỉnh biến động, sao lưu hồ sơ, trích sơ đồ, cấp đổi, chuyển quyền.
Đồng thời, người dân đến giải quyết hồ sơ phải bốc số thứ tự, 1 hồ sơ bốc 1 số thứ tự, 2 hồ sơ bốc 2 số thứ tự. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người dân có 2 hồ sơ nhưng chỉ bốc 1 số thứ tự thì chỉ được giải quyết 1 hồ sơ. Trong khi đó, những cá nhân, tổ chức nhận làm dịch vụ giải quyết hồ sơ về đất đai thì chỉ bốc 1 số thứ tự nhưng có thể giải quyết 5, 6 bộ hồ sơ.
Chị T.T.L- một người dân tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu bức xúc cho biết, chị và người nhà mua đất của ông A. (đã tách thành 2 thửa từ trước đó) do không để ý nên chị chỉ bốc 1 số thứ tự, nhưng cán bộ phòng Một cửa không đồng ý nhận 2 hồ sơ mà chỉ nhận 1 bộ hồ sơ của chị, còn hồ sơ của người nhà thì không được giải quyết mà yêu cầu phải bốc số thứ tự mới. Tuy nhiên, ngay sau chị, một người đàn ông đem 5, 6 bộ hồ sơ vào và chỉ đưa 1 số thứ tự nhưng vẫn được giải quyết.
Chị L đặt vấn đề: Người dân chúng tôi phải bốc 2 số thứ tự mới được giải quyết 2 hồ sơ. Trong khi tôi chờ từ 3 giờ sáng và năn nỉ cán bộ nhận hồ sơ hộ tôi vì tôi không biết quy định nhưng không được giải quyết. Còn những người làm dịch vụ có vẻ khá thân với cán bộ phòng Một cửa thì chỉ phải bốc 1 số thứ tự nhưng được giải quyết 5, 6 bộ hồ sơ. Chỉ cần 10 người như vậy thì con số này đã lên 50, 60 bộ hồ sơ. Vậy có tiêu cực không, công bằng ở đâu?”.
Trong vai một người đi làm hồ sơ đất đai, trò chuyện với người bảo vệ tại phòng Một cửa chúng tôi được biết: “Dịch vụ hay lắm, cái gì cũng làm được hết… Một tháng nó dám nhận 40 thửa nó tách, 100-200 triệu tiền phí, ăn tiền của người ta phải làm được, không làm được sao ăn tiền của người ta, mà nó thu chi ra nhiều lắm, bộ 1 triệu – 2 triệu bạc, còn khó khó thì 5, 10 triệu, quân bình cứ bộ 1 triệu”.
Một người dân gần đó thắc mắc: Vậy trong đó (bộ phận Một cửa) có chung chi không thì người bảo vệ này nói “đó là chuyện của nó”.
Người này cũng khẳng định: Hồi nãy tôi vô kêu coi giùm tôi được chưa thôi để tôi đi làm lại nữa mà nói không coi, chờ đi anh này 4, 5 bộ lận nè chị. Mà tôi thấy rõ ràng ông đó 1 số mà 4, 5 bộ hồ sơ, bởi vậy tôi mới nói trong đó hết mà không chịu”.
Cho tiền hay nộp lệ phí theo quy định?
Ngoài vấn đề trên, việc cán bộ tại phòng Một cửa huyện Dương Minh Châu “nhận tiền” của người dân không rõ là “người dân bồi dưỡng” hay nộp lệ phí theo quy định cũng là vấn đề được nhiều người dân quan tâm và đặt nghi vấn có hay không hành vi chung chi, tiêu cực?.
Cụ thể, chiều 13.9 chúng tôi ghi nhận được hình ảnh một người dân sau khi giải quyết xong hồ sơ về đất đai, đã nhoài người tới và nhét vào tay một cán bộ tại phòng Một cửa 2 tờ tiền có màu xanh. Sau khi đùn đẩy qua lại thì người cán bộ này đã nhận 2 tờ tiền trên và để lên bàn mà không hề có biên nhận. Vậy vấn đề được đặt ra là số tiền này là tiền gì?
Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Huệ- Chánh văn phòng UBND huyện, Trưởng bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Dương Minh Châu cho biết: Hiện nay, tại phòng Một cửa, các thủ tục khác vẫn được giải quyết rất nhanh chóng, chỉ riêng lĩnh vực đất đai thì tăng đột biến nên việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ còn chậm. Bởi có nhiều thủ tục, hồ sơ liên quan đến các phần mềm và Sở Tài nguyên và Môi trường.
Về vấn đề có hay không tiêu cực bà Huệ chia sẻ: “Việc nhận tiền của người dân để làm việc gì đó mà không có trong quy định thì tôi nghĩ đó là tiêu cực. Chúng tôi quán triệt anh em phải phục vụ trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, còn nếu như có trường hợp nào đó mà người dân có ghi lại được thì vui lòng phản ánh, gửi lại cho chúng tôi để tham mưu các biện pháp xử lý phù hợp”.
Người dân chờ làm dịch vụ tại phòng Một cửa huyện Dương Minh Châu.
Bà Huệ khẳng định: Quan điểm của huyện Dương Minh Châu là giải quyết theo số thứ tự bốc số và mỗi người có một hồ sơ thì bốc một số, hạn chế tình trạng không có hồ sơ mà bốc số hoặc một hồ sơ mà bốc nhiều số để san sẻ lại cho những người khác vì mục đích cá nhân.
Đối với những trường hợp này thì UBND huyện sẽ mời làm việc và huỷ các số thứ tự đã bốc. Về phía cán bộ tại phòng Một cửa thì cũng quán triệt và yêu cầu phục vụ người dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Còn nữa…
Vũ Nguyệt