Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cách mạng tháng Tám: Không bàn tay nào che nổi “Mặt trời chân lý”
Bài 2: Có muốn cũng không thể tẩy trắng cuộc cách mạng
Thứ tư: 05:27 ngày 13/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong cơn biến động của thời cuộc, của lịch sử dân tộc, có những nhân vật chính trị từng trên tuyến đầu chống chế độ nhưng trong một chừng mực nào đó, họ vẫn nói lên tiếng nói khách quan, không phải để bảo vệ hay đánh bóng cá nhân họ, ngược lại, họ bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ sự thật.

Ông Phạm Khắc Hoè (người đi sau Bác Hồ) trong một chuyến đi Pháp.

Lịch sử là những gì đã diễn ra, do đó, dẫu có muốn cũng không ai thay đổi được quá khứ. Trong cơn biến động của thời cuộc, của lịch sử dân tộc, có những nhân vật chính trị từng trên tuyến đầu chống chế độ nhưng trong một chừng mực nào đó, họ vẫn nói lên tiếng nói khách quan, không phải để bảo vệ hay đánh bóng cá nhân họ, ngược lại, họ bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ sự thật.

“Tôi không phải đảng viên cộng sản”

Cũng trong cuộc phỏng vấn, bà Thuỵ Khuê còn hỏi ông Hoàng Xuân Hãn về độ tin cậy trong cuốn hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” xuất bản năm 1983 của ông Phạm Khắc Hoè, người từng là luật sư, nhà văn, Đổng lý Ngự tiền văn phòng của triều đình Huế.

Ông Phạm Khắc Hoè là nhân chứng sống chứng kiến thời khắc lịch sử sang trang khi cách mạng thành công. Ông Hoàng Xuân Hãn đánh giá, những câu chuyện trong cuốn hồi ký của ông Hoè “phần lớn đúng sự thật, đó là một người rất giỏi, thành thạo tiếng Pháp”.

Chúng tôi- người viết đưa chi tiết này vào trong bài, vì trong mấy ngày gần đây, kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh, nhiều nhà “dân chủ, cấp tiến” cho rằng, nội dung cuốn hồi ký này bịa đặt, không đáng tin cậy. Vậy thử hỏi, giữa nhân chứng cùng thời (ông Hoàng Xuân Hãn) và một bên là những lớp người hậu sinh, không chứng kiến thời cuộc, không phải người trong cuộc, thông tin nào đáng tin cậy hơn?

Năm 2013, trên mạng YouTube xuất hiện một cuộc phỏng vấn dài gần hai tiếng đồng hồ với ông V.Q.T (xin viết tắt). Trước năm 1945 và những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, ông V.Q.T từng giữ nhiều chức vụ trong chính quyền cách mạng non trẻ.

Sau đó, trước những biến động của thời cuộc và xuất phát từ toan tính của cá nhân, ông V.Q.T từ bỏ chính quyền cách mạng, vào miền Nam. Tại đây, sau thời gian “phấn đấu”, ông giữ chức vụ rất cao trong chế độ Sài Gòn cũ.

Vậy người từng theo cách mạng nhưng sau đó theo phía đối địch nói gì về cuộc cách mạng tháng Tám 1945? Trong cuộc phỏng vấn dài gần hai tiếng đồng hồ (thực hiện tại nước Pháp) người phỏng vấn đã cố tình “mồi” để dẫn dắt ông V.Q.T nói theo ý đồ của cô ta. Nhưng, trong một chừng mực nào đó, ông V.Q.T đã khách quan khi nói về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

“Việt Nam phải tranh đấu để giành độc lập, không thể khác”- ông V.Q.T trả lời câu hỏi của người phỏng vấn khi người này cố tình xuyên tạc lịch sử về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ta lần thứ hai, năm 1946.

Ông V.Q.T thẳng thắn rằng, chính phủ Pháp trở lại Đông Dương, trong đó trọng tâm là Việt Nam, nhà cầm quyền Pháp, dù thất bại khi để quân phát xít Đức chiếm đóng trong thế chiến thứ hai, nhưng họ vẫn nuôi tham vọng, dã tâm kiểm soát Đông Dương, khôi phục thuộc địa.

Sau ngày 9.3.1945, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tuy mang tiếng độc lập nhưng “thực chất chỉ độc lập trên giấy tờ” vì nhà cầm quyền Pháp không từ bỏ sự chiếm đóng của họ đối với nước ta. Vì lẽ đó, Việt Nam, cụ thể là Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh phải tranh đấu, đánh đuổi thực dân Pháp để giành quyền độc lập cho dân tộc.

“Việt Minh, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết không cho phép thực dân Pháp tái lập chế độ thuộc địa, bảo hộ trên đất nước mình. Ở hoàn cảnh của một người tranh đấu cho đất nước vào lúc đó, bất cứ ai ở địa vị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lãnh đạo nhân dân Việt Nam, sự ủng hộ của các nước để chống quân Pháp xâm lược.

Tôi không phải đảng viên cộng sản nên tôi nói sòng phẳng, chúng ta không được xét lại lịch sử, bất cứ ai có sự hiểu biết cũng cần đặt mình vào hoàn cảnh lịch sử lúc đó, tự đặt mình vào địa vị của những người (cách mạng) đang có trách nhiệm lúc đó, mới hiểu được người ta. Mình xét theo con mắt bây giờ, tâm trạng bây giờ thì dễ sa vào xét đoán và đi đến những nhận định vô cùng bất công về những con người đã đóng góp rất lớn vào công cuộc giải phóng đất nước”- lời ông V.Q.T.

Ông này nói tiếp, tranh đấu để giành độc lập thật sự (không phải độc lập giả hiệu) là điều không thể khác, bất cứ ai ở vào địa vị đứng đầu đất nước cũng vậy. “Tôi xin hỏi, thế kỷ XX, phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới xuất phát từ đâu, có phải chính từ những nước thuộc địa bị thực dân chiếm đóng?”- ông này nêu một câu hỏi tu từ, tức hỏi không cần câu trả lời. “Không ai sẵn sàng đem miếng bánh độc lập cho các dân tộc bị áp bức và chiếm đóng”- người này nói.

“Ông từng theo Việt Minh trong chín năm kháng chiến chống Pháp, ông thấy tinh thần chiến đấu của quân Việt Minh như thế nào?”- người phỏng vấn hỏi. Ông V.Q.T trả lời: “Lực lượng kháng chiến lúc đó thiếu thốn, trang bị kém nhưng chính phủ kháng chiến biết dựa vào nhân dân, tinh thần anh dũng, ngay từ lúc đó, tôi tin không kẻ nào, kể cả cường quốc có thể chiếm đóng được nước Việt Nam, kẻ chiếm đóng dẫu sao vẫn chỉ là thiểu số. Đó là logic của lịch sử”.

Cố vấn Vĩnh Thuỵ (Bảo Đại) trong một cuộc tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Họ muốn chiếm Việt Nam lần nữa

Ngoài nhân vật V.Q.T nêu trên, cũng tại nước Pháp, một nhân vật từng công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó chuyển ngành qua cơ quan báo chí, thập niên 90 của thế kỷ XX, trước những biến động ở Đông Âu, người này bỏ chạy qua phương Tây với hy vọng, một ngày không xa sẽ trở về “lãnh đạo Việt Nam”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, chính nhân vật này nói rằng, bản thân ông cũng chủ quan, cứ nghĩ chỉ chừng vài năm sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, sẽ đến lượt Việt Nam. Lúc đó, ông sẽ trở về như một ngọn cờ đầu. Như vậy, có thể nói, nhân vật này đã trên tuyến đầu chống chế độ trong nước.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây, khi người phỏng vấn chủ ý dẫn dắt rằng, nước Pháp đánh Việt Nam lần thứ hai, một phần lỗi ở chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; nhân vật được coi là trùm phản động ngay lập tức bác bỏ thẳng thừng câu dẫn dắt có tính gài bẫy của người phỏng vấn.

“Không, cuộc xâm lược của Pháp lần thứ hai ở Đông Dương là do chính phủ nước này muốn khôi phục hệ thống thuộc địa”- người được phỏng vấn trả lời không chút đắn đo. Điều này hoàn toàn không có gì khó hiểu, vì thực tế lịch sử diễn ra đúng như vậy: Việt Nam không muốn chiến tranh nhưng tại thời điểm đó, chính tư tưởng thực dân của Pháp khiến dân tộc ta không còn lựa chọn nào khác.

Nhận định vừa nêu đã được chứng minh không thể hùng hồn hơn trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, ngày 19.12.1946. Cũng cần nói thêm, thời điểm chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, lúc đầu chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu Pháp trao trả độc lập cho tất cả các dân tộc bị Pháp chiếm đóng, song ngay sau đó, cũng chính Hoa Kỳ ủng hộ Pháp quay lại Đông Dương.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Pradhan, người lãnh đạo Uỷ ban Tình báo chung của Ấn Độ, đăng trên tờ Times of India ngày 2.9.2020 được báo chí Việt Nam dịch và đăng lại, Cách mạng tháng Tám 1945 không chỉ là bắt đầu chấm dứt chế độ thực dân và chế độ phong kiến, đây còn là giai đoạn khởi đầu và quan trọng nhất của nền độc lập tại Việt Nam, thành lập nước cộng hoà dân chủ theo định hướng của chủ nghĩa cộng sản.

Người lãnh đạo đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện mục tiêu thời đại đó chính là Hồ Chí Minh, hay còn được nhân dân trìu mến gọi là Bác Hồ. Khi nhắc đến Cách mạng tháng Tám, không thể quên nhấn mạnh kế hoạch chiến lược được hoạch định trong một thời gian dài của Hồ Chí Minh.

Quan điểm của một số nhà sử học cho rằng sự thành công của Cách mạng tháng Tám chủ yếu do hoàn cảnh thuận lợi là hoàn toàn sai lầm. “Sự thành công của cuộc cách mạng là do những người lãnh đạo nó đã nhanh chóng có những động thái nhằm “tuỳ cơ ứng biến”. Hồ Chí Minh và các cộng sự thân cận đã tận dụng những điều kiện khách quan để đạt được mục đích một cách sớm nhất.

Cách mạng thành công là điều tất yếu, dù sớm hay muộn. Đây là công lao của Hồ Chí Minh khi nhìn thấy thời cơ và có những bước đi sáng suốt để tiến tới cách mạng. Chỉ với nguồn lực nghèo nàn, ít ỏi, Hồ Chí Minh đã có thể gây áp lực trên những kẻ thực dân thống trị, và sau đó đã chiến đấu với đế quốc Mỹ. Sự thành công của Việt Minh chủ yếu nhờ vào tài hoạch định và chiến lược xuất sắc của ông”- người đứng đầu Uỷ ban Tình báo của Ấn Độ bình luận.

Việt Đông

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục