Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhìn chung, vai trò của nhiều tổ chức Ðảng, đoàn thể và đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp còn mờ nhạt; nội dung, phương thức hoạt động đơn điệu, chưa vận động được chủ doanh nghiệp, người lao động tích cực tham gia và chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Ðảng trong tình hình mới.
Lực lượng đoàn viên là nguồn để phát triển đảng ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (ảnh minh hoạ, chụp trước ngày 27.4.2021)
Trong những năm qua, phát triển tổ chức Ðảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước theo tinh thần nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đạt được kết quả tích cực; tổ chức Ðảng trong các doanh nghiệp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động; công tác kết nạp đảng viên, thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Ðảng đạt được một số kết quả. Song, công tác phát triển tổ chức Ðảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn gặp không ít khó khăn.
Theo đánh giá chung về công tác xây dựng tổ chức Ðảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, hoạt động của các đoàn thể ở doanh nghiệp chưa được coi trọng đúng mức; thiếu tổ chức và cán bộ chăm lo việc xây dựng Ðảng và đoàn thể trong các loại doanh nghiệp; một số cấp uỷ, tổ chức Ðảng chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương về phát triển Ðảng trong doanh nghiệp; chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát triển tổ chức Ðảng, đảng viên; số tổ chức Ðảng trên tổng số đơn vị cũng như số đảng viên trên tổng số lao động trong khu vực kinh tế tư nhân còn rất thấp; việc kết nạp công nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân vào Ðảng có chuyển biến, nhưng kết quả chưa cao.
Nhìn chung, vai trò của nhiều tổ chức Ðảng, đoàn thể và đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp còn mờ nhạt; nội dung, phương thức hoạt động đơn điệu, chưa vận động được chủ doanh nghiệp, người lao động tích cực tham gia và chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Ðảng trong tình hình mới.
Ðánh giá công tác xây dựng, phát triển tổ chức Ðảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng chỉ rõ: công tác xây dựng, phát triển tổ chức Ðảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn lúng túng, hạn chế, khó khăn; việc quy định tổ chức sinh hoạt chi bộ định kỳ trong một số loại hình doanh nghiệp còn vướng mắc, bất cập; chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Ðảng ở các loại hình doanh nghiệp chưa phù hợp, chậm hoàn thiện.
Tại Tây Ninh, mặc dù đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá nhiều kế hoạch, đề án, nhưng kết quả công tác phát triển tổ chức Ðảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt được còn khiêm tốn.
Tính đến tháng 6.2021, toàn tỉnh có 6.233 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 51 tổ chức Ðảng (gồm 1 đảng bộ cơ sở, 21 chi bộ cơ sở, 29 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở) trong doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 0,82% so với tổng số doanh nghiệp, với 523 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; có 846 đảng viên đang làm việc ổn định trong doanh nghiệp từ 12 tháng trở lên nhưng sinh hoạt Ðảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác (trong đó: 87 đảng viên đang làm việc trong 11 doanh nghiệp có tổ chức Ðảng, 759 đảng viên làm việc trong 486 doanh nghiệp chưa có tổ chức Ðảng).
Những khó khăn được thể hiện rõ qua triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án của tỉnh, cụ thể: tháng 9.2020, tổng kết 4 năm thực hiện Kế hoạch số 13-KH/TU ngày 21.4.2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 29.7.2010 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khoá X, toàn tỉnh có 50 tổ chức Ðảng (đảng bộ cơ sở 1, chi bộ cơ sở 21, chi bộ trực thuộc 28), chiếm 0,83% so với tổng số doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, với 532 đảng viên, tăng 12 tổ chức đảng và 175 đảng viên so với thời điểm tổng kết 5 năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW (tháng 4.2016). So với Kế hoạch, có 11/11 doanh nghiệp (đạt 100%) đủ điều kiện hoặc đã có tổ chức chính trị - xã hội thành lập được tổ chức đảng (kế hoạch là 80%-90%).
Tuy nhiên, số lượng tổ chức Ðảng được thành lập mới thấp hơn so với số tổ chức Ðảng giải thể: thành lập 11 tổ chức Ðảng, giải thể 15 tổ chức đảng; xét cảm tình Ðảng 160 đoàn viên ưu tú ở các doanh nghiệp có chi bộ và cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng 129 quần chúng, chỉ đạt 64,5% (kế hoạch bồi dưỡng 200-300 đoàn viên ưu tú) và kết nạp được 88 đảng viên (kế hoạch kết nạp 100 đảng viên). Trong đó kết nạp được 2 chủ doanh nghiệp tư nhân vào Ðảng.
Tháng 4.2021, sơ kết 1 năm thực hiện Ðề án số 08-ÐA/TU, ngày 27.3.2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tập hợp, đoàn kết công nhân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, toàn tỉnh có 51 tổ chức đảng, tăng 1 chi bộ so với trước khi có Ðề án, với 523 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; chỉ kết nạp được 13 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đạt 65% chỉ tiêu Ðề án đề ra (chỉ tiêu Ðề án hằng năm phấn đấu kết nạp ít nhất 20 đảng viên).
Trong khi đó, qua rà soát thời điểm tháng 10.2020 đến nay, trong toàn tỉnh có 36 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có từ 3 đảng viên chính thức trở lên làm việc ổn định tại doanh nghiệp nhưng chưa thành lập được tổ chức Ðảng.
Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trong việc phát triển tổ chức Ðảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, trước hết, đây là vấn đề mới và khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong điều kiện mới, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề, nhưng việc nhận thức, cụ thể hoá thành các chủ trương, chính sách để thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ.
Vẫn còn cấp uỷ, tổ chức Ðảng thiếu chủ động, chưa sâu sát; phương pháp, cách làm chưa sáng tạo và chưa có quyết tâm chính trị cao, ít quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng, duy trì hoạt động của tổ chức Ðảng; chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, của tổ chức Ðảng trong doanh nghiệp; năng lực cán bộ làm công tác xây dựng Ðảng còn hạn chế, một số cán bộ ngại khó, thiếu kiên trì; khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục của đội ngũ cán bộ của Ðảng, chính quyền và các đoàn thể đối với chủ doanh nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp.
Ða phần doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước hiện nay là doanh nghiệp nhỏ, số lượng lao động ít, phân tán và thường xuyên biến động, sản xuất, kinh doanh thiếu ổn định; chủ doanh nghiệp, người lao động ít quan tâm tham gia tổ chức Ðảng, chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của tổ chức Ðảng trong doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp không là đảng viên; người lao động đa phần chú trọng đến việc làm, thu nhập và có tư tưởng là người làm thuê không phấn đấu vào Ðảng; chủ doanh nghiệp ít có nguyện vọng thành lập tổ chức Ðảng và phát triển đảng viên vì lý do riêng.
Một số cấp uỷ, tổ chức Ðảng chỉ tập trung vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Ðảng, thậm chí một số tổ chức Ðảng có nguyện vọng xin giải thể; chưa phát huy vai trò hạt nhân chính trị cùng với doanh nghiệp lãnh đạo nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; nội dung sinh hoạt và hoạt động của tổ chức Ðảng chưa gắn với kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chưa là cầu nối để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo sự tin cậy để chủ doanh nghiệp, người lao động tự giác, tích cực tham gia. Các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, chưa phát huy vai trò tiên phong, chủ động giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Ðảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp Ðảng.
Nhận thức được đây là vấn đề mới và khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, do đó, thời gian tới đòi hỏi các cấp uỷ Ðảng, chính quyền và đoàn thể phải tiếp tục kiên trì, đổi mới cách làm, tìm giải pháp, tạo sự đồng bộ và đồng thuận từ phía doanh nghiệp trong phát triển tổ chức Ðảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Nhật Linh
(còn tiếp)