Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; lực lượng sản xuất rất thấp, lại phải trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề.
Đường ống dẫn nước hồ Dầu Tiếng tưới hai huyện Châu Thành và Bến Cầu. Ảnh: Huỳnh Đông
Nội dung “Đảng lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh; tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, trong phần này, Tổng Bí thư hệ thống lại tình hình đất nước sau những năm chiến tranh và quyết định đổi mới đất nước bằng cột mốc Đại hội Đảng lần thứ VI, năm 1986.
Trước khó khăn chồng chất của đất nước, “trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện đất nước đã hoà bình, để khắc phục những bất cập của cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp, dẫn tới sự khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm sau chiến tranh, trên cơ sở tổng kết sáng kiến, sáng tạo trong thực tiễn của Nhân dân, Đảng đã tiến hành công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, từng phần trong nông nghiệp, công nghiệp và từng bước hình thành đường lối đổi mới đất nước” - trích nội dung phần hai trong bài viết của Tổng Bí thư.
Quyền lực thuộc về nhân dân
Tính đến năm 2024, khi bài viết của Tổng Bí thư xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, công cuộc đổi mới đất nước đã được 36 năm - một chặng đường đủ dài để nhìn lại thành tựu cũng như tồn tại, hạn chế của nước ta.
“Càng đi vào chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo ra được sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; lực lượng sản xuất rất thấp, lại phải trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề.
Các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, do đó nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới.
Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản.
Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này cũng phải có sự chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển” - Tổng Bí thư lý giải, phân tích và nhìn nhận một cách khoa học về con đường đi của dân tộc.
Ðất nước đang trong quá trình phát triển, không phải mọi thứ đều đã hoàn hảo. Năm 2021, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bầu cử Quốc hội khoá XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong bài viết có nhan đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “…
Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức "dân chủ tự do" mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ…
Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.
Đổi mới toàn diện
Công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được thành tựu có ý nghĩa lịch sử trên nhiều phương diện, từ lý luận đến thực tế, từ kinh tế đến ngoại giao, an ninh, quốc phòng. “Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới.
Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 88% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD; Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu.
Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2023. Đầu tư nước ngoài liên tục phát triển, vốn đăng ký tăng 32%, vốn thực hiện tăng 3%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2023, cao nhất từ trước đến nay; và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút FDI. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế đánh giá đứng thứ 46/132 nước được xếp hạng”- tác giả dẫn chứng sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trên phương diện ngoại giao, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Đặc biệt, nước ta hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất và chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Ngoài kinh tế và ngoại giao, trong phần hai của bài viết, Tổng Bí thư đã đề cập đến thành tựu về văn hoá, giáo dục, y tế và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Và cũng chính trong quá trình đó, Đảng ta đã tích luỹ và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy. Đó là truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Không phiến diện, giản đơn
Để có cái nhìn sâu hơn, cần trở lại thời điểm năm 2021. Tại thời điểm đó, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư nêu: “Trước Đổi mới (năm 1986), Việt Nam vốn là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, để lại những hậu quả hết sức to lớn cả về người, về của và môi trường sinh thái.
Tôi chỉ nêu thí dụ, cho đến nay vẫn có hàng triệu người chịu các bệnh hiểm nghèo và hàng trăm ngàn trẻ em bị dị tật bẩm sinh bởi tác động của chất độc da cam/Dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, phải mất đến hơn 100 năm nữa Việt Nam mới có thể dọn sạch hết bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Sau chiến tranh, Mỹ và phương Tây đã áp đặt cấm vận kinh tế với Việt Nam trong suốt gần 20 năm. Tình hình khu vực và quốc tế cũng diễn biến phức tạp, gây nhiều bất lợi cho chúng ta. Lương thực, hàng hoá nhu yếu phẩm hết sức thiếu thốn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, khoảng 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ.
Bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản, chúng ta cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước. Về kinh tế, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững, trong khi đó, sự cạnh tranh đang diễn ra ngày càng quyết liệt trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hoá, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng”.
Việt Đông
(Còn tiếp)