Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh - Khát vọng vươn tầm
Bài 2: Đột phá trong huy động nguồn lực
Chủ nhật: 10:44 ngày 20/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Điểm nhấn trong quá trình hiện thực hoá khát vọng đổi mới, phát triển của Tây Ninh là sự sáng tạo trong công tác dân vận, huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước hạn hẹp. Nhờ nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, tỉnh đã huy động được nguồn lực tối đa để xây dựng quê hương ngày một phát triển.

Thi công các công trình trọng điểm của tỉnh.

Lấy sức dân lo cho dân

Năm 2010 là năm có nhiều khó khăn, thách thức của thời kỳ hậu suy thoái kinh tế và áp lực từ việc tăng trưởng thấp của giai đoạn 2006 – 2009. Để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch… Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.

Tại Tây Ninh, để đạt mục tiêu này, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã xác định rõ thuận lợi, khó khăn của từng địa phương và một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác dân vận, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.  Do đó, ngay từ khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM vào năm 2010 cho đến nay, Tây Ninh luôn nhất quán quan điểm sự đồng thuận của Nhân dân, nỗ lực vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể là yếu tố quyết định đầu tiên cho sự thành công. Tỉnh tập trung khâu tuyên truyền, tạo sự thống nhất và vào cuộc đồng bộ. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc điểm từng địa phương, các cấp, ngành, địa phương phát động nhiều phong trào thi đua xây dựng NTM.

Giai đoạn 2010-2020, công tác xây dựng NTM đã đạt nhiều kết quả nổi bật, làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội; nhiều xã, nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Tây Ninh đã "thay da đổi thịt". Các sở, ngành, doanh nghiệp và người dân đã tham gia đầu tư xây dựng hơn 2.200 km đường giao thông nông thôn, hiến hơn 122.000 m2 đất và đóng góp trên 110.000 ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn; đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình điện và gắn hơn 8.000 bóng đèn thắp sáng đường làng, cải tạo, nâng cấp nhiều chợ nông thôn. 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ phổ cập mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%.

Những kết quả bước đầu trong xây dựng NTM được phổ biến lan toả, có sức khích lệ to lớn đối với cộng đồng. Người dân vùng nông thôn đều cảm nhận sâu sắc về giá trị, sự đổi thay to lớn của công cuộc xây dựng NTM mà chính bản thân, gia đình mình tham gia thực hiện và được thụ hưởng.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ những kết quả nổi bật của giai đoạn trước, thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Tây Ninh tiếp tục vận dụng linh hoạt công tác dân vận, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

 Với việc đồng bộ các chính sách ưu đãi, Tây Ninh đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Tây Ninh.

“Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn đang tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Những xã nào đạt NTM rồi thì chúng ta củng cố và phát triển lên NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đối với những xã chưa đạt thì tiếp tục xây dựng cho đạt; và khi đạt hết các xã NTM rồi thì chúng ta phấn đấu tới cấp huyện. Đến nay, chúng ta có 65/71 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 91,5% và phấn đấu đến năm 2025, tức là cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành 100%; 25/71 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 3/71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đời sống người dân nông thôn đã được nâng lên về chất, dần thu hẹp khoảng cách với thành thị, như vậy có thể nói rằng vấn đề xây dựng NTM chúng ta đang đi đúng lộ trình”- ông Xuân nói.

Điểm cốt lõi của xây dựng NTM là đời sống người dân được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy, xác định lợi thế, tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Tây Ninh đã và đang thực hiện; kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn với mô hình "cánh đồng lớn" có bao tiêu sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị. Chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, an toàn dịch bệnh theo chuẩn VietGAHP ngày càng phát triển.

Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư

Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh đã huy động được nguồn lực to lớn từ xã hội để phát triển hạ tầng giao thông hiện đại đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật tốt, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm đến tỉnh. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 7,9%, đứng thứ nhất về tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

Còn nhớ năm 2023, khi bối cảnh chung diễn biến không thuận lợi, tạo áp lực lớn cho nền kinh tế thì Tây Ninh vẫn quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, kinh tế tỉnh tăng trưởng ước đạt 5,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Những nỗ lực thời điểm đó đã tạo ra động lực để 6 tháng đầu năm 2024, Tây Ninh đạt được kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nỗ lực của tỉnh là quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công để làm đòn bẩy thu hút đầu tư, kích hoạt các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Năm 2023, Tây Ninh bứt phá mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công dù những tháng đầu năm còn gặp một số khó khăn do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục chuẩn bị đầu tư. Với sự vào cuộc quyết liệt, tỉnh đã giải ngân được hơn 4.406 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 95,33% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Huyện Dương Minh Châu “thay da đổi thịt” qua công tác xây dựng nông thôn mới.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao đồng nghĩa với việc nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội gấp rút được hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng. Đây chính là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Năm 2023 Tây Ninh đã tạo đột phá trong thu hút đầu tư với thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 751 triệu USD, tăng 8,5% so với năm 2022, trong đó cấp mới cho 30 dự án với vốn đầu tư 383 triệu USD, 42 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn tăng 471 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước của tỉnh cũng khởi sắc, đạt hơn 12,545 tỷ đồng. Luỹ kế, trên địa bàn tỉnh có 700 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với vốn đăng ký là 130.663 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm 2024, dòng vốn đầu tư này bắt đầu khởi động, kích thích nhiều ngành kinh tế của tỉnh phát triển. Từ đó tạo ra chuyển động tích cực trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khi đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư hiệu quả sẽ tạo ra nguồn lực để tính toán cho những dự án, công trình đầu tư công mới.

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh hơn 8.424 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao hơn 4.174 tỷ đồng và HĐND tỉnh giao hơn 4.250 tỷ đồng. Các cấp, các ngành trong tỉnh đang tích cực tháo gỡ khó khăn, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình, quyết tâm đạt mục tiêu giải ngân đạt kế hoạch vốn. Đồng thời, các đơn vị cũng tích cực rà soát, đánh giá dự án, công trình ưu tiên đầu tư nhằm chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Vốn đầu tư công sẽ được sử dụng có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư phân tán, dài trải.

Vũ Nguyệt

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục