Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đến nay, cơ bản các cơ quan, đơn vị đều được phân bổ số lượng biên chế, số lượng cấp phó bảo đảm theo quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của từng cơ quan, đơn vị, vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trên cơ sở tổng số biên chế được tỉnh phân bổ hằng năm.
Quang cảnh kỳ họp thứ 5, khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND tỉnh (ảnh: Hồng Thắm)
THỰC HIỆN ÐÚNG QUY ÐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
Căn cứ quy định, hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực rà soát để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và các đơn vị trực thuộc. Qua đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức được điều chỉnh, phân định phù hợp, bảo đảm nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, không chồng chéo.
Ðến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 19/19 sở, ban, ngành tỉnh. Thường trực HÐND tỉnh ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, bộ máy của Văn phòng Ðoàn đại biểu Quốc hội và HÐND tỉnh.
Thực hiện Nghị định số 108/2020/NÐ-CP ngày 14.9.2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NÐ-CP ngày 5.5.2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định về chức năng, nhiệm vụ còn trùng lặp, chồng chéo. Ðến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 11/11 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện.
Thực hiện kế hoạch của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về thực hiện nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2414/QÐ-UBND ban hành Ðề án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW. Các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, bảo đảm nguyên tắc cùng nhóm nhiệm vụ chỉ có một tổ chức, đơn vị thực hiện và phải phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
CƠ BẢN ÐẠT MỤC TIÊU
Thực hiện nghị quyết của Trung ương và kế hoạch của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy khối Nhà nước (theo Ðề án 2414), đến nay cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan tham mưu việc thành lập, tổ chức và hoạt động các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật và tuân thủ tôn chỉ, mục đích trong Ðiều lệ hội đã được phê duyệt; bảo đảm quyền và lợi ích của các hội viên khi tham gia hội. Tổng số hội hoạt động trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 30.6.2022 là 872 hội. Trong đó, hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có 57 hội; hội có phạm vi hoạt động trong huyện, thành phố 108 hội; hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn có 707 hội.
Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm chi phí hoạt động và tuân thủ pháp luật; Nhà nước chỉ cấp kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ được giao. Hội chịu sự quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, địa phương nơi hội hoạt động; có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, điển hình là các hội được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động, đã tham gia cùng với Nhà nước triển khai thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, văn học - nghệ thuật. Một số hội mang tính xã hội như Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Khuyến học… đã có những đóng góp tích cực để giúp đỡ những đối tượng gặp khó khăn.
Sau 5 năm triển khai, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt, khoa học, nghiêm túc, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm; lộ trình phù hợp với nhiều cách làm hay, sáng tạo đã phát huy vai trò từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đạt kết quả bước đầu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn. Kết quả rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy được thực hiện đồng bộ; tinh giản biên chế thực hiện đúng theo quy định; tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối bên trong, khắc phục tình trạng chồng chéo.
Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp hợp lý hơn gắn với vị trí việc làm, các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp, đổi mới theo hướng tinh gọn, hợp lý. Việc giải quyết chế độ chính sách cho viên chức và người lao động sau sắp xếp được thực hiện tương đối kịp thời.
Tổ chức bộ máy sau sắp xếp đã tinh gọn, chức năng, nhiệm vụ không còn chồng chéo; tinh giản biên chế được thực hiện bảo đảm, đồng bộ trong công tác sắp xếp bộ máy; đã thực hiện giảm 92 lãnh đạo quản lý tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành chính cấp tỉnh, 21 lãnh đạo quản lý tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành chính cấp huyện, giảm 228 lãnh đạo quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện đạt lộ trình giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015; đơn vị hành chính được rà soát, sắp xếp phù hợp với tình hình của địa phương.
HIỆN ÐẠI HOÁ NỀN HÀNH CHÍNH
Công tác cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh Tây Ninh xác định là khâu đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, trong chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành các văn bản, chủ trương, chương trình, đề án, kế hoạch… về CCHC kịp thời, bám sát với chủ trương của Trung ương, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XI và tình hình thực tế tại địa phương nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác CCHC.
Tây Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên kết nối thành công việc thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia; địa phương đã tích hợp 1.000/1.818 thủ tục (dịch vụ công mức độ 4) lên Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống Một cửa điện tử tập trung của tỉnh. Tây Ninh đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế xã hội tập trung tỉnh.
Qua đó tích hợp, phân tích các dữ liệu về y tế, giáo dục, camera giám sát tình hình an ninh trật tự, camera giám sát bộ phận Một cửa toàn tỉnh, dữ liệu giám sát môi trường, giám sát việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả toàn tỉnh. Từng bước hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ chỉ đạo điều hành của tỉnh, công khai minh bạch các thông tin dữ liệu phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Một cách khái quát, các cơ quan, đơn vị thể hiện tinh thần quyết tâm, chủ động trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 65-KH/TU. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện còn chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn của Trung ương nên tiến độ còn chậm. Khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ ảnh hưởng đến bộ phận công chức, viên chức lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhưng Trung ương không có chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này, phần nào ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Tử thực tế đó, Tây Ninh đề xuất, kiến nghị Trung ương sớm ban hành hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định 107/2020/NÐ-CP và Nghị định 108/2020/NÐ-CP, ngày 14.9.2020 của Chính phủ; ban hành hướng dẫn về vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cho địa phương triển khai thực hiện đồng bộ. Trung ương cần kịp thời ban hành hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho từng ngành để địa phương có cơ sở ban hành đơn giá dịch vụ công, tạo điều kiện cho địa phương khi xây dựng và phê duyệt phương án tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NÐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
VIỆT ÐÔNG