BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính sách đối ngoại của Việt Nam: Độc lập, tự chủ, cân bằng, linh hoạt

Bài 2: Khôn khéo để bình yên trước biến động 

Cập nhật ngày: 11/03/2022 - 00:13

BTN - Thực tế chứng minh không thể thuyết phục hơn rằng, những nhận định về tình hình thế giới tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng là đúng. Chính vì nhận định, dự báo từ sớm, Việt Nam, ít nhất không bị bất ngờ trước thay đổi nhanh chóng và phức tạp của thế giới.

Ngày 7.11.2006, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy ký Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO

BẢO VỆ LỢI ÍCH DÂN TỘC, NHƯNG KHÔNG HẸP HÒI

Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định hoà bình, hợp tác, phát triển là xu thế lớn, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, song, nhấn mạnh các xu thế này đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn do “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”. Châu Á - Thái Bình Dương có vai trò ngày càng quan trọng, nhưng chỉ rõ đây là khu vực “tiềm ẩn nhiều bất ổn”.

Trong bối cảnh nhiều thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp, Đảng nhận định tác động của đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, “làm thay đối sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới”. Đối chiếu thực tế, chúng ta thấy, những nhận định nêu trên đã và đang diễn ra: thiên tai, dịch bệnh, xung đột quân sự, cạnh tranh, ảnh hưởng giữa các cường quốc với nhau…

Chính vì thế, Đại hội XIII của Đảng nêu rõ tình hình thế giới “Đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn” đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình hình đó đòi hỏi tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, dự báo đúng tình hình, chủ động trước mọi tình huống. Do đó, vai trò của đối ngoại càng quan trọng, nhất là vai trò tiên phong trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, tranh thủ thời cơ và nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định mục tiêu đối ngoại của Việt Nam là “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trước hết và trên hết”. Đồng thời, chỉ ra nguyên tắc chung là phải luôn nỗ lực đạt được lợi ích quốc gia, dân tộc tới mức cao nhất có thể. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc không có nghĩa là nước ta theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh thúc đẩy lợi ích quốc gia, dân tộc phải “trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”, cùng phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 thị trường và đối tác. 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Với việc ký kết hơn 15 hiệp định tự do thương mại (viết tắt là FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như CPTTPP, EVFTA, Việt Nam là một trong số ít nước tham gia hầu hết các liên kết kinh tế quan trọng.

Các thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA đều có kim ngạch xuất khẩu tăng nhiều so với trước khi ký kết. Kết quả khi tham gia các FTA đã giúp Việt Nam trở thành mắc xích ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nhờ liên kết kinh tế sâu rộng, năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn vượt mốc 600 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đến nay đạt khoảng 400 tỷ USD.

Thực hiện đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, từ năm 1986 đếm nay, công tác đối ngoại đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào việc xoá bỏ bao vây cấm vận, đấu tranh đưa đất nước ta thoát khỏi thế bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế, giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Việt Nam với nhiều nước, tạo ra những đột phá trong quan hệ đối ngoại của nước ta, trong đó có giải pháp cho vấn đề Campuchia và bình thường hoá quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, liên minh châu Âu, đổi mới quan hệ với các nước bạn bè truyền thống.

Tiếp đó, Việt Nam gia nhập ASEAN, mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương, trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, triển khai hội nhập quốc tế toàn diện.

“Trong giai đoạn hiện nay, lợi ích quốc gia, dân tộc cao nhất là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hoá dân tộc.

Đại hội XIII của Đảng bổ sung bảo đảm an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xã hội trật tự, kỷ cương cũng là những lợi ích quan trọng của quốc gia, dân tộc. Các thành tố nói trên có quan hệ chặt chẽ, tương hỗ và thống nhất với nhau, không thể coi nhẹ thành tố nào, đồng thời là căn cứ quan trọng nhất để xác định đối tác - đối tượng, hợp tác - đấu tranh trong đối ngoại, là “bất biến” để ứng phó với tình hình diễn biến nhanh, phức tạp”- lãnh đạo Bộ Ngoại giao phát biểu như trên trong những ngày cuối cùng của năm 2021.

“GỐC VỮNG CHẮC, CÀNH UYỂN CHUYỂN”

Tại hội nghị đối ngoại toàn quốc tổ chức cuối tháng 12.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc lại câu nói của ông trong một lần làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Theo ông, có thể ví đường lối đối ngoại của Việt Nam giống như đặc tính của cây tre.

Tại thời điểm đó, người lãnh đạo cao nhất của Đảng phân tích, sở dĩ ví như vậy bởi sự đặc biệt của cây tre là mềm dẻo, kiên cường, thành cây tre, khóm tre, luỹ tre. “Khi là măng thì măng mọc thẳng, rồi đẻ ra thành khóm thành bụi, rễ chằng chịt với nhau… Rễ tre bám rất chắc với nhau, rất mềm mại. Khi chẻ lạt thì lạt mềm buộc chặt. Tôi mạnh dạn ví đường lối đối ngoại của chúng ta là trường phái riêng, tạm gọi là cây tre Việt Nam.

Gốc vững chắc, cành uyển chuyển. Cây tre Việt Nam, mềm mại nhưng cứng cỏi, rất dẻo nhưng rất kiên cường”- Tổng Bí thư so sánh đường lối ngoại giao của Việt Nam cũng mềm dẻo nhưng kiên cường trước giông bão của cây tre Việt Nam.

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, nền ngoại giao thắm đượm tâm hồn cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam đó là mềm mại khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định can trường trước mọi thử thách khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân, đoàn kết nhân ái nhưng kiên quyết kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái, tuỳ cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt đúng theo trường phái rất riêng: “ngoại giao cây tre Việt Nam”.

Bằng sự thận trọng cần thiết, cộng với nhiều bằng chứng khác, có thể mạnh dạn rằng, sự bất ổn của nhiều quốc gia nhỏ và trung bình, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, quân sự yếu xuất phát từ hai nguyên nhân cốt yếu.

Thứ nhất, đó là sự cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc với nhau, thứ hai, chính sách ngoại giao, đường lối đối ngoại của những nước nhỏ, trung bình, thẳng thắn mà nói, chưa thật sự uyển chuyển, linh hoạt.

Có người ví, địa chính trị, bàn cờ thế giới luôn biến đổi như biểu đồ chứng khoán. Không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn, câu nói quen thuộc này không xa lạ gì với nhiều người.

Chứng kiến sự xung đột quân sự giữa các quốc gia, một người Việt sinh sống và làm việc tại châu Âu, viết: “Kiên trì với mục đích kéo dài hoà bình cho đất nước, tranh thủ phát triển kinh tế, mang lại cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân là điều mà chúng ta cần hướng tới. Hiện nay, có một số “chí sĩ yêu nước bàn phím” tự nhận là cấp tiến, nhưng tầm nhìn không qua ngọn cỏ. Đó là những người cực đoan.

Do nhận thức kém, có phần mù quáng, họ luôn luôn kích động chống phá ảnh hưởng đến đường lối ngoại giao của nhà nước. Những “chí sĩ yêu nước bàn phím” này luôn muốn Người phát ngôn Bộ Ngoại giao phải nói như họ nói. Chúng ta cần phải học kỹ những bài học lịch sử đã và đang diễn ra trên thế giới. Là người đã sống trong chiến tranh, có nhiều mất mát trong chiến tranh, tôi luôn quý trọng hoà bình”.

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta.

Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước, ông cha ta đã luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam: Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!”; “Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!”.

Dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất; đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Việt Đông

Tin liên quan
  • Bài 1: “Đặt sự phát triển của đất nước vào dòng chảy thời đại” 

    Bài 1: “Đặt sự phát triển của đất nước vào dòng chảy thời đại”

    Ngoại giao Việt Nam giành thắng lợi bằng chính nghĩa, lẽ phải, đạo lý, nhân văn, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, đấu tranh vì lợi ích của dân tộc mình nhưng cũng vì lợi ích chung của nhân loại tiến bộ. Đảng, Chính phủ, Nhân dân Việt Nam chưa và không trở thành công cụ cho một bên nào đó.