Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sốt giá bất động sản Tây Ninh - mừng hay lo?
Bài 3: Con dao hai lưỡi
Thứ bảy: 15:29 ngày 23/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở Việt Nam, rất nhiều người giàu lên từ đầu tư kinh doanh đất đai. Đối với một tỉnh lẻ như Tây Ninh, cũng đã có nhiều người giàu hơn, khá lên từ “cơn sốt” đất. Tuy nhiên, liệu thị trường bất động sản có phải là “thiên đường” để mọi người có thể “đổi đời”? Ai được lợi từ “cơn sốt” đất đai? “Sốt” đất có hại gì? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi đang đi tìm lời giải đáp.

Trung tâm Thành phố vẫn còn nhiều “đất trống”, chưa đến mức khan hiếm đất ở.

Những giá trị tích cực

Có thể khẳng định, “cơn sốt” đất đai 3 năm trở lại đây đã bộc lộ rõ cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Ở thời điểm hiện tại, thị trường đất đai vẫn đang “nóng” nên nhiều người chưa thể nhìn thấy hết mặt tiêu cực cũng như hậu quả của nó. Họ chỉ nhìn thấy ở đây một cơ hội kiếm tiền nhanh hơn, nhiều hơn so với bất kỳ đầu tư kinh doanh hợp pháp trong lĩnh vực nào.

Năm 2017, hai vợ chồng nhà giáo nọ dành dụm được 200 triệu đồng gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Lúc này, một người quen của họ đã bắt đầu tham gia thị trường bất động sản và thu được lợi nhuận khá lớn. Gia đình giáo viên nọ quyết định hùn với người quen mua bán đất. Từ số vốn ít ỏi- nhưng là cả gia tài dành dụm được sau hơn 10 năm, đến cuối năm 2018, hai vợ chồng nọ đã có gần 2 tỷ đồng. Đây là một kết quả mà chính họ cũng không ngờ.

Một nhà đầu tư bất động sản ở thành phố Tây Ninh cho biết, nhờ có nhiều mối quan hệ, nắm bắt thông tin kịp thời và chiến lược đầu tư khôn khéo, với số vốn bỏ ra ban đầu hơn hai tỷ đồng vào giữa năm 2017, đến cuối năm 2018, người này đã có trong tay khoảng 10 tỷ đồng. “Thu nhập của tôi như vậy là rất khá so với nhiều người đầu tư kinh doanh nhà đất trong hai năm qua.

Tuy nhiên, so với các đại gia khác ở Tây Ninh, tôi cũng chỉ ngồi chiếu dưới. Nhiều đại gia rất mạnh vốn và giỏi hơn tôi nên trong năm 2018, họ kiếm được hơn chục tỷ đồng, chưa tính đất đai họ đang tích tụ đầu cơ. Có những mảnh đất họ mua chỉ vài tỷ đồng nhưng sau đó không lâu thì bán lại với giá gấp vài lần”, người này cho biết.

“Cơn sốt” bất động sản cũng đã mang lại việc làm và thu nhập cao ngất ngưởng cho rất nhiều người làm nghề môi giới mà dân gian hay gọi là “cò”. Đội ngũ này đông đến mức mà nhiều người phải ví von “ra ngõ là gặp cò”. Có hai dạng cò: cò chuyên nghiệp và cò tay trái- tức là những người xem môi giới bất động sản như một nghề phụ. Tuy nhiên, đa phần trong số này lại có thu nhập tốt hơn cả “nghề tay phải”. Theo “luật bất thành văn” của nghề môi giới bất động sản, người bán được nhà đất phải chi “hoa hồng” cho “cò” từ 1 đến 2 “chấm”, tức từ 1 đến 2 phần trăm số tiền bán đất, tuỳ theo giao kèo. Đây là món tiền rất béo bở.

 “Cò” được người mua chi một ít “tiền nước” nếu có công giới thiệu được bất động sản mà người mua ưng ý. Ngoài ra, “cò” cũng có thể kê giá bất động sản khi rao bán và hưởng phần chênh lệch đáng kể nếu người bán đồng ý giao kèo. Nhiều người chỉ sau một thời gian ngắn làm “cò” đã chính thức trở thành “lái đất” từ số tiền tích luỹ được và kinh nghiệm về thị trường bất động sản.

Người dân có được lợi gì từ “cơn sốt” đất đai hay không? Câu trả lời là “có”! Họ có được một số ít đất ở hoặc đất sản xuất nhưng không có vốn sản xuất, kinh doanh đã có thể thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn nhờ giá đất tăng cao. Bán đi một phần đất nông nghiệp để lấy tiền làm vốn mua bán, chăn nuôi hoặc trồng trọt. Thay vì ở “mặt tiền”, ở khu vực trung tâm Thành phố - thị trấn nhưng cuộc sống khó khăn, họ đã bán nhà đất, lấy một số tiền kha khá chuyển đến chỗ ở mới xa hơn nhưng có điều kiện tốt hơn để thay đổi cuộc sống.

Thị trường bất động sản sôi động cũng đã mang lại một nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước từ các khoản thuế, phí, lệ phí. Tuy nhiên, trong thực tế, giá đất được mua bán trên thị trường luôn cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá Nhà nước ban hành. Khi kê khai để thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, những người mua bán bất động sản luôn giảm giá trị chuyển nhượng thực tế xuống mức thấp nhất có thể, thường thì chỉ còn hơn 1/4 so với số tiền giao dịch để “lách” thuế, phí.

Cảnh giác với “sốt ảo”

Giá đất tăng cao đã đẩy giá mua, thuê mặt bằng để sản xuất, kinh doanh tăng cao, đồng nghĩa với chi phí đầu tư sản xuất - kinh doanh tăng, dẫn tới tăng giá thành sản phẩm. Như vậy, giá đất tăng cao đã gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá khi đưa ra thị trường, kể cả nông sản.

Người thận trọng và có kiến thức về bất động sản sẽ tham gia thị trường nhà đất kiểu “lướt sóng”. Họ bỏ tiền mua những mảnh đất có giá trị, dễ bán ra trong một thời gian ngắn rồi “sang tay” kiếm một khoản lời vừa phải; và lại mua - bán mảnh đất khác. Họ chỉ giữ lại vài mảnh đất đắc địa để phòng khi tình trạng thị trường bất động sản “đóng băng” hoặc “vỡ bong bóng”, họ vẫn có thể sử dụng đất đó vào mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Trong khi đó, đa phần người mua bán đất lại lao vào thị trường này muốn làm giàu nhanh chóng, dễ dàng từ sự biến động tăng giá đất đai. Nhiều người cho rằng đất đã tăng giá rồi thì sẽ tăng mãi hoặc ít ra cũng sẽ không bao giờ giảm. Do đó, rất nhiều vốn liếng được đổ vào thị trường bất động sản thay vì đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển thương mại - dịch vụ...

Thực tế từ các đợt “sốt đất” ở Việt Nam những năm trước đây cho thấy, thị trường bất động sản cũng như mọi thị trường khác, bởi bất động sản cũng là một dạng hàng hoá. Khi cung vượt quá cầu, khắc sẽ dẫn tới tình trạng thừa cung, gây ra mất cân đối thị trường. Nói nôm na, khi giá đất lên quá cao trong thực tế có rất ít người mua để sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng ế ẩm, thị trường bất động sản “đóng băng”.

Lúc này, nhiều người cùng “ôm” quá nhiều bất động sản nhưng không tiêu thụ được dẫn tới mong muốn giảm giá bán để thu hồi vốn đầu tư vào lĩnh vực khác hoặc trả nợ ngân hàng. Khi nhiều người cùng ồ ạt giảm giá để “tranh bán” bất động sản sẽ dẫn tới tình trạng “xì hơi” hoặc “vỡ bong bóng”. Đây sẽ là sự khủng hoảng kinh tế - tài chính đáng lo, mà đất thì không bán được, nợ thì “ôm”, khi vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh... thiếu hụt.

Giá đất tăng cao cũng dẫn tới một hệ luỵ đáng quan ngại về mặt xã hội, đó là nhiều người nghèo, người có thu nhập thấp không thể mua nổi đất để cất nhà. Một công nhân lao động ở xã Thanh Điền (huyện Châu Thành) cho biết, anh lập gia đình từ 5 năm trước. Hai vợ chồng anh dự định tích cóp một ít tiền mua mảnh đất nhỏ ở xã An Bình (cũng thuộc huyện Châu Thành) để dành cất nhà. Tuy nhiên, gần đây, giá đất tăng quá cao khiến dự định của họ dở dang. “Giá đất cao như thế này và với thu nhập hạn chế như tụi em thì không biết đến bao giờ mới có đủ tiền mua được đất, cất được nhà. Nhiều công nhân bây giờ cũng có tình cảnh giống vợ chồng em”, anh này buồn bã nói.

ĐÌNH CHUNG

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục