Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hoà bình cho Tổ quốc toàn vẹn và phát triển
Bài 3: "Để mở nền thái bình muôn thuở"
Thứ ba: 21:47 ngày 30/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị.

Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam chiều 28.8.2023. Ảnh tư liệu

Dùng ngoại giao ngăn ngừa chiến tranh

Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước, ông cha ta luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam: Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo, dập tắt chiến tranh cho muôn đời, để mở nền thái bình muôn thuở”. Dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất. Đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị. Những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy càng được bồi đắp, phát huy và toả sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, đã phát triển lên thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Những nội dung cơ bản của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta, và chính Người đã phát triển những giá trị đó lên tầm cao mới; kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hoá dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hoá và kinh nghiệm ngoại giao thế giới. Trong đó, luôn luôn đề cao mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hoà hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột, gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa Việt Nam hoà nhập vào dòng chảy của thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo là “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ” để biết mình, biết người, luôn làm chủ tình thế; hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn. Người đặc biệt coi trọng việc xử lý khéo léo quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng và các nước lớn; luôn chủ trương tôn trọng và giữ thể diện cho nước lớn; luôn luôn phải “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” để “cương nhu kết hợp” vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn đất nước phải chịu cảnh chiến tranh và cũng không muốn chiến tranh xảy ra với các nước khác. Chính tư tưởng nhân văn, nhân đạo của Người, đề cao chính nghĩa, đạo lý vì hoà bình và cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân tất cả các dân tộc là biểu hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn nhất giữa văn hoá của dân tộc với văn hoá của nhân loại. Với tư tưởng nhân văn ấy, trong hoạt động ngoại giao của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải phát huy vai trò của luật pháp quốc tế, vận dụng những giá trị của văn hoá và của ngoại giao truyền thống Việt Nam, cũng như các tư tưởng phổ biến, tiến bộ của nhân loại, chú ý tìm ra những điểm tương đồng, nêu cao tính nhân văn, nhân nghĩa và đạo lý, pháp lý trong quan hệ quốc tế để thuyết phục, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới...

“Xin ngài cho biết những nét mới trong chính sách đối ngoại của Việt Nam? Chính sách của Việt Nam trong việc giải quyết xung đột ở Biển Đông như thế nào” - phóng viên một tờ báo của Ấn Độ hỏi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp Tổng thống nước này thăm Việt Nam. “Chúng tôi thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo tinh thần Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở đường lối nói trên, phù hợp với thế và lực mới của đất nước và tình hình mới ở khu vực và trên thế giới, một mặt chúng tôi nỗ lực củng cố, phát triển quan hệ ổn định, có chiều sâu với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn; tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước đang phát triển. Về vấn đề Biển Đông, chúng tôi luôn kiên trì chủ trương thông qua thương lượng hoà bình để đi tới giải pháp cơ bản, lâu dài về những bất đồng, tranh chấp giữa các bên liên quan trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Trước mắt, các bên cần nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), đồng thời đẩy nhanh quá trình hình thành Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Tôi nghĩ rằng, hoà bình, ổn định, an ninh hàng hải và hợp tác cùng có lợi trên Biển Đông là lợi ích thiết yếu của nhiều quốc gia, cả trong và ngoài khu vực; chúng tôi đánh giá cao lập trường xây dựng của Ấn Độ trên vấn đề này” - Tổng Bí thư trả lời.

Chân thành, cầu thị

Năm 2012, GS. Kishore Mahbubani - Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore hỏi: “Thưa Tổng Bí thư, chúng tôi rất cảm ơn Tổng Bí thư về bài phát biểu vừa rồi và cảm ơn Tổng Bí thư đã đồng ý trả lời một số câu hỏi. Xin Tổng Bí thư cho phép hỏi câu hỏi đầu tiên. Như ngài đã nói, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy thách thức. Và nước nào cũng phải đối mặt với thách thức. Vậy ngài có thể cho biết ba thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang gặp phải là gì?”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời: “Việt Nam chúng tôi có những thuận lợi cơ bản, đó là chính trị ổn định, xã hội ổn định, có truyền thống phát triển lâu đời, nhân dân giàu lòng yêu nước, khối đoàn kết dân tộc rất tốt và hiện nay đang mở mang quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, trên con đường phát triển, chúng tôi cũng gặp rất nhiều thách thức, khó khăn. Có thể kể ra nhiều, nhưng có mấy khó khăn, thách thức lớn. Chúng tôi phải giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu muốn phát triển rất nhanh, bền vững với hạ tầng cơ sở còn đang yếu kém, nguồn vốn còn đang có hạn, nguồn nhân lực cũng chưa được nhiều, nhất là nguồn lực chất lượng cao và kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý không được như Singapore.

Ðây là mâu thuẫn rất lớn. Một thách thức khác nữa là chúng tôi xuất phát từ nền kinh tế còn nghèo, thấp kém, lại trải qua hơn 30 năm chiến tranh để lại hậu quả hết sức nặng nề. Các bạn biết, qua các cuộc chiến tranh, Việt Nam chúng tôi hiện có 1,1 triệu liệt sĩ, 80 vạn thương binh và hơn 5 vạn Mẹ Việt Nam anh hùng.

“Mẹ Việt Nam anh hùng” là danh hiệu đã được ghi trong Hiến pháp của Việt Nam, tôn vinh những người mẹ đã hy sinh từ 1 đến 9 - 11 người con, hy sinh người chồng, người cha, người anh em trong gia đình vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ðồng thời, chúng tôi phải giải quyết, chăm lo chính sách cho mấy triệu người, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội còn nghèo nàn, cơ sở vật chất chưa có bao nhiêu.

Và đường lối của chúng tôi là tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, đặc biệt ưu tiên cho xoá đói, giảm nghèo, chăm sóc chính sách xã hội, những người khó khăn, cơ nhỡ, thế yếu. Ðây là yêu cầu rất lớn.

Một điểm nữa, nguồn nhân lực hiện nay của chúng tôi, tuy giáo dục - đào tạo phát triển nhanh với hơn 22 triệu người đi học và nhiều giáo sư, tiến sĩ... nhưng so với Singapore thì chúng tôi còn rất thấp. Hôm trước, chúng tôi có đi thăm Trung tâm Công nghệ cao và Uỷ ban Phát triển kinh tế của Singapore, tôi thấy các bạn đã chọn một khâu đột phá là nguồn nhân lực chất lượng cao để phù hợp với thời đại phát triển kinh tế tri thức.

Về hạ tầng cơ sở của chúng tôi, các doanh nghiệp của Singapore và các bạn đã biết quá rõ, đường sá, cầu cống, nhà cửa còn đang thấp kém. Kinh nghiệm quản lý chưa có bao nhiêu, chúng tôi mới đi vào kinh tế thị trường một thời gian ngắn, có rất nhiều cái cần phải học tập các bạn.

Chính vì thế, trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp hàng đầu của Singapore, chúng tôi đã bày tỏ mong muốn, các bạn đầu tư giúp Việt Nam về kinh tế, thương mại, phát triển du lịch và các ngành nghề của Việt Nam. Hôm nay đến với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, chúng tôi mong muốn các bạn giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn nữa trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao”.

Bài trả lời phỏng vấn thẳng thắn, không hề che giấu những yếu kém, tồn tại của đất nước của Tổng Bí thư đã nhận được sự tán thưởng, đồng tình của báo chí quốc tế. Báo Nhân Dân đã đăng bài phỏng vấn này vào năm 2012.

Việt Đông

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục