Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Môn Lịch sử thành môn tự chọn- Hiểu thế nào cho đúng?
Bài 3: Không có chuyện “xoá môn lịch sử”
Thứ bảy: 09:14 ngày 23/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Chương trình 2018, một số môn học ở cấp THPT không còn bắt buộc đối với tất cả học sinh, thay vào đó, ngoài các môn bắt buộc, học sinh được chọn một số môn để định hướng nghề nghiệp sau khi kết thúc giai đoạn giáo dục phổ thông. Chương trình 2018 đã và đang bộc lộ không ít bất cập, còn nhiều chuyện cần bàn, nhưng chắc chắn rằng, không hề có chuyện xoá môn Lịch sử như nhiều người ngộ nhận.

HAI GIAI ĐOẠN GIÁO DỤC

Theo cấu trúc, chương trình giáo dục phổ thông mới, giai đoạn giáo dục cơ bản gồm hai cấp tiểu học, trung học cơ sở, giai đoạn định hướng nghề nghiệp đối với cấp trung học phổ thông. Cụ thể từng giai đoạn giáo dục trong Chương trình 2018 như sau:

Cấp tiểu học, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lý (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm. Các môn học tự chọn gồm Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).

Cấp trung học cơ sở, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT) nội dung giáo dục như sau: Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học lựa chọn gồm 3 nhóm môn: Nhóm môn khoa học xã hội có Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm môn khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hoá học, Sinh học; nhóm môn công nghệ và nghệ thuật gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật). Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học.

SGK môn Lịch sử (áp dụng từ năm học 2022-2023)

Các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học giải quyết vấn đề, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết, tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Các môn học tự chọn gồm Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Căn cứ vào cấu trúc của Chương trình 2018, dễ dàng nhận thấy, ở cấp THPT, không hề có chuyện “xoá môn Lịch sử”, thay cho việc bắt buộc, nhiều môn học ở cấp học này chuyển sang tự chọn để hình thành định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông.

TỰ CHỌN NHƯNG… AI CHỌN ?

Không hề có ý kể lể hay “báo cáo thành tích” nhưng cần thẳng thắn điều này, từ rất sớm, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn ở dạng dự thảo, Báo Tây Ninh đã có nhiều bài viết chỉ ra rằng, nếu không cẩn thận, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gặp rắc rối, thậm chí thực tế sẽ diễn ra không đúng như ý đồ của những người thiết kế chương trình này.

Trong đó, quy định học sinh THPT học 5 môn bắt buộc đồng thời phải chọn thêm 5 môn học đơn lẻ khác ở các nhóm môn sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn. Ngay từ năm 2019, trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh, nhiều vị cán bộ quản lý ngành Giáo dục ở Tây Ninh đã “cảnh báo” rằng, ngoài 5 môn bắt buộc học sinh nào cũng phải học, khi chọn các môn học đơn lẻ trong nhóm, sẽ xảy ra trường hợp, có học sinh học kỳ 1 chọn môn này nhưng sang học kỳ 2, thấy không phù hợp lại muốn chọn môn khác.

Chỉ riêng điều này đã gây ra nhiều khó khăn, phiền phức khi xếp lớp học cho học sinh. Nếu để cho học sinh hoàn toàn có quyền tự chọn môn học, nhà trường khó có thể đáp ứng được, vì rất nhiều lộn xộn, kể cả bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên. Ví dụ, có trường học sinh chọn theo nhóm môn xã hội, có trường các em lại chọn theo nhóm môn tự nhiên. “Thực lòng mà nói, quy định cho học sinh tự chọn môn học nhưng đến khi triển khai chương trình, nhà trường sẽ định hướng, gợi ý, chứ để các em tự chọn thì không thể được”- một vị hiệu trưởng nêu.

Ở cấp trung học phổ thông, theo giới chuyên môn, việc thiết kế cho phép học sinh tự chọn các môn học (ngoài 5 môn bắt buộc) không phải điều mới lạ đối với thế giới. Những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều hướng đến mục tiêu đó, có nghĩa, giáo dục theo năng lực học sinh chứ không phải giáo dục toàn diện, học sinh phải học tất cả các môn dù có sở trường về môn học đó hay không.

Sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố, cán bộ quản lý các cấp đã “cảnh báo” tình trạng lộn xộn, nhiều biến động về lực lượng giáo viên. Ðó là khi học sinh đồng loạt chọn một số môn học để chuẩn bị cho tương lai vào đại học. Như vậy, sẽ có những môn học không có hoặc có nhưng rất ít người học. Trên báo giới, năm 2019, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp- Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho rằng tình trạng giáo viên thất nghiệp do học sinh không lựa chọn môn học của mình là hoàn toàn có thể xảy ra (nếu thật sự trao quyền chọn môn học cho học sinh).

Mong muốn của những người làm chương trình là học sinh phân hoá triệt để. Tuy nhiên, không phải trường phổ thông nào cũng đáp ứng được chủ trương dạy học theo hướng tự chọn. Do đó, chương trình đưa ra quy định các trường xây dựng tổ hợp môn học vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh vừa phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường. Điều kiện hiện có (cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trình độ quản lý, tình hình biên chế…), việc cho học sinh được tự do lựa chọn môn học là không thể được. Trong quá khứ và cả hiện tại, khi học môn tự chọn, nhà trường đều phải tự mình tổ chức, sắp xếp và “gợi ý sát sườn” để học sinh chọn. Chương trình phân ban trung học phổ thông thất bại cũng có một phần từ việc cho học sinh tự chọn.

Vào thời điểm ấy (năm 2005-2006), khi chương trình phân ban chính thức triển khai đại trà, các nhà thiết kế đã cho học sinh tự chọn. Rốt cuộc, nhà trường phải chọn thay học trò. Cả ban A và ban C không có hoặc có nhưng rất ít người học, tất cả chỉ học theo ban Cơ bản kèm với một số môn nâng cao để vào đại học. Cách nay ít ngày, trao đổi với phóng viên, một số hiệu trưởng ở trường trung học phổ thông cũng thừa nhận, nếu để học sinh tự do lựa chọn môn học thì “loạn”. Do vậy, đường nào nhà trường cũng phải chọn cho các em.

Còn khoảng 5 tháng nữa, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 triển khai ở lớp 10, lớp đầu tiên của cấp THPT.  Như vậy, việc yêu cầu sửa chương trình (để đưa môn Lịch sử thành môn học bắt buộc) là gần như không thể. Không chỉ môn Lịch sử, nhiều môn học cơ bản khác ở cấp học này cũng cho học sinh tự chọn. Liên tiếp những ngày qua, trên báo chí, mạng xã hội tiếp tục bày tỏ “phẫn nộ” trước thông tin môn Lịch sử thành môn học tự chọn và lớn tiếng đòi phải quy định môn học này là môn bắt buộc. Họ nói rất nhiều điều đao to búa lớn, thậm chí cực đoan, chửi theo phong trào. Nhưng có một điều họ thiếu: không đọc toàn bộ Chương trình tổng thể ban hành từ năm 2018.

Nói như vậy để thấy, việc thay đổi hoàn toàn chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận xu hướng giáo dục của quốc tế hoàn toàn không đơn giản. Cuộc tìm tòi nào cũng gặp những rắc rối. Bởi lẽ, cái mới không phải bao giờ cũng được ủng hộ, vì cái mới chưa chắc đã đúng, đã phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục