BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đất và người Tây Ninh trong mùa xuân đại thắng 1975

Bài 3: Những trận đánh giữ núi và các vùng giải phóng sớm 

Cập nhật ngày: 29/04/2024 - 15:21

BTN - Sau hơn 10 ngày phản kích ác liệt, quân địch vẫn không sao thực hiện được kế hoạch tái chiếm núi Bà Đen vì gặp phải sự chống trả quyết liệt của Trung đoàn 5 chủ lực Quân giải phóng phục kích sẵn tại đây.

Trong hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh (nguyên Chủ tịch nước), người lãnh đạo cao nhất giữ quyền chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền thay tướng Trần Văn Trà ra Hà Nội họp từ tháng 11.1974, đã nhận định: “Có thể nói, chiến thắng đường 14- Phước Long và núi Bà Đen đối với mặt trận B2 đã tạo ra cho chúng ta thế làm chủ một địa bàn chiến lược quan trọng, uy hiếp trực tiếp phía Đông quốc lộ 13 và hệ thống phòng thủ của địch trên hướng bắc Sài Gòn, làm thay đổi đáng kể tương quan và thế trận trên chiến trường Đông Nam bộ có lợi cho ta. Đối với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu thì chiến thắng này có ý nghĩa là “trận trinh sát chiến lược” thăm dò khả năng quân đội Sài Gòn và sự can thiệp của Mỹ, làm sáng tỏ hơn những cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam”.

Bộ Tư lệnh chủ lực Miền tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy Cảnh sát nguỵ ở Phước Long. (Ảnh tư liệu)

Về phía đối phương, chính quyền và quân đội Sài Gòn, những kẻ cam tâm làm tay sai cho ngoại bang xâm lược nước ta suốt hơn 20 năm trước đó, tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng nguỵ quân cũng ghi rõ trong hồi ký: “Ngày 2.1.1975 (gần một tuần trước ngày Phước Long giải phóng - NV) Tỉnh trưởng Phước Long xin phương tiện tải thương, tiếp viện và xin quân bổ sung. Tuy nhiên vì đài tiếp vận truyền tin duy nhất còn lại trên núi Bà Rá (sau khi trung tâm TVTT núi Bà Đen, Tây Ninh đã bị “mất sóng” -NV) bị phá huỷ, tất cả liên lạc từ Phước Long ra ngoài bị cắt đứt. Một buổi họp khẩn cấp tại dinh Độc lập, Tổng thống Thiệu chủ toạ như thường lệ với sự có mặt của Phó Tổng thống, Thủ tướng, Phụ tá Tổng thống về an ninh quốc phòng, Tư lệnh Không quân, Tư lệnh Quân đoàn III, Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu và tôi, Tổng Tham mưu trưởng quân đội. Đề tài của buổi họp là có nên tăng viện cho Phước Long hay không, và nếu tăng viện thì nên tăng viện như thế nào về quân nhu, nhân sự…”.

Sau khi tường thuật việc tướng Tư lệnh Quân đoàn III Dư Quốc Đống báo cáo tình hình và… xin từ chức vì không hoàn thành nhiệm vụ trên địa bàn phụ trách, Tổng thống Thiệu phân tích tình hình và thực trạng của “đất nước” (VNCH) lúc bấy giờ, tướng Cao Văn Viên viết tiếp trong hồi ký: “Tính cách chiến lược của Phước Long: Nếu so sánh toàn diện, Phước Long không quan trọng bằng Tây Ninh, Pleiku hay Huế về kinh tế, chánh trị và dân số. Theo Bộ Tổng tham mưu, trong thời điểm ngặt nghèo về ngân quỹ quốc phòng đang đối diện, nếu phải giữ đất thì chúng ta nên giữ Tây Ninh hay Huế hơn là Phước Long. Buổi họp đi đến kết luận sau cùng là dùng quân của Liên đoàn 81 Biệt cách nhảy dù để giải cứu Phước Long”.

Những trang sau trong hồi ký của “viên bại tướng”, không cần đọc, những người quan sát thời cuộc 49 năm trước cũng đã biết: Liên đoàn Biệt kích 81, một trong 4 lực lượng tổng trừ bị thiện chiến nhất của quân đội Sài Gòn đã bị tổn thất phân nửa quân số ở núi Bà Đen, phân nửa còn lại được ném xuống Phước Long và biến mất trong biển lửa ở đó. Sau trận Phước Long, chỉ có vài chục tên biệt kích 81 chạy thoát về căn cứ của chúng Sài Gòn.

Cũng theo hồi ký của tướng Cao Văn Viên, do tâm trạng hoảng loạn của những kẻ cầm đầu chế độ Sài Gòn sau khi bị quan thầy Mỹ bỏ rơi, cắt gần hết viện trợ quân sự, kinh tế, trong khi phải đối đầu với quyết tâm chính trị và nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta, quân đội ta trong sự nghiệp lãnh đạo kháng chiến giải phóng dân tộc, quân địch đã trúng “kế nghi binh” của quân ta từ Tây Ninh, Phước Long đến Ban Mê Thuột, dẫn đến thất bại dồn dập ở Tây Nguyên, miền Trung rồi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh với 5 cánh quân rầm rập tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30.4.1975.

Trong những ngày tháng ấy, tại Tây Ninh, sau chiến thắng núi Bà Đen, Bộ Tư lệnh Miền tăng cường cho Tây Ninh hai trung đoàn 201 và 205. Đây là các đơn vị đã phối hợp cùng Tiểu đoàn 14 anh hùng của tỉnh ta đánh thắng cuộc hành quân tái chiếm núi Bà Đen “bằng mọi giá” của quân đội Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 1.1975. Kẻ địch đã điều quân vào cuộc hành quân này với lực lượng quy mô cấp quân đoàn gồm những đơn vị thuộc Sư đoàn 18, Sư đoàn 25 thuộc Quân đoàn III và cả Sư đoàn Dù với ý đồ tấn công quân ta từ chân núi (lính Quân đoàn III) và đổ quân dù lên sườn núi, đỉnh núi bằng tất cả máy bay trực thăng thuộc lực lượng không quân của chúng. Quân ta do tướng Trần Văn Danh (Ba Trần)- Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Miền, trực tiếp chỉ đạo trận đánh đã có kế hoạch chống tái chiếm từ trước nên đã tổ chức “đón lõng” quân địch ở Suối Đá và trên núi Bà Đen. Khi quân đoàn III rầm rộ xe pháo hùng hổ kéo tới chưa kịp tiếp cận chân núi đã lọt ngay vào trận địa của các đơn vị Quân giải phóng. Những trận đánh kinh hoàng lại diễn ra. Trên núi, Sư đoàn Dù lại một lần nữa thất bại bởi sự chốt giữ của các đơn Trinh sát, Đặc công của ta. Quân địch có lực lượng đông hơn, hoả lực mạnh hơn ta nhiều lần, nhưng họ rơi vào thế trận mà chúng ta đã bày sẵn nên đã nhanh chóng bị vỡ trận, gãy đổ ý đồ tái chiếm, vội vã rút đi khỏi cụm núi quê hương ta.

An ninh vũ trang Đoàn 180 Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam cắm cờ chiến thắng tại chi khu quân sự nguỵ ở Mỏ Công, Tây Ninh ngày 22.3.1975. (Ảnh tư liệu)

Sau khi đẩy lùi quân địch ở núi Bà Đen, các đơn vị chủ lực Miền tiếp tục cùng lực lượng vũ trang Tây Ninh thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ về “đánh bại cơ bản kế hoạch bình định lấn chiếm mới của địch ở địa phương”, đồng thời tiếp tục nghi binh về hướng tấn công của Quân giải phóng trong chiến dịch mùa xuân 1975, căng kéo quân đội Sài Gòn khỏi các hướng tấn công của quân ta và không thể co cụm để bảo vệ “thủ đô” của chúng. Quân dân Tây Ninh hạ quyết tâm mở đợt tấn công mạnh, quét sạch nguỵ quân, nguỵ quyền, giải phóng các địa phương vùng bờ Tây sông Vàm Cỏ Đông, tạo hành lang nối liền Tây Ninh với Long An, mở đường cho quân chủ lực ta tiến xuống vùng Đồng bằng sông Cửu Long góp phần tạo điều kiện thực hiện kế hoạch giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.

Đầu tháng 3.1973, một lần nữa kẻ địch quyết tâm tổ chức cuộc càn quét quy mô lớn để chiếm lại núi Bà Đen. Chúng dùng các trung đoàn 46, 49 thuộc Sư đoàn 25 cùng với Liên đoàn Biệt kích 81, vừa được củng cố, bổ sung quân số, với sự yểm trợ tối đa về phi pháo hòng tái chiếm điểm cao nhất miền Nam, lập lại “trung tâm tai, mắt” để bảo đảm thông tin liên lạc bảo vệ Sài Gòn. Thế nhưng cũng như lần trước, sau hơn 10 ngày phản kích ác liệt, quân địch vẫn không sao thực hiện được kế hoạch tái chiếm núi Bà Đen vì gặp phải sự chống trả quyết liệt của Trung đoàn 5 chủ lực Quân giải phóng phục kích sẵn tại đây. Hàng trăm tên địch bỏ xác từ Bàu Xạ Hột đến ấp Ninh Lợi, xã Ninh Thạnh.

Một lần nữa quân địch hùng hổ kéo đến rồi vội vàng tháo chạy, không kịp bén mảng đến chân núi Bà Đen. Ngọn núi “mắt thần” mà các “dũng sĩ núi” đã kiên trì bám trụ quyết giành lại trọn vẹn để phục vụ quân đội cách mạng trong trận chiến cuối cùng hoàn thành sứ mệnh giải phóng quê hương, đất nước.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “giành lại non sông” nối liền một dải Đông - Tây Nam bộ, lực lượng vũ trang Tây Ninh chuyển sang bên kia sông Vàm Cỏ Đông tấn công các yếu khu của địch trên toàn huyện Bến Cầu và ba xã cánh Tây Trảng Bàng (Phước Lưu, Bình Thạnh, Phước Chỉ, nay là hai xã Phước Bình và Phước Chỉ). Chỉ trong 4 ngày chiến đấu quyết liệt từ ngày 11.3 đến 15 giờ ngày 15.3.1975, quân ta đã hoàn toàn làm chủ huyện Bến Cầu và cánh Tây huyện Trảng Bàng. Với chiến công này, Bến Cầu là huyện đầu tiên của tỉnh được hoàn toàn giải phóng. Những ngày sau đó, quân địch cũng phản kích dữ dội nhưng quân dân Bến Cầu và các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh vẫn giữ vững thành quả cách mạng vẻ vang của quê hương mình.

Hai ngày sau giải phóng huyện Bến Cầu phía Tây, ngày 17.3.1975 trên chiến trường phía Đông tỉnh, bộ đội địa phương và du kích các xã thuộc huyện Dương Minh Châu kết hợp với Sư đoàn 9 chủ lực Quân giải phóng tấn công tiêu diệt các đồn bót địch ở Bến Củi, Đất Sét, Truông Mít, Cầu Khởi, Phan, Suối Đá. Đến lúc này phần lớn các vùng nông thôn từ tỉnh lộ 26 đến lộ số 2 (nay là các đường 782 và 781), từ Suối Đá đến núi Bà Đen đã được giải phóng.

Chưa đầy một tuần sau, ngày 22.3.1975, lực lượng vũ trang huyện Tân Biên gồm 2 tiểu đoàn do ông Tư Ngữ (đồng chí Phạm Việt Ngữ) chỉ huy tấn công giải phóng Mỏ Công, Suối Ông Đình (nay là xã Trà Vong), địa bàn phía Đông Tân Biên, trên đường về thị xã (nay là thành phố) Tây Ninh. Đây là phần đất cuối cùng của huyện Tân Biên mà nguỵ quyền Tây Ninh còn cố bám lấy. Với chiến công này, toàn địa bàn huyện Tân Biên cũ (bao gồm địa bàn huyện Tân Châu ngày nay) vòng sang hướng Đông Bắc tiếp giáp với huyện Dương Minh Châu đã hoàn toàn giải phóng. Trong khi đó ở địa bàn phía Đông Gò Dầu, tinh thần binh lính địch hoang mang cực độ, bọn lính các binh chủng địch rã ngũ, đào ngũ gần hết, tất cả dân vệ ấp Thành Miên (nay là ấp 4, xã Bàu Đồn) địa bàn trú đóng quận lỵ Khiêm Hanh của nguỵ quyền Sài Gòn tự mang vũ khí về với cách mạng trong ngày 23.3.1975. Như thế, cả hai hành lang phía Đông và phía Tây tỉnh nhà đã được giải phóng hơn một tháng trước ngày Tây Ninh giải phóng 30.4.1975. 

Nguyễn Tấn Hùng

(Còn tiếp)

Tin liên quan
  • Bài 2 Giành lại núi sông 

    Bài 2 Giành lại núi sông

    Kết quả thắng lợi của hai trận đánh giải phóng núi Bà Đen và giải phóng tỉnh Phước Long khởi đầu Chiến dịch mùa xuân 1975, tiến đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

  • Bài 1 Điểm hẹn lịch sử 

    Bài 1 Điểm hẹn lịch sử

    Nhiều thế hệ người Tây Ninh rất đỗi tự hào về quê hương mình, đó là lịch sử đất nước ta đã chọn Tây Ninh làm “điểm hẹn” để xuất phát cuộc trường chinh giải phóng đất nước thoát khỏi hoạ xâm lăng của một đội quân hùng mạnh nhất thế giới.