Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trung ương Cục miền Nam - Chiến khu Bắc Tây Ninh: Sáng tạo không ngừng trong kháng chiến, đổi mới phát triển trong hoà bình

Bài 3: Sự sống nảy sinh từ cái chết 

Cập nhật ngày: 02/05/2022 - 00:29

BTN - Sau 47 năm- tính từ mùa xuân năm 1975, hay nói đúng hơn là sau 43 năm- tính từ mùa xuân năm 1979, khi vùng chiến khu Bắc Tây Ninh - Trung ương Cục miền Nam thực sự không còn khói lửa đạn bom, màu xanh của cây rừng tự nhiên và cây trồng từ bàn tay con người đã trở lại nơi đây.

Du khách trải nghiệm tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên). Ảnh: Ngọc Diêu

Có lẽ cần thiết phải nói thật phân biệt và rõ ràng như thế, vì trên suốt dải đất biên cương dài 170km đi qua hai huyện Tân Biên và Tân Châu của tỉnh Tây Ninh hiện vẫn còn hàng chục ngàn héc-ta rừng nguyên sinh và tái sinh được bảo tồn, quản lý chặt chẽ chu đáo không kém thuở nào “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” của những năm kháng chiến. Đồng thời, ngay phía trong “vành đai rừng biên giới”, phía nội địa là vành đai xanh của những vùng chuyên canh mía, chuyên canh mì, chuyên canh cây cao su và nhiều loại cây trồng khác quanh năm luôn xanh mướt một màu.

“Vành đai rừng biên giới” ở đây là các cánh rừng của Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát và rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng. Những cánh rừng được canh giữ ngày đêm hết sức nghiêm ngặt.

Vì có một điều mà người Tây Ninh ai cũng biết là trong 30.022 ha rừng của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, không chỉ là đầu nguồn phát nguyên sông Vàm Cỏ Đông với trên 10.000 loài động - thực vật, trong đó có không ít loài quý hiếm, mà còn có rất nhiều di tích lịch sử thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, bao gồm cả các khu di tích Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Ban An ninh Miền và các ban, ngành, đoàn thể cách mạng miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ.

Và xen giữa hai khu vực dự án rừng đặc dụng, văn hoá lịch sử Lò Gò - Xa Mát và Chàng Riệc, hai dự án hợp thành Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát là Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Khu kinh tế này tuy chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh biên mậu, nhưng lại là nơi thu hút mạnh mẽ hàng nông sản từ Vương quốc Campuchia bên kia biên giới đưa sang; cũng như xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng từ Việt Nam qua nước bạn. Với vị trí và điều kiện tự nhiên, xã hội đặc biệt đó, vùng đất Tân Biên hôm nay còn rất nhiều tiềm năng về du lịch, kinh tế biên mậu cần được phát huy, khai thác đúng mức.

Bên trong vành đai xanh tự nhiên này là vùng xanh cây trồng của nhân dân huyện Tân Biên, được tạo điều kiện phát triển bởi chính sách thu hút, khuyến khích người dân khắp mọi miền Tổ quốc đến đây cùng tham gia xây dựng kinh tế mới trên vùng đất vốn hoang hoá, đầy vết tích chiến tranh tàn phá.   

Trong tác phẩm “Mùa lạc”, nhà văn Nguyễn Khải viết: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Trải qua bao gian khó, “khi thiếu súng và khi thì thiếu gạo”, vùng Bắc Tây Ninh ngày nay, màu xanh của sự sống, sự phát triển đã thay cho khói lửa năm nào.

Địa bàn vùng Bắc Tây Ninh rộng lớn hiện nay, ngoài một phần phía Đông đã là mênh mông mặt hồ Dầu Tiếng, vòng cung từ Đông Bắc sang hướng Tây là địa bàn thuộc hai huyện Tân Biên và Tân Châu (huyện mới thành lập năm 1989). Trong đó, Tân Biên là huyện biên giới nằm về phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh; có diện tích tự nhiên 85.332 ha, có đường biên giới giáp Campuchia dài 92,5km. Tân Biên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Toàn huyện có 9 xã, 1 thị trấn; có 3 xã biên giới tiếp giáp với 8 xã, 4 huyện, 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia.

Dọc tuyến biên giới này có hai cửa khẩu quốc tế Xa Mát và Tân Nam, cửa khẩu chính Chàng Riệc và cửa khẩu phụ Tân Phú. Xuyên suốt địa bàn huyện từ Đông Nam lên Tây Bắc là quốc lộ 22B, từ lâu là cầu nối giữa Việt Nam và Campuchia, qua đường số 7 của nước bạn kết nối với Thái Lan, từ đó kết nối vào Đông - Tây, qua đó thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam cùng với Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar.

Trong tương lai gần, khi đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát xây dựng hoàn thành, qua huyện Tân Biên, Việt Nam sẽ có lợi thế khi kết nối được với hệ thống hạ tầng giao thông của khu vực, đồng thời đó là sự kết nối gần nhất (so với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài) với hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hai năm gần đây, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid- 19, cũng như cả nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, dịch vụ vùng Bắc Tây Ninh không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng từ sau khi đất nước ta chuyển sang “thích ứng an toàn, phòng, chống Covid-19 hiệu quả”, không còn giãn cách, các hoạt động của xã hội trở lại bình thường, những chuyến hàng nông sản lại nhộn nhịp thông quan cửa khẩu quốc tế Xa Mát trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Một cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, thuộc thế hệ 8X, nguyên quán ở miền Bắc được sinh ra, lớn lên tại Tân Biên sau chiến tranh, ông Nguyễn Việt Hùng- Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lập cho biết, hiện tại, xã vùng biên, căn cứ kháng chiến này có gần một vạn dân, dân số nhiều hơn hẳn so với các xã khác trên cùng địa bàn huyện.

Đây là điều mà ngay cả những người đầu tiên được cách mạng vận động từ Campuchia hồi hương cũng khó có thể hình dung khi mấy chục năm về trước, dân số toàn huyện Tân Biên chỉ tròm trèm hai mươi ngàn người. Điều đáng nói, dân số của xã vùng biên này hầu hết là người từ nơi khác đến sinh sống lập nghiệp sau khi khói lửa của chiến tranh đã lụi tàn.

“Dân số của xã tăng nhanh, đặc biệt trong thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới” - ông Hùng thông tin. Công cuộc xây dựng nông thôn mới làm cho bức tranh nông thôn vùng biên giới huyện Tân Biên đã và đang thay đổi từng ngày, theo cả lượng và chất.

Tuy là vùng biên giới nhưng xã Tân Lập không có khái niệm “dân cư thưa thớt” như thường thấy trong sách giáo khoa. Số liệu thống kê cho thấy, dân số của xã không ngừng tăng trong những năm qua, chứng minh ở nơi đây “đất lành chim đậu”.

Người dân nơi đây làm nhiều ngành nghề khác nhau, trồng, khai thác mủ cao su, lâm nghiệp, dịch vụ, kinh tế biên mậu… Thu nhập của người dân trong xã khá cao, bình quân 57 triệu đồng mỗi người một năm, theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

“Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, công tác phát triển Đảng của xã biên giới này được nhìn nhận là có nhiều chuyển biến tích cực. “Nhiều năm trước, xã chỉ có một chi bộ trực thuộc Huyện uỷ. Đến năm 1991 mới đủ số đảng viên để thành lập Đảng bộ cơ sở.

Hiện nay có 217 đảng viên, trong đó có ba đảng viên người dân tộc thiểu số và rất ít đảng viên hưu trí. Công tác phát triển Đảng, xây dựng chính quyền được quan tâm, việc bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới luôn đủ và vượt chỉ tiêu.

Một điều đáng chú ý, phần lớn cán bộ lãnh đạo xã Tân Lập hiện nay tuổi đời còn rất trẻ, khoảng 80% cán bộ, lãnh đạo của xã sinh từ những năm 80 trở về sau. “Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ” - lãnh đạo xã cho biết.

Là xã vùng biên, Đảng bộ, chính quyền Tân Lập không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng Đảng mà luôn chú trọng công tác đối ngoại nhân dân với những địa phương giáp biên của Vương quốc Campuchia. “Chúng tôi ý thực được rằng, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Lãnh đạo địa phương hai bên bên giới có thể trao đổi với nhau hằng ngày, với chung một mục tiêu, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, xây đắp mối quan hệ đối ngoại nhân dân thật hiệu quả, hữu ích, thân thiện và hợp tác.

Chiến tranh đã lùi xa. Đường biên giới ngày nay là một đường biên giới của giao lưu, hợp tác, tin cậy. Những nỗ lực trong công cuộc xây dựng quê hương đã và đang đem lại kết quả đầy sức thuyết phục: xã biên giới từng là tâm điểm của nhiều cuộc chiến tranh hiện không còn hộ dân nào sống trong nhà tranh vách đất. 100% hộ dân sử dụng điện và có nhiều tiện nghi hiện đại. Trên địa bàn xã có nhiều ngôi nhà khang trang, hiện đại tầm cỡ biệt thự. Trên địa bàn xã có gần 60 doanh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động đã và đang tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người.

“Quan trọng hơn, Tân Lập tuy là địa phương từng có tới 506 đồng bào bị thảm sát trong một đêm thời chiến tranh biên giới, nhưng gần như hiện nay không ai còn bị ám ảnh nỗi sợ hãi chết chóc, nhờ có niềm tin vào sự lớn mạnh, vững vàng của địa phương dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta”. Lời khẳng định của ông Nguyễn Việt Hùng cho thấy, hiện thực ở Tân Lập rõ ràng là “sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ…” mà miền đất, con người ở đây đã trải nghiệm từ bao nhiêu năm qua.

Nguyễn Tấn Hùng - Đồng Viết Thắng

Tin liên quan
  • Bài 1: Ðánh thắng mọi kẻ thù trên vùng “đất thánh” của cách mạng miền Nam 

    Bài 1: Ðánh thắng mọi kẻ thù trên vùng “đất thánh” của cách mạng miền Nam

    Từ “phát súng lệnh” là chiến thắng Tua Hai, trận chiến đánh vào căn cứ địch cấp trung đoàn ở cách trung tâm thị xã Tây Ninh chỉ 5km vào đêm 26.1.1960, Xứ uỷ Nam bộ lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang trong cuộc Đồng khởi ở Bến Tre, một số tỉnh Nam bộ và một số tỉnh miền Trung.

  • Bài 2: Người lính Cụ Hồ và đại công trình thuỷ lợi 

    Bài 2: Người lính Cụ Hồ và đại công trình thuỷ lợi

    Việc xây dựng thành công hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, do người lính Cụ Hồ Đặng Văn Thượng quyết tâm xây dựng cho kỳ được trong những năm cực kỳ khó khăn thời mới giải phóng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Có thể nói, tỉnh Tây Ninh có được cuộc sống no ấm hôm nay phần lớn là nhờ hiệu ích đem lại từ “đại công trình thuỷ nông” này.