Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bài 3: “Trồng người” nơi đảo xa
Thứ tư: 15:20 ngày 31/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong số 5 điểm đảo chúng tôi đến thăm, Hòn Chuối là điểm phải chuyển 3 lần tàu mới có thể cập cảng do địa hình khó khăn, hiểm trở, tứ bề vách núi dựng đứng, không có đường giao thông. Đây cũng là điểm duy nhất đoàn phải di chuyển, vận chuyển hàng hoá hoàn toàn bằng sức người với độ cao 180m so với mực nước biển.

Hành trình đem quà tết lên Hòn Chuối đầy gian nan.

Vì tôi là người lính

Hòn Chuối thuộc địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách đất liền 17 hải lý. Đảo có diện tích 1,4km2, nằm ở độ cao khoảng 180m so với mực nước biển. Tuy đời sống trên đảo còn nhiều khó khăn, nhưng Hòn Chuối là nơi lưu giữ nhiều câu chuyện ấm áp, mộc mạc đầy tình quân dân.

Sau khi băng qua 3,5km rừng nguyên sinh với nhiều dốc cao, chúng tôi đến với lớp học tình thương của Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Lớp học có học sinh từ lớp mầm, tập làm quen con chữ đến những học sinh lớp 7. Người thầy giáo “mang quân hàm xanh” đứng lớp trong suốt những năm qua là Thiếu tá Trần Bình Phục- Phó Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau.

Trong lớp học có 3 chiếc bảng dài được gắn vào 3 bức tường, mỗi bảng lại chia thành 2-3 phần, mỗi phần có một nội dung học khác nhau. Học trò nhóm quay lên, nhóm quay ngang. Thầy Phục đi vòng tròn để giảng bài cho học trò theo từng nhóm lớp. 

Lau mồ hôi trên trán, Thiếu tá Phục chậm rãi kể, thầy chưa từng nghĩ mình sẽ dạy học cho các em học sinh, sẽ được mọi người gọi với cái tên là người thầy giáo mang “quân hàm xanh”. Nhưng gặp những đứa trẻ lem luốc, không biết chữ, cuộc sống gia đình lại quá vất vả, tương lai của những đứa trẻ sẽ đi về đâu? Không thể chấp nhận nhìn những đứa trẻ với tương lai mờ mịt như vậy, Thiếu tá Phục và các đồng đội xin Chỉ huy Đồn Biên phòng cho mở lớp dạy chữ cho các em.

Những ngày đầu, lớp học gặp rất nhiều khó khăn khi phụ huynh không mặn mà với việc cho con em đến lớp, số lượng học sinh bắt đầu từ con số 0. Thế rồi, các lực lượng trên đảo lại đến từng nhà để vận động, cõng từng đứa trẻ đến lớp. Đem từng cái ghế cũ, bàn cũ để kê thành lớp học.

“Mình thấy các em quá khổ, trong mỗi người ai cũng có lòng trắc ẩn. Hơn nữa, vì tôi là người lính, bằng tình yêu thương và trách nhiệm của người lính tôi muốn làm cái gì đó cho tương lai của các em. Thời gian cứ trôi qua và tình thầy trò gắn bó với nhau mà không có sự toan tính. Mỗi ngày lên lớp cả thầy và trò phải leo hàng trăm mét thềm dốc đứng xuyên qua cánh rừng, mùa nắng thì mồ hôi nhễ nhại, mùa mưa thì trơn trượt, quần áo lấm lem nhưng không vì thế mà các em vắng lớp”- Thiếu tá Phục chia sẻ.

Thiếu tá Trần Bình Phục đứng lớp dạy các học trò của mình.

Bằng sự phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của Thiếu tá Phục và đơn vị, lớp học trên đảo được duy trì đều đặn hằng ngày nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Việc duy trì lớp học cũng như ý chí vượt khó của thầy và trò đã làm thay đổi nhận thức nhiều người dân trên đảo. Từ những lớp học nơi đảo xa này, đã có 24 em được chuyển vào đất liền để tiếp tục học tập, đặc biệt có 5 em đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định. Lớp học đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc.

Nói về người chiến sĩ - người thầy đã mang cái chữ và tri thức đến cho con em trên đảo, chị Bùi Phương Thì, người dân trên đảo Hòn Chuối chia sẻ: “Chúng tôi nhiều người cũng không biết chữ nhưng các con, cháu ở đảo xa mà được dạy để biết chữ, tương lai tươi sáng hơn là hạnh phúc lắm. Lớp học này được dựng lên bằng tình thương của những người lính, rồi được địa phương, mạnh thường quân quan tâm mà lũ trẻ còn có thêm cả khu vui chơi sau giờ học. Hai đứa trẻ biết chữ là tôi mang ơn thầy nhiều lắm”.

Thắm tình quân dân

Nằm ở vị trí tiền tiêu, năm nào các đảo vùng biển Tây Nam cũng hứng chịu hậu quả nặng nề của các cơn bão, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của ngư dân sống trên đảo. Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, lúc nào quân - dân cũng cận kề, cùng vượt qua thiên tai. Mỗi khi có thông tin cơn bão sắp đến, cán bộ, chiến sĩ các trạm ra-đa, đồn biên phòng vận động bà con neo đậu tàu thuyền vào bờ, lên trạm trú bão với phương châm còn người còn của, sinh mạng con người là quan trọng nhất.

Đảo Hòn Chuối có 70 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu, hầu hết là hộ nghèo và cận nghèo, sống bằng nghề đi biển. Điều kiện sống trên đảo còn nhiều khó khăn, mùa mưa thiếu điện, mùa khô thiếu nước, người dân thường xuyên phải “chạy nhà” từng năm theo mùa gió bão. Theo ông Lê Văn Phương- Tổ phó Tổ nhân dân tự quản đảo Hòn Chuối, do điều kiện khó khăn nên nhiều hộ dân vẫn chưa xây dựng được nhà ở kiên cố và phải "chạy nhà" theo mùa. Mùa gió chướng, người dân phải dời nhà sang bãi Nam và đến tháng 3, tháng 4 âm lịch hằng năm lại dời nhà từ bãi Nam ngược về bãi Chướng. Nếu không dời kịp, sẽ phải hứng chịu những cơn gió, bão biển.

Các em học sinh ở lớp học tình thương vui chơi tại khu trò chơi.

“Cũng may mắn khi các lực lượng đứng chân trên địa bàn luôn nhiệt tình hỗ trợ người dân gia cố nhà, chở đồ đạc. Trên đảo chưa có trạm y tế nên khi có người ốm đau, bệnh tật là các quân y của lực lượng trên đảo thăm khám, cấp phát thuốc. Trường hợp bệnh nặng được quân y tư vấn và hỗ trợ đưa vào đất liền điều trị. Tình quân - dân trên đảo rất keo sơn, gắn bó”- ông Phương chia sẻ.

Thượng uý Nguyễn Văn Muộn, Quân y Trạm ra-đa 625 (Đảo Hòn Đốc, xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) 16 năm gắn bó với đảo Hòn Đốc là từng đó năm anh kết hợp với địa phương trong thực hiện mô hình quân dân y kết hợp để chăm sóc, điều trị bệnh cho nhân dân trên xã đảo. Đặc biệt với việc kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, quản lý sử dụng thuốc, trang bị y tế tốt, bền, an toàn, tiết kiệm, đã không ít lần Thượng uý Muộn giúp đỡ bà con ngư dân đang làm ăn trên biển cũng như nhân dân trên xã đảo Tiên Hải.

“Chúng tôi đã xây dựng được một vườn thuốc nam với 8 nhóm cây dược liệu trị bệnh hô hấp, cảm cúm, xương khớp, bệnh ngoài da, rắn cắn, thận, tiết niệu… Vì bên cạnh thuốc tây thì việc kết hợp đông y cũng sẽ phát huy hiệu quả rất tốt trong quá trình điều trị”- Thượng uý Muộn cho biết.

Thượng uý Nguyễn Văn Muộn chăm sóc cây thuốc nam tại Trạm ra-đa 625.

Đặc biệt, vừa qua Thượng uý Muộn đã cứu chữa được một người dân có vết thương bị hoại tử do bị bỏng nặng bằng việc áp dụng hiệu quả các biện pháp kết hợp đông y, tây y trong điều trị.

Theo ông Nguyễn Thanh Nghiệm- Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, các lực lượng đóng quân trên địa bàn phối hợp rất tốt với chính quyền địa phương trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng… góp sức đưa xã đảo sớm hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Những việc làm bình dị của lực lượng đóng quân trên các đảo Tây Nam không chỉ thể hiện tình cảm gắn bó quân - dân nơi đảo xa mà còn là sự đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng lời dạy của Bác “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, biển của ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Vũ Nguyệt

(Còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục