Thời Sự - Chính trị   Thời Sự - Chính trị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Truyền thông đen hay là những ngòi bút bị tha hoá

Bài 3: Trước sau... không như một 

Cập nhật ngày: 06/03/2021 - 06:46

BTN - Theo dõi những người chuyên xuyên tạc, bóp méo thông tin về tình hình đất nước, dễ nhận thấy đó là những người trước sau không như một. Khi còn đương chức, họ viết khác; khi không còn giữ chức vụ hoặc bị kỷ luật, giọng điệu của chính con người ấy, lại khác. Không chỉ những người luống tuổi, một số người còn trẻ, được học hành tử tế cũng hùa theo giọng điệu này để làm sai lệch thông tin một cách có chủ đích.

Tranh cổ động “Ở nhà là yêu nước” của Lê Ðức Hiệp được tờ Guardian đăng tải ngày 9.4.2020.

Từ già...

“Phải trên một chân lý hiển nhiên là có Ðảng lãnh đạo mới có nền kinh tế và văn hoá như ngày nay. Những yếu tố tiêu cực như nấm độc cứ len lỏi khắp nơi. Chỉ những chỗ nào, lúc nào ánh sáng của lý tưởng, của sự nghiệp chân chính chiếu rọi vào thì mới hạn chế được những nấm độc chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, của những thói tự cao tự đại và bảo thủ lạc hậu - ánh sáng đó là mặt trời, mặt trời chân lý, mặt trời của lý tưởng, của sự nghiệp.

Dù sao nó cũng cứ vằng vặc sáng soi khắp chỗ… và mặt trời vẫn cứ là mặt trời. Kẻ thù của xã hội chủ nghĩa ra sức xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, chê bai, khoét sâu khuyết, nhược điểm, lợi dụng mâu thuẫn “đâm bị thóc, chọc bị gạo” luôn tìm sơ hở để phản kích ác liệt.

Việt Nam từ một xã hội thuộc địa tiểu nông lạc hậu dưới hai tầng thống trị của thực dân, phong kiến đã trở thành một xã hội của một đất nước được thống nhất, độc lập và tự do. Từ một dân tộc hầu như mù chữ đã trở thành một dân tộc đầy trường học, có hàng trăm trường đại học, có hàng vạn giáo sư tiến sĩ, cử nhân, hàng triệu tú tài, hàng năm đều có gần 100% trẻ em 7 tuổi đến trường”.

Ðoạn văn vừa trích dẫn là của một người lúc đang giữ cương vị cao (xin phép không nêu tên) trong hệ thống của Ðảng và Nhà nước. Sau này, vì những sai phạm, bị kỷ luật, không phải ai khác, chính ông lại phủ định những gì mình đã viết khi đương chức bằng những lời lẽ hết sức nặng nề, trong đó ông chỉ trích Việt Nam vi phạm nhân quyền. Thái độ, cách nhìn nhận của ông (sau khi bị kỷ luật) quay 180 độ so với khi ông còn giữ trọng trách.

Trước đây, trong một bài viết khác, chúng tôi từng đề cập trường hợp một nhà văn có tài, vốn sống, vốn văn hoá phong phú, từng được coi là “cây đa cây đề” trên địa hạt văn hoá, tư tưởng. Nhiều tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa.

Bao thế hệ, hàng triệu học sinh phổ thông, sinh viên đại học say mê tác phẩm, ngưỡng mộ tác giả. Không còn cách nào khác, một quyết định đã được cấp có thẩm quyền đưa ra: tất cả những tác phẩm của ông sẽ không còn xuất hiện trong chương trình, sách giáo khoa mới (Chương trình 2018).

Ðây có thể là một quyết định khó khăn nhưng chắc chắn đã được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi chính bản thân ông cũng phủ định những tác phẩm do mình viết ra. Nhưng mặt khác, cần nhìn nhận sòng phẳng, công tâm: sự nghiệp văn học của ông đồ sộ nhưng không phải tác phẩm nào cũng xuất sắc, một số tác phẩm không còn phù hợp với hiện nay.

Những trường hợp “thay lòng đổi dạ” như trên không phải quá cá biệt. Nguyên do thì có nhiều, không tiện và cũng không thể liệt kê hết, mặt khác, điều đó cũng không còn cần thiết. Nhưng có một điểm chung giữa những người như vậy, đó là, họ chỉ lên tiếng thế này thế kia sau khi đã bị tổ chức kỷ luật. Một điều nữa, cái tôi cá nhân trong họ quá cao, trong mắt họ, chỉ có họ là duy nhất đúng, ai họ cũng dè bỉu, chê bai. Họ muốn độc quyền chân lý, trong khi, cuộc sống, không ai được độc quyền chân lý. Chân lý thuộc về lẽ phải, không thuộc về số đông.

...Ðến trẻ

Chương trình thời sự lúc 19 giờ ngày 27.2 trên VTV1 có đưa tin, một tờ báo điện tử của Mỹ đăng bài viết “đánh giá cao” cách Việt Nam chống dịch bệnh Covid- 19. Thông tin này sau đó được nhiều tờ báo trong nước dẫn lại.

Theo tinh thần của bài viết được báo VietNamnet dẫn lại thì, xin trích: “Vị trí địa lý (giáp biên giới với Trung Quốc, nước đầu tiên bùng phát dịch) và quy mô dân số (khoảng 97 triệu dân), Việt Nam có khả năng trở thành một điểm nóng về Covid-19.

Song, thông qua sử dụng mô hình chống dịch chi phí thấp và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cơ bản như thường xuyên vệ sinh tay và đeo khẩu trang, Việt Nam đã kiểm soát được dịch trong vòng vài tháng. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới ghi nhận không đầy 2.500 ca nhiễm và 35 trường hợp tử vong.

Báo Mỹ nhấn mạnh, không quốc gia nào có cùng quy mô dân số lại kiềm chế virus tốt như Việt Nam. Ví dụ, với 102 triệu dân, Ai Cập đã có hơn 176.000 ca nhiễm, theo dữ liệu thống kê của Ðại học John Hopkins (Mỹ). Cộng hoà Dân chủ Congo, nước nằm giữa lục địa châu Phi, ghi nhận hơn 24.000 ca mắc trong tổng số 89 triệu dân. Trong bảng xếp hạng 98 nước về mức độ thành công trong ứng phó với đại dịch, do Viện Nghiên cứu Lowy (Australia) công bố ngày 28.1, Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau New Zealand, trong khi Mỹ xếp gần cuối, ở vị trí 94. Tuy nhiên, Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam tin quốc gia hình chữ S ứng phó với dịch tốt hơn cả New Zealand...”.

Từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và cho đến tận hôm nay, những tháng đầu của năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa khống chế dịch bệnh nhằm giữ sinh mạng, sức khoẻ cho đồng bào.

Hơn một năm qua, khi dịch bệnh bùng phát khắp địa cầu, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là về kinh tế. Thực tế cũng đã xuất hiện những bất cập, thậm chí sai phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh. Một số cá nhân “không giữ được mình” đã nâng khống giá trị thiết bị y tế và đã bị trừng phạt.

Nhưng, đối với sinh mạng của đồng bào, Ðảng, Chính phủ đã cố gắng đến mức cao nhất, cả về kỹ thuật cũng như biện pháp hành chính để bảo đảm an toàn cho người dân. Cho đến lúc này, trong khi nhiều cường quốc đang quay cuồng trong cơn cuồng phong của đại dịch, mặc dù có những diễn biến mới, khá phức tạp ở một số ổ dịch thuộc hai tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng, song xét toàn cục, Việt Nam đang an toàn hơn bất kỳ quốc gia nào.

Không chỉ với người dân trong nước, hàng chục ngàn người Việt Nam ở nước ngoài cũng được Chính phủ đón về hoặc đang chờ được đón về. Tại cuộc họp chiều 15.2 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid- 19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị cho Bộ Ngoại giao tham mưu, nghiên cứu trình phương án để đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về. Tại thời điểm diễn ra cuộc họp, các cơ quan chức năng cho biết, có khoảng 80 ngàn người Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng được về nước.

Những thông tin trên cho thấy, trước “cơn hồng thuỷ” mang tên Covid- 19, Chính phủ đã không loại trừ một phương án, một giải pháp, một thái độ nào để vừa giữ vững nền kinh tế vừa bảo đảm tính mạng của người dân, kể cả trong và ngoài nước.

Ðó là sự thật hiển nhiên, không ai phủ nhận được. Thế nhưng, hằng ngày, trên mạng xã hội, nhiều người, đa phần trẻ hoặc trung niên, vẫn cứ giọng điệu chê bai, dè bỉu đủ điều về cách thức chống dịch của Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là, khi dịch bùng phát ở một số quốc gia, các nhà “dân chủ cuội” hoặc “trí thức cấp tiến” phê phán Chính phủ Việt Nam bỏ rơi công dân của mình nơi xứ người.

Nhưng khi điều kiện cho phép, Chính phủ cho máy bay bay đến những quốc gia đang là vùng tâm dịch (có người so sánh đó như những chuyến bay tử thần) để đón công dân về thì chính những người nêu trên lại rêu rao, đón người Việt ở nước ngoài về khác gì rước dịch bệnh về trong nước.

Họ, những “nhà đạo đức online” không hề ngượng miệng khi chỉ trong thời gian ngắn đã thể hiện sự tiền hậu bất nhất. Có những người không đóng một vai trò nào trong việc chống dịch bệnh, thậm chí sự hiểu biết của họ (về mặt y khoa) cũng hạn chế nhưng lại thích phán xét, ra vẻ ta đây, kiểu “ưu thời mẫn thế”.

Ngày 6.7.2019, một tờ báo ở TP. Hồ Chí Minh có đăng bài viết của một người Việt Nam đang giảng dạy tại một trường đại học tại Cộng hoà liên bang Ðức, trong đó, tác giả chỉ ra rằng, “những tay viết IS” (ngầm so sánh với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS- PV) đã và đang khuynh đảo thông tin, từ đó làm rối loạn xã hội.

“Những chế tài mới cần được tạo ra để đảm bảo một môi trường truyền thông chuyên nghiệp, trong lành và thiện lương hơn”- người này khuyến nghị. Dẫn ra điều này, một lần nữa muốn chứng minh rằng, trên thế giới, không một quốc gia nào có luật pháp lại chấp nhận thứ tự do ngôn luận vô chính phủ. Mới đây nhất, mạng xã hội lớn nhất thế giới, facebook, đã khoá quyền truy cập có thời hạn của một số người Việt Nam đang sinh sống cả trong và ngoài nước. Thường xuyên theo dõi những trang cá nhân này sẽ biết rằng, không có chuyện “oan sai” khi facebook cấm những người nêu trên sử dụng dịch vụ của họ trong một thời gian nhất định.

Cái gì cũng có giới hạn, ngay cả ở những quốc gia tự “vỗ ngực xưng tên” là xứ sở của tự do.

Việt Ðông

(còn tiếp)