Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bác bỏ quan điểm sai trái: Vì một Việt Nam ổn định và phát triển
Bài 3: Việt Nam cần ổn định để phát triển
Thứ sáu: 00:32 ngày 13/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23.5.2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Bài viết của người lãnh đạo cao nhất của Đảng có sức lan toả mạnh mẽ trong nhân dân, không chỉ dư luận trong nước mà ở ngoài nước cũng rất quan tâm.

Ông Amiad Horowitz, Phóng viên của tờ People’s World, Thành viên đảng Cộng sản Mỹ, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Washington D.C

Ngày 25.6, ông Amiad Horowitz- phóng viên tờ People’s World, thành viên Đảng Cộng sản Mỹ, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Washington D.C về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: “Đã giải thích những điều kiện đặc biệt mà Việt Nam phải đối mặt và cách Việt Nam tiếp cận những điều kiện này với quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Theo ông, nhìn từ bên ngoài, nhiều người sẽ không hiểu nền kinh tế thị trường là một bộ phận cấu thành của công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam, và cũng có những thông tin tuyên truyền chống phá. Ở khía cạnh này, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cung cấp nhận thức thực sự về con đường mà Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam đang đi để xây dựng CNXH và cải thiện đời sống của nhân dân”.

Nhà báo Mỹ đánh giá, chỉ trong vài thập niên, Việt Nam đã từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới. Bất chấp những khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đã đưa Việt Nam đến nhiều thành công to lớn.

Ông Amiad Horowitz cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trên con đường hiện thực hoá các mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao, đậm đà bản sắc dân tộc, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Về thách thức, ông Amiad Horowitz cho rằng các lực lượng chống phá sẽ tiếp tục tìm cách làm cho Việt Nam chuyển hướng khỏi con đường xây dựng CNXH. Tuy nhiên, nhà báo Mỹ tin tưởng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có thể ngăn chặn điều này thông qua sự lãnh đạo liên tục, hiệu quả và mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân Việt Nam.

Cũng trả lời phỏng vấn TTXVN, GSTS Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành lịch sử đương đại thuộc Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 (Pháp) bình luận, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “văn kiện quan trọng, tổng hợp một cách cân đối và khéo léo giữa việc kế thừa chủ nghĩa Mác - Lênin với tình hình của Việt Nam, trong đó các nhà lãnh đạo Việt Nam đã vận dụng hiệu quả những điểm tích cực của nền kinh tế thị trường”.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích một cách sáng suốt những mâu thuẫn và hạn chế của chủ nghĩa tư bản - nguồn gốc của nhiều xung đột xã hội”- GS Pierre Journoud nêu. Ông cũng nhận định việc vận dụng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào nền kinh tế Việt Nam đã góp phần giải phóng lực lượng sản xuất cũng như phát triển khoa học và công nghệ.

“Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.

Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.

Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường.

Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Đoạn trích nguyên văn nêu trên trong bài viết của Tổng Bí thư được nhiều tờ báo cả trong và ngoài được đánh giá cao cả về phương diện lý luận cũng như tính thực tiễn. Bài viết đã luận giải các vấn đề của đất nước bằng văn phong giản dị, hầu như ai đọc cũng hiểu.

Giáo sư, Tiến sĩ Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành lịch sử đương đại, Trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 (Pháp)

“Càng đi vào chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới.

Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản.

Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”. Đoạn văn này là câu trả lời thẳng thắn, khúc chiết, minh bạch, rõ ràng từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng về xây dựng đất nước, rằng, Việt Nam tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, giá trị tinh hoa của nhân loai vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Việt Nam chưa và không bao giờ phủ định sạch trơn những thành tựu khoa học kỹ thuật hay giải phóng sức sản xuất của loài người. Ngày nay, nhiều công ty công nghệ hàng đầu của thế giới cũng đã có mặt ở Việt Nam.

Trao đổi với báo chí, ông Đào Duy Quát- nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương bình luận: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng”, và “Hình thành được quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là thành tựu lý luận đặc biệt quan trọng, là kết quả của quá trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI.

Vào thời điểm này, tình hình kinh tế xã hội của đất nước đang đối mặt với những thách thức và khó khăn gay gắt: sản xuất trì trệ, lưu thông rối ren, mất cân đối lớn trong nền kinh tế, 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ.

Trước tình hình này, Đảng ta cho rằng, muốn làm tròn trách nhiệm của mình “Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế”. Đổi mới tư duy không chỉ là đổi mới phương pháp, nội dung tư duy mà còn phải đổi mới quan niệm…”.

Trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhất là tư duy kinh tế, từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về CNXH và thời kỳ quá độ lên CNXH, từng bước khắc phục được những quan niệm giản đơn, không phù hợp trong kinh tế như: nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế, đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản…

Ngày 27.3.2021, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với sự tham gia của gần 1 triệu đảng viên Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng có nói, trong quá trình tuyên truyền phải kịp thời lý giải những băn khoăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung nghị quyết.

“Kịp thời uốn nắn những nhận thức chưa đúng, chủ động định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận tích cực trong xã hội. Kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch”- ông Thưởng nhấn mạnh.

Trước những biến động lớn đang diễn ra trên toàn cầu, Việt Nam không mong gì hơn ngoài ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh và giá trị của hoà bình, như chính Tổng Bí thư chỉ rõ: “Cho đến nay vẫn có hàng triệu người chịu các bệnh hiểm nghèo và hàng trăm ngàn trẻ em bị dị tật bẩm sinh bởi tác động của chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia, phải mất đến hơn 100 năm nữa Việt Nam mới có thể dọn sạch hết bom mìn còn sót lại sau chiến tranh”. Còn với các nhà “dân chủ, cấp tiến”, có kẻ cũng cần nhắc lại nhận xét của một kỹ sư hoá học đồng thời là nhà văn đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, ông viết: “Ở Việt Nam hiện nay không có một nhà dân chủ nào tử tế cả, họ lớn tiếng chỉ vì quyền lợi của cá nhân họ”.

An Châu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục