Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Tinh giản” đảng viên - vì một tổ chức vững mạnh
Bài 4: Chỉnh đốn đảng - một đòi hỏi khách quan
Thứ bảy: 00:13 ngày 30/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chăm lo xây dựng Đảng, thường xuyên củng cố nâng cao sức mạnh của Đảng là một bảo đảm cơ bản quyết định con đường đi đúng đắn của dân tộc.

Mệnh vận dân tộc đã trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam sứ mệnh lãnh đạo đất nước, dẫn dắt dân tộc. Là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ý thức sâu sắc về sự tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao trình độ trí tuệ và phẩm chất mọi mặt của mình. Chăm lo xây dựng Đảng, thường xuyên củng cố nâng cao sức mạnh của Đảng là một bảo đảm cơ bản quyết định con đường đi đúng đắn của dân tộc.

Ngăn chặn suy thoái

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có in một bài viết (bài này đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 2 năm 1996) với tiêu đề: “Xây dựng Đảng - đánh giá thế nào cho đúng”.

Thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đang làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã cảnh báo: “Nếu không có biện pháp tích cực đổi mới, chỉnh đốn Đảng thì Đảng rất dễ bị biến chất”. Năm 2015, một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, có đoạn: “Quyền lực luôn có mặt trái là nó làm tha hoá những người nắm giữ và sử dụng quyền lực nếu như họ không đủ độ chín về nhân cách.

Quyền lực càng lớn thì nguy cơ tha hoá càng nhiều. Người giữ chức vụ càng cao trong bộ máy quyền lực thì đối mặt với nguy cơ càng lớn về sự tha hoá. Một người khi giữ chức vụ thấp hơn thì nguy cơ tha hoá ít hơn và ngược lại”. Như vậy, đối với một đảng cầm quyền, việc thường xuyên tự đổi mới, đặc biệt tự chỉnh đốn là một yêu cầu khách quan, có tính quy luật.

Năm 2008, lúc đang ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, trong một bài viết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng, xây dựng Đảng vô cùng quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, công tác xây dựng Đảng lại càng quan trọng.

Đảng đã nhiều lần phân tích, đánh giá là hiện nay (thời điểm năm 2008) tình hình Đảng ta và công tác xây dựng Đảng bên cạnh những mặt tốt, cũng còn không ít yếu kém, khuyết điểm. “Trình độ đã đáp ứng được yêu cầu chưa? Phẩm chất đạo đức thế nào? Tham nhũng, tiêu cực hình như càng nói chống thì càng phình ra; quan hệ với dân thì hình như có chiều xa cách, uy tín giảm sút, nhận định như vậy có đúng không? Và nếu thế thì làm sao đủ sức chiến đấu, làm sao có đủ niềm tin, lại cộng thêm những dao động về lý tưởng nữa! Có người nói bây giờ có tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”, chỉ có chuyên môn và làm kinh tế thôi, có đúng không? Cho nên, yêu cầu đặt ra đối với chúng ta là rất lớn, sức ta chưa đáp ứng được nhiều, dù vừa qua đã rất cố gắng”- trích một đoạn trong bài viết.

Tác giả cuốn sách tại thời điểm năm 2008 đã nêu rõ, xây dựng Đảng là xây dựng về tư tưởng, tổ chức, cán bộ. “Vậy chúng ta đã có chủ trương gì về công tác tư tưởng, làm quy hoạch cán bộ như thế nào, công tác tổ chức như thế nào, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên chúng ta hiểu hết chưa.

Nếu nói chung chung và nhận định cơ bản là tốt thì dễ thôi, nhưng đi sâu vào nội tình của từng nơi thì chắc là còn nhiều việc phải làm để xây dựng con người và xây dựng tổ chức, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị”- tác giả viết. “Chúng ta đã nói nhiều về chống tham nhũng nhưng có thấy mấy chi bộ phát hiện ra đâu.

Khi bình chọn cuối năm thì hầu hết đảng viên là đủ tiêu chuẩn và chi bộ trong sạch, vững mạnh, nhưng đơn thư tố cáo thì rất nhiều và tình trạng tham nhũng có cả ở đấy. Điều đó có nghĩa gì? Do vậy, đòi hỏi một phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo nhưng phải có dũng khí chiến đấu”.

Quý hồ tinh bất quý hồ đa

Chúng ta biết, sau Cách mạng tháng Mười, Lênin- vị lãnh tụ của cuộc cách mạng sớm nhận ra vấn đề nâng cao chất lượng cán bộ trong bộ máy chính quyền, trong công tác xây dựng Đảng. Ðể xây dựng hệ thống chính quyền và đội ngũ cán bộ theo tinh thần “thà ít mà tốt”, Lênin đề ra những quy định nghiêm khắc trong sinh hoạt Ðảng, về sau đã trở thành quy định đối với toàn bộ hoạt động của Ðảng. Theo quan điểm của Lênin, thương yêu, bồi dưỡng cán bộ là điều không thể thiếu nhưng không vì thế mà buông lỏng kỷ luật đối với cán bộ, “phải gạt bỏ ra khỏi đảng những phần tử đã quan liêu hoá”. Trong thư gửi Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Nga ngày 18.3.1922, Lênin yêu cầu phải xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, nếu các thẩm phán xét xử vụ án không chấp hành chỉ thị của Ðảng, sẽ bị đuổi việc.

Ở nước ta, khi lãnh đạo cả một dân tộc đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, toàn quốc chỉ có hơn năm ngàn đảng viên. Không nên phiến diện nhưng điều này chứng minh rằng, một tổ chức vững mạnh, trước hết từng thành viên của tổ chức đó phải có phẩm chất tốt. Tất nhiên, để có một tổ chức tốt không phải điều dễ dàng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ điều này trong cuốn sách của mình. Theo tinh thần đó, xây dựng Đảng là vấn đề xây dựng tổ chức, xây dựng con người, rất nhạy cảm về chính trị, cho nên không thể nôn nóng, giản đơn. Phải tiến hành tích cực, không né tránh, đồng thời có bước đi và phương pháp thích hợp. Xây dựng Đảng là vấn đề rất khó, vì vừa phải xây dựng tổ chức, vừa phải xây dựng con người. Mà con người, như Goócki nói: “Hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao”. Nhưng con người, như tục ngữ ta nói cũng đủ thứ, ta biết con người là thế nào rồi, “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu!”. Nhìn người khác thấy khuyết điểm rất rõ, nhìn khuyết điểm của chính mình thì rất khó.

Tháng 5.2022, tại hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói thẳng: “Những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần”. Công cuộc xây dựng đất nước đang đòi hỏi mỗi đảng viên phải là một người lao động giỏi, lãnh đạo và quản lý giỏi trên lĩnh vực công tác được giao. Nếu trước đây, trong cách mạng dân tộc dân chủ, đảng viên nêu gương trong cuộc đấu tranh giữa cái sống và cái chết, phấn đấu hy sinh để giải phóng đất nước, giành chính quyền, thì ngày nay, đảng viên phải nêu gương chấp hành các chính sách và pháp luật của Nhà nước. Sức mạnh vô địch của Đảng là ở mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân. Đảng chủ trương phát huy mạnh dân chủ, coi dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Mỗi đảng viên, trước hết đảng viên là cán bộ lãnh đạo, có chức có quyền, phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của dân, chăm lo đời sống hằng ngày của quần chúng, tìm hiểu nguyện vọng và lắng nghe ý kiến quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, gia trưởng, độc đoán, đặc quyền đặc lợi, trù dập, ức hiếp quần chúng và mọi hành vi vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.

Đảng viên phải có ý thức kỷ luật

Sức mạnh của Đảng là ở tính thống nhất: thống nhất ý chí, thống nhất quan điểm, thống nhất hành động. Nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất của Đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, bất cứ ở cương vị nào đều phải tôn trọng và chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng viên có trách nhiệm tích cực tham gia thảo luận các vấn đề thuộc về đường lối, chủ trương của Đảng, có quyền chất vấn, tranh luận một cách thẳng thắn, đồng thời chú ý lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Khi đã thành quyết định của tập thể thì phải nghiêm túc chấp hành. Nếu còn có ý kiến khác thì được bảo lưu hoặc trình bày, báo cáo lại theo đúng nguyên tắc tổ chức.

Đảng viên không được tự ý làm trái hoặc trì hoãn không thi hành nghị quyết của tập thể hoặc của cấp trên, không được phát ngôn bừa bãi hoặc truyền đạt những ý kiến, quan điểm riêng của mình ngoài các hội nghị của Đảng. Trường hợp một đảng viên thấy nghị quyết sai hoặc có điểm sai, thì thái độ đúng đắn nhất là kịp thời và thẳng thắn trình bày ý kiến của mình với tổ chức có thẩm quyền. Nếu ý kiến vẫn chưa được chấp nhận thì đảng viên đó có quyền được bảo lưu, nhưng phải phục tùng tổ chức, phải thi hành nghị quyết của tổ chức.

Việt Đông - Hoàng Yến

“Đảng của chúng ta khác với nhiều đảng cộng sản, công nhân trên thế giới. Ngay từ khi mới ra đời, bản thân nó đã là “đứa con nòi” của dân tộc. Đảng sinh trưởng trong lòng dân tộc, đảng là con em của nhân dân. Cho nên, nếu đi ngược lại quyền lợi của nhân dân thì chính là vi phạm về mặt đạo lý, đạo đức.

Thực tiễn 87 năm qua, chúng ta càng thấy rõ điều đó. Khi nào Đảng sống trong lòng quần chúng, khi nào Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, nhân dân bao bọc, chở che cho Đảng thì chừng đó Đảng vững mạnh và ngược lại”.

Nhà báo Nhị Lê- nguyên Phó tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam, năm 2017

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục