BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giá trị văn hoá, tín ngưỡng trong đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo ở Tây Ninh

Bài cuối: Bản sắc riêng trong không gian chung 

Cập nhật ngày: 16/06/2024 - 05:45

BTN - Tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hoá nhân loại, đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hoá độc hại.

Đại hội lần thứ IX của Đảng nhấn mạnh: “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc, các giá trị văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết và thuần phong mỹ tục của các dân tộc; tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh; khai thác các kho tàng văn hoá cổ truyền. Tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hoá nhân loại, đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hoá độc hại”.

Đồng bào Khmer tại Tây Ninh rộn ràng đón Tết Chol Chnam Thmay 2024 (Ảnh: Đặng Thế Anh)

Văn hoá dân tộc thiểu số trong một Việt Nam thống nhất

Ngày 12.3.2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc. Quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu rõ: “gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất”. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách đã được xác định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình, tăng cường các hoạt động văn hoá, thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở, tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng các tiếng dân tộc thiểu số, làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp trong văn hoá của các dân tộc”.

Tháng 10.2019, Bộ Chính trị chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12.3.2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30.10.2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trong đó, nhiệm vụ thứ năm trong 8 nhiệm vụ có nêu: “Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ bảo tồn các công trình di tích lịch sử văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số”.

Sau 17 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số về tiếng nói, chữ

viết, trang phục, lễ hội, phong tục, tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống... được quan tâm. Hiện có 3 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày các giá trị di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Giai đoạn 2006 - 2012, tu bổ tôn tạo 1.280 di tích vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giai đoạn 2016-2018, có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hoá - danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số đã được xếp hạng di tích quốc gia. Đến nay đã thực hiện được 407 dự án sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc Việt Nam. Có 145 di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc thiểu số được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Sau hai đợt xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước (năm 2015 và 2019), đã có 559 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước phong tặng/truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước.

Việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được thực hiện thông qua các hình thức như tổ chức các ngày lễ hội, giao lưu văn hoá cấp vùng, miền, khu vực và của từng dân tộc; mở các lớp truyền dạy văn hoá phi vật thể; các thư viện địa phương, bộ tài liệu phù hợp với đặc điểm dân cư phong tục, tập quán của các dân tộc trên địa bàn; các xuất bản phẩm phục vụ trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được khuyến khích, hỗ trợ đầu tư; tủ sách cho các thư viện công cộng và tủ sách văn hoá dân tộc ở cơ sở được tăng cường, các xuất bản phẩm song ngữ bằng tiếng dân tộc và tiếng phổ thông.

Các ngày lễ hội, giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và hoạt động văn hoá, nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số đã thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống đặc sắc, góp phần phục hồi, phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống của mỗi địa phương, khơi nguồn sáng tạo trong cộng đồng các dân tộc.

Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong cả nước tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá có ý nghĩa thiết thực cùng hàng ngàn hoạt động văn hoá truyền thống như dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống với nội dung phong phú, đặc sắc của 53 dân tộc trên 63 tỉnh/thành, nhằm tái hiện đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của các dân tộc. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến năm 2020, tiếp tục công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử văn hoá quốc gia; phong tặng, truy tặng 559 nghệ nhân dân gian là người dân tộc thiểu số.

“Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Có biện pháp quyết liệt để xoá bỏ tình trạng tảo hôn, chấm dứt sớm hôn nhân cận huyết thống. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện nghiêm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy vai trò tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội” (trích Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới).

Thực hiện chủ trương về chính sách dân tộc của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, đặc biệt có chính sách “cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn”. Gần đây nhất, Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 9.1.2019 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2019-2021 đã huy động sự vào cuộc của 19 đơn vị báo, tạp chí nhằm thông tin, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính sách nêu trên đem lại hiệu quả trên các mặt đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền bình đẳng trong tiếp cận, thụ hưởng thông tin, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Múa mâm vàng nhân Lễ vía Quán Thế Âm Bồ tát đản sanh trên đỉnh núi Bà Đen (Ảnh: Hải Triều)

Ngôn ngữ - linh hồn của văn hoá dân tộc

Trong số 54 dân tộc Việt Nam, có 16 dân tộc có dân số dưới mười ngàn người, thậm chí, 5 dân tộc có số dân chỉ dưới 1.000 người- là những dân tộc khó có khả năng và điều kiện tự bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc mình. Thách thức đầu tiên phải kể đến là khả năng đánh mất ngôn ngữ truyền thống- linh hồn của văn hoá dân tộc, cũng là phương tiện để truyền tải, trao truyền nghệ thuật, phong tục, tập quán của các tộc người. Việc đào tạo, truyền dạy, bảo tồn và khôi phục văn hoá truyền thống đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai sâu, rộng trong thực tế. Tuy nhiên, trước sự giao lưu, tiếp biến văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số đã và đang bị mai một, lãng quên.

Văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số là những giá trị vật chất, tinh thần được tích tụ gìn giữ trong toàn bộ quá trình lịch sử phát triển các dân tộc thiểu số. Trong dòng chảy toàn cầu hoá, bảo tồn văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số nhằm lưu giữ tính đa dạng của văn hoá Việt Nam, làm phong phú kho tàng văn hoá thế giới, giúp tăng cường khai thác nguồn tài nguyên văn hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Trong quá trình lịch sử, vấn đề dân tộc nói chung, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số nói riêng luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nêu: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Việt Đông - Hoàng Yến

Tin liên quan
  • Bài 1: “Đạo chúng tôi dạy con người hướng thiện” 

    Bài 1: “Đạo chúng tôi dạy con người hướng thiện”

    Văn hoá các dân tộc thiểu số ở nước ta vừa thống nhất vừa đa dạng. Tính thống nhất biểu hiện ở quá trình đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi, ở ý thức quốc gia và trong lối sống, cách ứng xử...