Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Công an Tây Ninh: Nỗ lực đẩy lùi tội phạm trộm cắp
Bài cuối: Cảnh giác khi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có
Thứ hai: 16:09 ngày 30/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc tiêu thụ, mua bán các loại tài sản trên là hành động tiếp tay cho bọn tội phạm có thêm động cơ thực hiện hành vi phạm tội.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, với tâm lý chuộng rẻ, một bộ phận người dân thích mua và sử dụng tài sản có được do người khác phạm tội mà có (hành vi trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản). Việc tiêu thụ, mua bán các loại tài sản trên là hành động tiếp tay cho bọn tội phạm có thêm động cơ thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, khi đấu tranh với tội phạm trộm cắp tài sản phải đồng thời đấu tranh với hành vi cố ý tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Công an đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân.

Ngày 29.5.2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Tây Ninh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can N.K.H (sinh năm 1985, ngụ khu phố 2, phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành) về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trước đó, Công an Thành phố tiếp nhận tin báo của người dân về việc bị mất trộm tài sản với số tiền lớn.

Qua khám nghiệm hiện trường, trích xuất camera, Công an xác định được đối tượng khả nghi, tiến hành mời làm việc N.H.N (sinh năm 2010, ngụ thị xã Hoà Thành). Tại cơ quan Công an, N thừa nhận do cần tiền tiêu xài nên đến khu vực khu phố 1, phường 2, thành phố Tây Ninh lợi dụng sơ hở của người dân để lấy trộm tiền. Sau khi lấy trộm tài sản, N về nhà nói với mẹ là bà N.K.H. Biết con gái trộm tài sản đem về, bà H không những không can ngăn mà còn đồng tình, cả hai dùng tiền trộm cắp đi mua sắm tài sản và tiêu xài cá nhân.

Hay mới đây, Công an huyện Tân Biên đang tạm giữ hình sự 4 đối tượng H.V.T (35 tuổi), C.D.L (36 tuổi), N.H.N (30 tuổi), G.M.T (26 tuổi) để điều tra làm rõ hành vi trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Trước đó, nhận được tin báo của người dân về việc bị mất 1 chiếc xe mô tô có giá trị. Công an huyện Tân Biên nhanh chóng điều tra xác minh, sàng lọc đối tượng nghi vấn, qua đó phát hiện đối tượng trộm cũng đang tìm người tiêu thụ chiếc xe vừa trộm được ở khu vực huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Công an huyện nhanh chóng cử tổ công tác phối hợp Công an Thành phố Hồ Chí Minh chốt chặn, bắt giữ H.V.T khi đang mang xe vừa trộm được bán cho C.D.L. Khám xét nhà của L, Công an thu giữ 8 xe mô tô, 3 điện thoại di động cùng nhiều dụng cụ, đồ vật khác.

Cán bộ dán bảng thông tin, số điện thoại của Công an xã để người dân kịp thời tố giác tội phạm.

Để chủ động đấu tranh với tội phạm tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, ngay từ đầu năm, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia phòng chống tội phạm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt.

Tại các địa phương, Cảnh sát khu vực thường xuyên rà soát, xác định số lượng, quy mô, phạm vi hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là cửa hàng mua bán đồ cũ, linh kiện, phụ tùng xe, điện thoại, cơ sở kinh doanh vàng bạc, dịch vụ cầm đồ…

Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Phong- Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, Tây Ninh có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, tình hình tội phạm tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đặc biệt là tiêu thụ xe mô tô sang Campuchia còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Cục Cảnh sát hình sự và các lực lượng khác bắt giữ 4 đối tượng tiêu thụ xe sang Campuchia với số lượng phương tiện tiêu thụ rất nhiều. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 10 vụ, 13 bị can về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Công an còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chấp hành đúng quy định của pháp luật nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý cư trú đối với số công nhân, lao động ngoại tỉnh, nhân viên hoạt động tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động các cơ sở lưu trú, kho hàng, bến bãi… để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm, không để hình thành các điểm tập kết, trung chuyển tài sản do phạm tội mà có.

Sau khi phạm tội (trộm, cướp...), các đối tượng xấu luôn tìm cách tiêu thụ tài sản mà chúng chiếm được (mua bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp...). Người dân cần nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức nhận biết nguồn gốc tài sản để không tiếp tay cho tội phạm, không mua tài sản có nguồn gốc không rõ ràng, trôi nổi để tránh “tiền mất, tật mang”.

Tang vật bị lực lượng chức năng thu giữ.

Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 20 triệu đến dưới 100 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm.

Nếu phạm tội mà tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 7 - 10 năm. Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 - 15 năm khi tài sản, vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Có thể thấy, chế tài xử lý hình sự đối với hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có tại Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể, bảo đảm tính răn đe đối với hành vi vi phạm. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức ngăn chặn loại tội phạm này, không mua bán, trao đổi tài sản do người khác phạm tội mà có; mạnh dạn tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi và địa điểm của tổ chức, cá nhân thu mua, trao đổi tài sản phạm tội. Việc phát hiện nơi tài sản bị tiêu thụ là cơ sở, manh mối quan trọng hỗ trợ cơ quan điều tra khám phá các vụ án, xác định đối tượng thực hiện hành vi vi phạm.

Phương Thảo - Hà Thuỷ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục