Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đại đoàn kết dân tộc trước biến động của thế giới
Bài cuối: Cùng đi trên một con đường
Thứ bảy: 08:39 ngày 09/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ.

Lễ dâng đăng rằm tháng Giêng trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Hải Triều

Trong một bài nói chuyện vào năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”.

“Cầu đồng, tồn dị”

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ bi của đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”. “Đồng bào ta, lương cũng như giáo, đoàn kết kháng chiến, ủng hộ chính sách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng tức là làm đúng lời dạy của Chúa Giêsu, tức là thật thà tôn kính Chúa Giêsu” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 8, tr. 375). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, đồng bào các tôn giáo đi cùng với cả dân tộc trên một con đường. Con đường đó là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tinh thần của Chúa, của Phật và cũng là cái đích mà lý tưởng XHCN hướng tới - giải quyết vấn đề con người.

Trong một quốc gia luôn tồn tại nhiều tầng lớp dân cư, mỗi giai tầng có nhu cầu, nguyện vọng, đặc điểm đời sống, tâm lý, theo những tín ngưỡng, tôn giáo, thuộc thành phần những dân tộc khác nhau. Do vậy, để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, Đảng phải chú trọng tìm điểm tương đồng, tôn trọng những khác biệt không trái với lợi ích dân tộc, chủ trương giải quyết những mâu thuẫn về lợi ích phù hợp thì mới thực sự huy động được sức mạnh của mọi người dân. Trong kháng chiến, thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước, cơ sở để thực hiện đoàn kết tôn giáo là lợi ích quốc gia - dân tộc, trong đó mục tiêu đánh đổ đế quốc, thực dân để giành độc lập dân tộc là tối thượng. Ngày nay, quan điểm ấy vẫn còn nguyên giá trị nhưng được phát triển bằng nhận thức về điểm tương đồng là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội XIII của Đảng chủ trương “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”, qua đó góp phần “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Những điều vừa trình bày thể hiện sự nhất quán trong nhận thức về đặc trưng bản chất tổng quát của chủ nghĩa xã hội mà Đảng thể hiện từ Đại hội VII (1991). Đồng thời, để giải quyết những mâu thuẫn về lợi ích, Đảng cho rằng cần đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung, thông qua việc giải quyết lợi ích chung của quốc gia mà thoả mãn lợi ích chính đáng của mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc, tôn giáo.

Để đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng trước hết phải thực hiện khoan dung đối với các tôn giáo. Theo Hồ Chí Minh, khoan dung tôn giáo biểu hiện rõ nhất ở việc triệt để tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào có đạo. Ngay sau khi giành được độc lập, Người đã đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. Chúng ta biết, tại lễ ra mắt Đảng Lao động Việt Nam ngày 3.3.1951, Người khẳng định: “… Về vấn đề tôn giáo thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người”. Trong cuốn sách “Đối diện với Hồ Chí Minh”, Jean Sainteny (đại diện Chính phủ Pháp ký kết Hiệp định sơ bộ 6.3.1946) nhận xét: “Về phần tôi, phải nói rằng chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi các chương trình của cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù rất nhỏ, của sự công kích, đa nghi, hoặc chế giễu đối với một tôn giáo bất kỳ nào”. Nhờ đức khoan dung trong ứng xử với tôn giáo, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vượt trên những thủ đoạn xuyên tạc, vu khống thâm độc của kẻ thù để đoàn kết toàn dân, tập trung lực lượng kháng chiến và kiến quốc thành công.

So với Đại hội XII, Đại hội XIII không chỉ chủ trương “kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” mà còn phải làm tốt công tác “vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mặt khác, “xử lý hài hoà các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bức xúc xã hội, không để xảy ra các “điểm nóng”. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, thực tiễn tình hình an ninh trên lĩnh vực tôn giáo trong nước và phương thức, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch hiện nay.

Thực hiện nguyên tắc “cầu đồng, tồn dị”, không chỉ “cầu đồng”, mà còn phải “tồn dị”, tức chấp nhận và tôn trọng những cái khác biệt, miễn không tổn hại đến cái chung. “Tồn dị” thể hiện tinh thần khoan dung, độ lượng, hay nói theo cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “khoan hồng đại độ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tôi cả quyết cam đoan rằng Chính phủ và đồng bào ta sẽ hết sức khoan hồng đại độ. Chẳng những để cho những người đó cải quá tu tâm, quay về với Tổ quốc, mà lại sẵn sàng trọng dụng họ, nếu những người đó có tài nghệ. Một dân tộc đã tự cường, tự lập, dân chủ cộng hoà thì không làm những việc nhỏ nhen, báo thù báo oán”.

Vì nghĩa lớn, gác lại tình cảm riêng tư

Khoan hồng đại độ không chỉ thể hiện cái tâm, còn thể hiện cái tầm của chủ thể đại đoàn kết. Lần giở lại những trang sử, hẳn nhiều người đã biết đến câu chuyện “lá thư đặc biệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng- một người Công giáo có con trai hy sinh trong chiến đấu. Để bạn đọc tiện theo dõi, khái quát câu chuyện như sau: Tháng 1.1947, mở đầu cho cuộc kháng chiến lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi hay tin con trai của bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Người đã viết một bức thư gửi gia đình vị bác sĩ- một người Công giáo. Trong thư, Bác viết: “Tôi được báo cáo rằng, con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh, để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất họ mất, nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn còn với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ. Ngài đã đem món của quý báu nhất, là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc chắn ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà, thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng”. Sau năm 1954, bác sĩ Vũ Đình Tụng và gia đình trở về sống ở Hà Nội. Năm 1973, ông qua đời. Như có linh cảm về sự ra đi đột ngột này, mấy tháng trước ông đã trao lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho con trai cả và nói: “Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc, cha trao lại cho con cất giữ cẩn thận, chu đáo. Lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử đấy con ạ”. Ngày 10.3.1985, anh Vũ Đình Tuân, con trai cả của bác sĩ Vũ Đình Tụng mang bức thư tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để phục vụ khách tham quan nghiên cứu và học tập.

Tư tưởng, quan điểm của vị lãnh tụ thể hiện rất rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19.12.1946. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thực chất cũng là lời kêu gọi đại đoàn kết toàn dân tộc. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, bỏ qua những tình cảm riêng tư, tất cả đoàn kết để từ đó tạo ra sức mạnh có thể “cuốn phăng bè lũ cướp nước và bán nước”. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự kế thừa kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của tổ tiên ta, trong đó phải kể đến bài Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ở thế kỷ XIII, lúc nhà Trần đối mặt cuộc xâm lăng khổng lồ, thiện chiến của quân Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục