Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đất và người Tây Ninh trong mùa xuân đại thắng 1975
Bài cuối: Ngày lịch sử vẻ vang trên quê hương trung dũng, kiên cường
Thứ sáu: 21:14 ngày 03/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ba mươi năm đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của những kẻ địch “siêu cường” trên thế giới của quân dân ta đã kết thúc thắng lợi như thế. Ngày 30.4.1975 đã trở thành ngày lịch sử vẻ vang của cả nước và của tỉnh ta.

Bước sang tháng tư lịch sử năm 1975, sau những trận đánh lừng lẫy gìn giữ núi Bà Đen cách mạng đã giành lại trọn vẹn từ ngày 7.1; giải phóng dải đất hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông cặp biên giới huyện Bến Cầu và ba xã cánh Tây Trảng Bàng 15.3; giải phóng khu vực Mỏ Công - Suối Ông Đình đổ dài xuống ngã ba Vịnh thuộc huyện Tân Biên (cũ) ngày 22.3, khép một vòng cung đến tận Bến Củi thuộc huyện Dương Minh Châu và kết quả đợt 2 Chiến dịch mùa xuân 1975 giải phóng các địa phương cặp sông Sài Gòn đến phần phía Đông xã Thạnh Đức thuộc huyện Gò Dầu cũng trong những ngày cuối tháng 3, xem như vùng tạm chiếm tỉnh Tây Ninh của chế độ Sài Gòn lúc này chỉ còn lại khu vực thị xã Tây Ninh (vùng thị tứ Thái Hiệp Thạnh) nối với vùng Toà Thánh - Long Hoa toả ra bán kính khoảng 5 km.

Giải phóng quân tiến vào thị xã Tây Ninh ngày 29.4.1975- ký hoạ Võ Đồng Minh, tư liệu của Nguyễn Quốc Việt.

Ở những nơi quân địch gọi là còn kiểm soát được chỉ là một số điểm dân cư dọc con đường kết nối giữa Tây Ninh - Sài Gòn là quốc lộ 1 tiếp nối quốc lộ 22 cũ (tức quốc lộ 22B hiện nay), nhưng cũng đã bị quân ta ép sát và chặn đứng bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Có thể nói tỉnh Tây Ninh của chế độ Sài Gòn đã hoàn toàn bị cô lập, mất kiểm soát. Các đơn vị quân đội Sài Gòn trúng “kế nghi binh” của Bộ Tư lệnh Miền Quân giải phóng từ đầu chiến dịch, như Sư đoàn 25, Liên đoàn 33 Biệt động quân, Liên đoàn 81 Biệt cách Dù… và lực lượng của Tiểu khu Quân sự Tây Ninh đã bị cầm chân, nằm “chết gí” ở những nơi chúng đóng quân chung quanh thị xã Tây Ninh.

Trong khi đó, về phía cách mạng, từ đầu tháng tư năm 1975, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã lãnh đạo lực lượng vũ trang tỉnh làm tốt nhiệm vụ tổ chức đánh liên tục kềm chân các đơn vị địch, không để chúng tháo chạy về Sài Gòn, nhằm góp phần tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của ta tấn công giải phóng Sài Gòn. Đồng thời, Tỉnh uỷ khẩn trương đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ “tự lực giải phóng địa phương”- tức là tổ chức và lãnh đạo “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh” trong chiến dịch cuối cùng vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. 

Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005) ghi rõ: “Với khí thế vô cùng sôi nổi, chỉ trong vòng 20 ngày từ ngày 4 đến ngày 24.4 trên 3.000 thanh niên, trung niên, tình nguyện lên đường tham gia lực lượng vũ trang. Ta tổ chức được 9 tiểu đoàn mới, trong đó có 2 đại đội là tín đồ đạo Cao Đài. Các tiểu đoàn 20, 22, 24, 26 bổ sung vào lực lượng chủ lực của tỉnh, 5 tiểu đoàn còn lại gồm Tân Biên 1 tiểu đoàn, Châu Thành 2 tiểu đoàn, Trảng Bàng 2 tiểu đoàn. Ngoài ra Tân Biên còn thành lập thêm 13 đại đội độc lập. Như vậy ở thời điểm đó, toàn tỉnh có 12 tiểu đoàn. Du kích xã cũng được phát triển khá mạnh, có xã quân số lên đến đại đội, xã ít nhất cũng có 20 du kích. Nhân dân hết lòng ủng hộ bộ đội, tổ chức đón rước, bố trí bảo vệ địa bàn đứng chân của bộ đội, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để bộ đội giành chiến thắng”.

Ngày 26.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, chung quanh “thủ đô Sài Gòn” của chế độ tay sai gọi là Việt Nam cộng hoà, 5 cánh quân giải phóng đã áp sát vùng ven đô. Trong đó có 2 cánh Tây Bắc là lực lượng Quân đoàn 4 và cánh Tây-Tây Nam là lực lượng Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) tiến về Sài Gòn theo hai hành lang phía Đông và phía Tây tỉnh Tây Ninh. Ở “tuyến giữa” của tỉnh từ tỉnh lỵ Tây Ninh đến Suối Sâu, Trảng Bàng dọc quốc lộ 22 là vùng trách nhiệm của lực lượng địa phương thuộc Ban Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Tây Ninh. Đơn vị chủ công mũi nhọn là Tiểu đoàn 14 anh hùng cùng hai tiểu đoàn 16 và 18 đánh bứt cầu Bàu Nâu, xã Thạnh Đức, Gò Dầu. Quân ta lập thế trận chờ chặn đánh Trung đoàn 46, thuộc Sư đoàn 25 nguỵ rút chạy về Sài Gòn, nhưng cho đến hôm sau 27.4 vẫn không thấy bóng dáng kẻ địch trên đường 22.

Sáng 28.4, trong lúc hai tiểu đoàn 16, 18 tiếp tục chốt chặn tại Bàu Nâu, Tiểu đoàn 14 cùng Tiểu đoàn 20 quay sang hướng Nam Toà thánh bao vây Tiểu đoàn 352 Địa phương quân của Tiểu khu Tây Ninh nguỵ đang “núp bóng cửa thiền” tại nhà tịnh Trí Huệ Cung, ta chiếm lĩnh cầu Đoạn Trần Kiều và tấn công đồn Trường Xuân của địch. Lực lượng ta với khí thế quyết chiến ngút trời đã giành thắng lợi nhanh chóng, kẻ địch tan tác hàng ngũ, vứt vũ khí, trút bỏ hết quân trang tháo chạy tán loạn len lỏi trong đất nhà dân về hướng Long Hoa. Tiểu đoàn 14 nhắm hướng mục tiêu cuối cùng là Tiểu khu Tây Ninh tiếp tục tiến quân. Viết về những ngày này, tài liệu lịch sử “Tiểu đoàn Mười bốn Tây Ninh” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có những dòng rất biểu cảm: “Theo kế hoạch, đêm hôm đó (28.4.1975 - NV) tiểu đoàn hành quân tiến công đồn Quy Thiện, đánh địch ở khu chợ Long Hoa rồi tiến thẳng vào tiểu khu Tây Ninh. Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Sáu Lương (Đại tá Nguyễn Lương, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tây Ninh - NV) và các đồng chí Chín Xem, Thành, Dũng Á, Nại, Ba Đời trong Ban Chỉ huy tiểu đoàn đi sát từng đại đội, trung đội để chỉ huy. Các đồng chí rất tâm đắc nhắc lại lời Tỉnh đội trưởng Hai Dương (Thiếu tướng Nguyễn Thanh Dương, tức Nguyễn Ngọc Điệp, người chỉ huy thao lược của lực lượng vũ trang Tây Ninh suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ -NV) nhận định năm, sáu năm trước: “Sau này tiểu đoàn 14 sẽ từ cửa ngõ Gò Dầu - Nam Toà Thánh tiến vào giải phóng thị xã Tây Ninh”.

Cũng trong ngày 28.4, ở phía Nam tỉnh Tây Ninh, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện Trảng Bàng chứng kiến đoàn quân chủ lực Miền cánh Tây Bắc cùng xe tăng và vũ khí, khí tài hiện đại rầm rộ đi qua để xuống Củ Chi, sang Hậu Nghĩa, ai cũng nức lòng hởi dạ nôn nao hướng đến ngày chiến thắng sau cùng. Thực hiện kế hoạch của tỉnh và của Huyện uỷ, sáng ngày này, Tiểu đoàn 1- cánh Đông của lực lượng vũ trang huyện dùng 2 đại đội đánh vào Chi khu Trảng Bàng đóng tại trung tâm thị trấn huyện; 1 đại đội kết hợp cùng du kích và nhân dân các xã Gia Lộc, Lộc Hưng bao vây bức hàng nhiều đồn, bót địch đóng trên địa bàn. Ngày 29.4, du kích An Tịnh cùng nhân dân nổi dậy bao vây cả chục đồn địch đóng rải rác ở các ấp trong xã, buộc quân địch buông súng đầu hàng; cùng lúc đó, quân địch trong các đồn Gia Bình, Tha La (xã An Hoà) trước sức ép của lực lượng nổi dậy cũng đầu hàng, tan rã tại chỗ. Đúng 16 giờ, lá cờ giải phóng được quân dân ta cắm lên nóc dinh quận trưởng nguỵ quyền Trảng Bàng tung bay trong ánh ráng chiều rực rỡ báo hiệu xứ Trảng anh hùng đã được giải phóng trước toàn tỉnh một ngày. Đặc biệt, trước đó, ngày 28.4 trên địa bàn huyện Trảng Bàng, có một đơn vị quân Sài Gòn là Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 50, Sư đoàn 25 nguỵ (viết tắt là Tiểu đoàn 1/50) cùng Thiết đoàn 10 xe tăng địch trước đó đã trú đóng ở “chặn đà tiến quân của Quân giải phóng” ở Lộc Giang (tỉnh Long An, giáp ranh Trảng Bàng) được lệnh rút về căn cứ Đồng Dù của Sư đoàn 25. Chỉ huy tiểu đoàn này là Thiếu tá Lê Quang Ninh “tình nguyện” kéo bộ binh đi trước 2 giờ đồng hồ để mở đường cho Thiết đoàn 10 đi sau. Khi dừng quân ở đình Gia Lộc, Thiếu tá Ninh mời Ban Chỉ huy tiểu đoàn cùng các đại đội trưởng đến họp và thuyết phục họ “tự cứu mình” khỏi chết trong những ngày cuối của cuộc chiến bằng con đường ly khai quân đội Sài Gòn về với Quân giải phóng. Sau khi hiểu được chính sách của cách mạng, các cấp chỉ huy Tiểu đoàn 1 đều đồng ý theo Thiếu tá Ninh làm binh biến, kéo đến đầu hàng Trung đoàn 98 Quân giải phóng tại ấp An Thành, xã An Tịnh, Trảng Bàng. Sau đó, Thiếu tá Ninh còn dùng máy truyền tin vô tuyến kêu gọi các đơn vị quân đội nguỵ ở tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn buông súng về với cách mạng. Thật ra, Thiếu tá Lê Quang Ninh chính là điệp viên bí số 110 của Ban Binh vận Trung ương Cục, được kết nạp Đảng từ năm 1963 tại Ban Binh vận tỉnh Mỹ Tho. Với thành tích công tác binh vận ở Trảng Bàng kể trên ngày 7.5.1975, ông Ninh cùng Tiểu đoàn 1/50 đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ trao tặng “Huân chương Giải phóng hạng Ba cho toàn thể 500 nghĩa binh của Tiểu đoàn 1/50”.

Ngày 30.4.1975, các mũi tiến công trong chiến dịch giải phóng Tây Ninh đồng loạt tiến về vùng thị xã Tây Ninh và Toà Thánh - Long Hoa, vừa tác chiến vừa kêu gọi quân địch đầu hàng. Tài liệu lịch sử “Tiểu đoàn Mười bốn Tây Ninh” ghi rõ: “10 giờ 30 phút, khi chỉ huy sở tiểu đoàn gần đến chợ Long Hoa, Tỉnh đội phó Năm Nghĩa (Nguyễn Thành Nghĩa) gặp và báo cho Tiểu đoàn trưởng Sáu Lương biết tên đại tá tỉnh trưởng Bùi Đức Tài đã liên lạc bằng vô tuyến với ta xin đầu hàng. Ta cũng nắm được ngày hôm đó bọn chỉ huy sư đoàn 25 mấy lần gây gổ với Tài, giục Tài rút lực lượng về Đồng Dù lập tuyến phòng ngự, nhưng Tài không chịu, chỉ đợi đầu hàng. Tiểu đoàn trưởng Sáu Lương xin ý kiến đồng chí Tư Ngữ (Thượng tá Phạm Việt Ngữ), cán bộ của tỉnh đi với tiểu đoàn, rồi cho bộ đội dừng lại tại Báo Quốc Từ và cho đại diện của địch gặp.

Đúng 11 giờ trưa, tên thiếu tá tiểu khu phó Sanh dùng xe Jeep từ đường Giang Tân đến gặp đồng chí Tư Ngữ và đồng chí Sáu Lương trao đổi sơ bộ về việc xin đầu hàng của chúng. Và đêm hôm đó 30.4.1975, đến lượt tên đại tá tiểu khu trưởng Bùi Đức Tài và thiếu tá tiểu khu phó Sanh cùng đại diện Ban chỉ huy Tỉnh đội - các đồng chí Tư Ngữ, Năm Hùng (Đại tá AHLLVTND Trần Nam Hùng) và Ban chỉ huy tiểu đoàn 14 - các đồng chí Sáu Lương, Ba Đời chính thức thống nhất các thủ tục đầu hàng của địch. Sau đó 30 phút mọi người đều nghe trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống nguỵ quyền VNCH Dương Văn Minh.

Cũng trong ngày 30.4.1975, thiếu tá Sanh đã đưa 12 xe GMC chở tiểu đoàn 14 vào chiếm lĩnh tiểu khu Tây Ninh của chúng. Thị xã Tây Ninh coi như đã hoàn toàn giải phóng cùng lúc với sự có mặt của tiểu đoàn tại đây. Còn tàn quân của sư đoàn 25 ta cho ra hàng tại Long Hoa lúc 16 giờ cùng ngày”.

Ba mươi năm đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của những kẻ địch “siêu cường” trên thế giới của quân dân ta đã kết thúc thắng lợi như thế. Ngày 30.4.1975 đã trở thành ngày lịch sử vẻ vang của cả nước và của tỉnh ta - quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường.

Nguyễn Tấn Hùng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục