Kinh tế   Phát triển nông thôn

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng chất lượng trong xây dựng nông thôn mới

Bài cuối: Phấn đấu đến năm 2025, thực hiện đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 

Cập nhật ngày: 17/03/2023 - 06:02

BTN - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023, tỉnh phấn đấu đạt các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đối với huyện Bến Cầu.

Cánh đồng trồng lúa ST25 tại xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng.

Bên cạnh đó, tỉnh duy trì 61/71 xã đã đạt chuẩn NTM; 17 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tất cả các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2010-2021 tiếp tục thực hiện nâng chất lượng tiêu chí, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Phấn đấu tăng thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn đến cuối năm 2023 có 65/71 xã, chiếm 91,5%; 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (luỹ kế đến cuối năm 2023 có 25/71 xã, chiếm 33,8%); 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (luỹ kế đến cuối năm 2023 có 3/71 xã, chiếm 4,2%).

Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn phấn đấu duy trì đạt yêu cầu Bộ tiêu chí NTM các cấp giai đoạn 2021-2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên 65 triệu đồng/người/năm; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 0,5%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 90%; môi trường được bảo vệ và cải thiện, tỷ lệ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 30%.

Phấn đấu đến năm 2025 thực hiện đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra: có 71/71 xã đạt chuẩn NTM, 36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã NTM kiểu mẫu và ít nhất 50% số huyện sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên 71 triệu đồng/người/năm; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 0,5%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 90%; môi trường được bảo vệ và cải thiện, tỷ lệ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 55%.  

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua, có những khó khăn ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 vừa tăng số lượng chỉ tiêu, tiêu chí và vừa tăng mức độ yêu cầu đạt chuẩn.

Ví dụ ở tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, có yêu cầu ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực được cấp mã số vùng trồng. Hay ở tiêu chí số 14 về Y tế, yêu cầu tỷ lệ người dân tham gia sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa trên 40% dân số địa phương, tỷ lệ dân số có sổ khám bệnh điện tử trên 70%…

Sản xuất kẹo đậu phộng tại một doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Hoà Thành.

Đặc biệt ở chỉ tiêu 17.1, tiêu chí 17 thuộc Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 quy định tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ 30% trở lên từ hệ thống cấp nước tập trung, tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh tỷ lệ này chỉ đạt được 12,1%, điều này chứng tỏ hệ thống cấp nước tập trung còn khá thấp, cần được đầu tư.

Mặt khác, tỷ lệ người lao động thất nghiệp ngày càng tăng làm cho tỷ lệ người tham gia BHYT giảm, không bảo đảm theo yêu cầu của Bộ tiêu chí. Nguồn vốn thực hiện Chương trình chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, việc huy động từ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và cộng đồng dân cư còn thấp do chuyển biến thu nhập của người dân còn chậm.

Giải pháp trong thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM. Các địa phương căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021-2025 chủ động lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.

Bên cạnh đó, đa dạng hoá các nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, phân bổ hợp lý; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, công khai các khoản đóng góp của dân theo nguyên tắc tự nguyện, không được huy động quá sức dân.

Theo Sở NN&PTNT, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM là trên 11.243 tỷ đồng. Tổng mức vốn phân bổ và huy động trong năm 2021, 2022 và kế hoạch năm 2023 khoảng 7.175 tỷ đồng, chiếm 63,8% so với tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước 2.843 tỷ đồng, đạt 39,6% tổng nguồn vốn; vốn tín dụng 3.689 tỷ đồng, đạt 51,4% tổng nguồn vốn; vốn doanh nghiệp, HTX gần 300 tỷ đồng, đạt 4,1% tổng nguồn vốn; huy động đóng góp từ cộng đồng dân cư 343 tỷ đồng, đạt 4,9% tổng nguồn vốn. Nhìn chung, các nguồn vốn phân bổ cơ bản bảo đảm thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng NTM; đẩy mạnh phân cấp đầu tư, khuyến khích giao cộng đồng dân cư hưởng lợi tự thực hiện các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản theo cơ chế đầu tư đặc thù.

Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thuỷ sản để tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hạn chế ô nhiễm và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hoạt động quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với một số tiêu chí còn khó khăn, chưa hợp lý, Sở sẽ tham mưu tỉnh kiến nghị Trung ương có hướng dẫn.

Ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành cho biết, qua triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM từ năm 2011 đến nay, thị xã Hoà Thành rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Trước hết là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Chương trình. Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG các cấp cần chủ động, phát huy tính sáng tạo, sâu sát cơ sở để nắm bắt tình hình, có biện pháp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của từng địa phương. Có quy chế phân công, phân cấp rõ ràng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hằng tháng rà soát từng tiêu chí để kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, xem đây là giải pháp hàng đầu để cán bộ và nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM là người dân. Từ đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, huy động cao mọi nguồn lực của xã hội cả về trí tuệ, công sức và kinh phí để xây dựng NTM. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Trong huy động nguồn lực, đa dạng hoá việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có sự giám sát của cộng đồng, bảo đảm công khai, minh bạch. Ngoài ra, coi trọng chỉ đạo điểm và xây dựng mô hình, lựa chọn những xã điểm có ưu thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội để xây dựng điển hình.

Qua đó, đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đồng thời là nơi tham quan, học tập cho cán bộ và người dân trực tiếp nhìn thấy hiệu quả, lợi ích của việc xây dựng NTM.

Kịp thời sơ kết, tổng kết theo định kỳ, thực hiện tốt việc biểu dương, khen thưởng, động viên những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các diễn đàn về xây dựng NTM ở địa phương...

Mục tiêu năm 2023, thị xã Hoà Thành tiếp tục duy trì các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo quy định Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, phấn đấu xây dựng xã Trường Đông đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; đến năm 2024, xây dựng xã Long Thành Nam đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2025, Thị xã có 4/4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2/4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đến năm 2025 đạt trên 90 triệu đồng/người/năm.

Trúc Ly

Tin liên quan
  • Bài 1: Phong trào lan toả 

    Bài 1: Phong trào lan toả

    Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và người dân; triển khai đồng bộ, kịp thời, sâu sát, hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp.

  • Bài 2: Địa phương lúng túng trong thực hiện các tiêu chí 

    Bài 2: Địa phương lúng túng trong thực hiện các tiêu chí

    Có những chỉ tiêu các địa phương gặp khó khăn khi thực hiện như: tiêu chí 1- Quy hoạch, do các huyện chậm phê duyệt Đồ án quy hoạch chung của xã theo quy định của Bộ tiêu chí NTM các cấp giai đoạn 2021-2025.