Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tết Đoan ngọ là ngày gì? Tết Đoan ngọ bắt nguồn từ đâu? Tại sao lại gọi là ngày Tết Đoan ngọ?... đây chắc hẳn là những câu hỏi nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa về ngày Tết truyền thống của nhân dân ta.
1. Ý nghĩa và nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương, ngày mùng 5/5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại Việt Nam. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá.
Ngày 5/5 (âm lịch) gọi là Đoan Ngọ. Vì chữ “Đoan” có nghĩa là chính, là thẳng, là mở đầu. Có khi gọi là Đoan Ngũ vì có hai số 5. Người ta còn gọi là Đoan Dương hoặc Trùng Ngũ. Gọi là Đoan Dương vì số 5 thuộc dương.
Thời tiết vào dịp mồng 5 tháng năm rất nóng, ở Đông Nam châu Á, đây là thời điểm khí hậu rất nóng, côn trùng và sâu bọ nở ra nhiều, nông dân cần phải tìm cách trừ diệt để bảo vệ cho sự canh tác, trồng trọt. Có lẽ vì sự kiện này mà người ta còn xem Tết Đoan Ngọ là “ngày giết sâu bọ”.
Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam cũng còn gọi là “ngày giết sâu bọ” là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ; giun sán trong người sẽ bị chết hết.
|
Tết Đoan Ngọ của người Việt hoàn toàn không bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc. |
Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân đang ăn mừng vì trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo dày, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch.
Người dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản gồm có bánh gio, trái cây, sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục.
Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượt. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất.
Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi là "Tết Đoan Ngọ", vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
2. Cách trừ sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ
Theo quan niệm xưa, vào ngày này chúng ta phải giết sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm và giết sâu bọ bằng thức ăn, nhất là bằng rượu nếp, bánh tro và hoa quả…
Với trẻ em: Sáng sớm ngủ dậy khi trẻ còn ở trên giường cho trẻ ăn hoa quả, ít rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Sau đó mới đi rửa mặt mũi, chân tay, đánh răng rửa mặt.
Với người lớn: Sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó bước chân ra khỏi giường uống một ít rượu (hoặc ăn một bát cơm rượu nếp) cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.
3. Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ
Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ gồm: Hương, hoa, vàng mã; Nước; Rượu nếp; Các loại hoa quả gồm các loại quả mùa hè như mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối...Tuy nhiên mận và vải là hai loại quả không thể thiếu trong mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ; Xôi, chè; Bánh ú tro (còn gọi là bánh tro hay bánh gio).
Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ được coi trọng, xếp vào hàng thứ hai sau Tết Nguyên Đán. Theo tục lệ từ xưa, người dân thường cúng vào sáng sớm nhưng thực chất Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (12h trưa) ngày 5/5 âm lịch. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h.
4. Một số phong tục trong ngày Tết Đoan ngọ
Theo lệ, đúng ngọ (12h trưa), người dân ở các vùng thôn quê rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời toả ánh nắng tốt nhất trong năm. Lá cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.
|
Rượu nếp cẩm cũng là món ăn phổ biến để diệt sâu bọ. |
Ngày xưa, vào ngày này, người ta còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà... Những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.
Nơi phố phường, thị thành, không nhiều vườn tược, cỏ cây, người dân có lệ đi mua lá thuốc mồng 5. Dịp này, những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá bày bán. Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, đúng ngọ ngày mồng 5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.
Nguồn BNA