BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh: Lấy ý kiến về mức thu học phí giáo dục mầm non và phổ thông

Cập nhật ngày: 27/06/2010 - 05:38

Dự kiến tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh sắp tới, các đại biểu sẽ thảo luận và quyết định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông trên địa tỉnh áp dụng từ năm học 2010-2011. Vì vậy, để có cơ sở thẩm tra mức thu học phí trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân theo quy định của Chính phủ, ngày 24.6.2010, Ban Văn hoá – Xã hội cùng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND huyện Hoà Thành tổ chức hội nghị chuyên đề về mức thu học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông.

Tại hội nghị, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày dự kiến mức thu học phí theo đề xuất của Sở, cụ thể chia thành 2 khu vực như sau:- Đối với khu vực nông thôn: bậc mầm non thu 20.000 đ/học sinh/tháng đối với lớp 1 buổi, 40.000 đ/học sinh/tháng đối với lớp 2 buổi; THCS thu 20.000 đ/học sinh/tháng và THPT là 50.000 đ/học sinh/tháng. Đối với khu vực thị trấn, Thị xã (trừ xã Bình Minh, Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Thạnh Tân, Tân Bình thuộc Thị xã được áp dụng như vùng nông thôn): bậc mầm non thu 40.000 đ/học sinh/tháng đối với lớp 1 buổi, 80.000 đ/học sinh/tháng đối với lớp 2 buổi; THCS thu 40.000 đ/học sinh/tháng và THPT là 90.000 đ/học sinh/tháng.

Dự kiến mức thu học phí bậc mầm non, khu vực thị trấn, Thị xã: 40.000 đ/học sinh/tháng đối với lớp 1 buổi, 80.000 đ/học sinh/tháng đối với lớp 2 buổi.

Đa số đại biểu nhất trí đối với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo về mức thu đối với bậc học mầm non và THCS, riêng bậc THPT, các đại biểu chưa đồng tình do mức này khá cao so với mức thu hiện hành (14.000 đồng ở khu vực nông thôn và 25.000 đồng ở khu vực thành thị). Có đại biểu đề nghị Sở GD&ĐT nên xem lại mức thu nhập bình quân đầu người theo báo cáo của Sở (1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị). Ở vùng nông thôn hiện nay, thu nhập của người dân chưa ổn định, thu học phí cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng đóng góp của người dân và gây khó khăn cho nhà trường trong việc thu học phí. Tại Hoà Thành, có một số trường có tỷ lệ thất thu học phí cao như Trường THCS Trường Tây (51%). Hiệu trưởng trường này cho biết, tỷ lệ thất thu sẽ cao hơn nếu tăng học phí. Mặt khác, các đại biểu còn đề nghị Sở nên tính toán lại mức học phí chiếm tỷ lệ bao nhiêu chi phí giáo dục và đào tạo, tăng học phí phải đảm bảo được khả năng đóng góp của hộ gia đình để hạn chế học sinh bỏ học vì không có khả năng đóng học phí, như vậy sẽ gây sức ép cho công tác phổ cập sau này. Đối với học phí THPT, có đại biểu đề nghị chỉ nên tăng khoảng 30.000 đến 40.000 đồng ở khu vực nông thôn, 50.000 đến 60.000 đồng ở khu vực thành thị. Ngoài ra, có đại biểu đề nghị đối với những trường chuẩn thu hút nhiều học sinh, tạo ra hiện tượng phụ huynh học sinh chạy trường, gây bức xúc trong dư luận, cần xây dựng cơ chế học phí của trường chất lượng cao vì hiện nay học phí đóng như nhau nhưng chất lượng giáo dục ở các trường khác nhau.

Qua ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị, lãnh đạo Sở GD & ĐT cho biết, mức thu học phí theo đề xuất của Sở căn cứ vào khung học phí theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Về số liệu thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn và thành thị, Sở lấy nguồn từ Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh. Sở đề nghị địa phương nên xây dựng kế hoạch chuyển các trường chuẩn, thu hút nhiều học sinh sang trường chất lượng cao thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, bên cạnh đó phải đảm bảo trường học cho học sinh thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn.

Kết thúc hội nghị, lãnh đạo Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận và đề nghị Sở GD & ĐT tiếp thu ý kiến của các đại biểu, xem xét lại mức thu nhập bình quân của hộ gia đình để có mức đề xuất phù hợp hơn. Sắp tới vào các ngày 1 và 2.7.2010, Ban Văn hoá- Xã hội HĐND tỉnh tiếp tục lấy ý kiến về mức thu học phí tại hai huyện Bến Cầu và Dương Minh Châu.

NM