Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bảo đảm hiệu quả phòng vệ thương mại
Chủ nhật: 10:42 ngày 01/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mới đây, Bộ trưởng Công thương đã quyết định gia hạn thời gian điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thêm hai tháng đối với mặt hàng tôn mạ mầu và thép hình chữ H nhập khẩu, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Việc gia hạn này nhằm giúp cơ quan điều tra cân nhắc, xem xét thận trọng các chứng cứ, thông tin và quan điểm của các bên liên quan.

Thống kê của ngành thép cho thấy, sản lượng tôn mạ của Việt Nam hiện đạt gần 1,9 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa chưa đầy 740 nghìn tấn. Thời gian qua, sản lượng tôn mạ nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) tăng vọt, bán giá thấp hơn khoảng 30% so với tôn mạ sản xuất trong nước. Với mức giá chênh lệch quá lớn, sản phẩm tôn mạ Việt Nam không thể cạnh tranh được. Thép hình chữ H cũng rơi vào tình trạng tương tự, tiêu thụ chậm, tồn kho lớn.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế về kinh tế, nước ta là thành viên chính thức của nhiều thiết chế thương mại khu vực và thế giới. Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ nhằm dựng lên “hàng rào” thuế, hạn ngạch hoặc hạn ngạch thuế quan, được coi là “chỗ dựa” cuối cùng để bảo đảm thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Chủ trương cũng như hành lang pháp lý để thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng khá đầy đủ, chặt chẽ và chi tiết.

Tuy nhiên, đây cũng là “con dao hai lưỡi”, bởi quốc gia áp dụng có thể sẽ phải đối mặt với yêu cầu đền bù từ nước bị áp dụng. Những năm gần đây, việc áp dụng công cụ phòng vệ đối với các mặt hàng thép ở nước ta khá hiệu quả, hợp lý, tái thiết lập được trật tự trong cạnh tranh giữa thép nhập khẩu giá rẻ với thép trong nước.

Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng biện pháp phòng vệ để đầu cơ, đẩy giá của một số doanh nghiệp (DN). Ngay sau khi quyết định áp thuế tạm thời của Bộ Công thương có hiệu lực từ tháng 4-2016, thị trường đã có lúc có dấu hiệu "sốt nóng" đối với một số mặt hàng thép, người tiêu dùng là đối tượng cuối cùng phải gánh chịu. Giá thép tăng bất thường đã phá vỡ kế hoạch kinh doanh của nhiều DN và gây bất ổn cho xã hội, gây phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới cả nền kinh tế. Đây là biểu hiện rất rõ của hành vi trục lợi chính sách, đầu cơ lũng đoạn thị trường thép của một bộ phận DN ngành thép.

Khi nước ta hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, DN không thể ỷ lại mãi vào sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, phải có cách ứng xử phù hợp, hài hòa lợi ích giữa DN và người tiêu dùng, thể hiện trách nhiệm đối với xã hội. Bộ Công thương cũng nêu quan điểm và cảnh báo các DN thép, nếu không đáp ứng chất lượng lẫn giá thành cạnh tranh, sẽ gây thiệt hại đến các ngành sản xuất khác và quyền lợi người tiêu dùng.

Chính vì thế, ngoài “củ cà rốt” là công cụ phòng vệ, các cơ quan quản lý như Bộ Công thương, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, sử dụng cả “cây gậy” để xử lý, can thiệp kịp thời, nhằm ổn định thị trường thép. DN nào có dấu hiệu trục lợi, cần bị xử phạt nghiêm khắc, truy thu lợi nhuận bất minh để làm gương cho DN khác, đồng thời cũng là cách bảo vệ uy tín quốc gia.

Nguồn Báo Nhân dân

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục