Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 130 bến thuỷ nội địa nhưng có khoảng 90 bến chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng. Vì vậy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ và bảo vệ môi trường… là một trong những vấn đề được các ngành chức năng hết sức quan tâm.
Các bến thuỷ nội địa trong tỉnh cơ bản đều có phương tiện bốc dỡ đúng quy định.
Tăng cường mời gọi đầu tư để phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa
Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ GTVT và các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị tư vấn lập 5 quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa, Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Quy hoạch hệ thống cảng biển, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Trên cơ sở quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31.10.2021), Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển, nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa gắn với phát triển hệ thống cảng đường sông - dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 5.5.2022), đã tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, Sở GTVT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với các sở, ngành kêu gọi đầu tư nhằm phát triển, nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa gắn với hệ thống cảng đường sông - dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với cơ quan có liên quan, tham mưu ban hành danh mục tiêu chí cụ thể, công khai minh bạch và tăng cường mời gọi đầu tư xã hội để phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa
Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh thống nhất với UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ GTVT thực hiện Dự án nạo vét, cải tạo và nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi đến cầu Bến Củi (Tây Ninh). Sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, Sở GTVT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành về danh mục, tiêu chí cụ thể, công khai, minh bạch mời gọi đầu tư xã hội hoá để phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ trong đó gồm các cảng, bến thuỷ nội địa.
Toàn tỉnh có khoảng 130 bến thuỷ nội điạ nhưng có đến khoảng 90 bến thủy nội địa trong tỉnh có nhiều bến thủy chuyên hàng hóa vật liệu xây dựng.
Hoạt động các bến thuỷ nội địa đã cơ bản đi vào nề nếp
Theo Sở GTVT, thực hiện theo thông báo kết luận của HĐND tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo Cảng vụ Đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ) chủ trì phối hợp Thanh tra giao thông và Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực III trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam tổ chức tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm đối với tất cả các cảng, bến thuỷ nội địa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; chú trọng kiểm tra các điều kiện hoạt động khai thác bến bãi, về mục đích sử dụng đất, việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực hoạt động bến thuỷ và trên các tuyến đường phương tiện vận chuyển vật liệu…; có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn trong việc quản lý thu, chi hoạt động của Cảng vụ ĐTNĐ.
Một bến thủy nội địa chuyên hàng hóa vật liệu xây dựng cát, đá nằm trên sông Vàm Cỏ Đông, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành.
Nhìn chung, hoạt động của các cảng, bến thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, chưa xảy ra trường hợp tai nạn giao thông. Các chủ cảng, bến thuỷ nội địa luôn nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa như: lắp đặt đầy đủ thiết bị PCCC, biển nội quy, báo hiệu đường thuỷ nội địa, tiếp nhận phương tiện và xếp dỡ hàng hoá khi đã được lực lượng chức năng cấp phép, bố trí người lái, phương tiện xếp dỡ có đầy đủ giấy tờ theo quy định, không xếp dỡ hàng hoá quá tải trọng cho phép, thường xuyên vệ sinh, tưới nước khu vực từ cảng, bến ra tuyến đường chính để ngăn ngừa bụi bẩn gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Thế Nhân