Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền
Thứ bảy: 00:01 ngày 09/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh nhiệm vụ của cảnh sát biển Việt Nam là phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

Thảo luận về dự thảo luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam sáng nay, ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, các tình huống liên quan đến quốc phòng, an ninh trên biển do chiến lược tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực.

Ông dẫn chứng vụ giàn khoan Hải Dương 981, các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam trên biển... và cho hay, nhiệm vụ của CSB Việt Nam ngày càng nặng nề hơn nên việc xây dựng luật là cần thiết.

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nêu quan điểm không nhất thiết phải ghi trong luật CSB là bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân.

ĐB Nguyễn Phương Tuấn. Ảnh: Minh Đạt

“Nếu chúng ta ghi trong luật lực lượng CSB là lực lượng vũ trang nhân dân là vấn đề rất nhạy cảm. Vì hiện nay trên thế giới nhiều nước có lực lượng giống ta, với tên gọi khác nhau nhưng họ không để trực thuộc Bộ Quốc phòng”, ông Tuấn nói.

Theo ĐB Tuấn, nếu ta đưa CSB thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì vô hình trung sẽ phải sử dụng lực lượng vũ trang – tức sử dụng quân đội để xử lý xung đột trên biển về mặt dân sự.

Giơ biển xin tranh luận, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng (Phó Chính ủy Quân khu 7) cho hay, CSB là một trong những cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc lực lượng vũ trang. Cụ thể CSB là lực lượng tác chiến trên biển, cũng giống như công an tác chiến trên nội địa.

"Hiện nay lực lượng CSB của Trung Quốc, Quân ủy TƯ họ đã đưa về UB Quân sự, không còn để ở Cục Hải dương nữa. Hay lực lượng CSB của Nhật Bản cũng đã đưa tổ chức vào phòng vệ Nhật Bản.

“Chúng ta làm điều này không ngại gì với điều ước quốc tế vì hiện nay tình hình vùng biển của ta diễn biến phức tạp, khó lường", Thiếu tướng Hoàng nêu quan điểm.

Ông cho hay, nếu không tăng cường sức mạnh và phương tiện, trang bị, quản lý vùng biển, trong đó có CSB thì rõ ràng sẽ đánh mất vai trò của lực lượng này nếu không xác định là lực lượng vũ trang.

Theo Thiếu tướng Hoàng, lực lượng CSB không những kiểm soát thực thi pháp luật trên biển mà còn đấu tranh trên biển, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia và chống cướp biển.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng. Ảnh: Minh Đạt

“Việc sử dụng lực lượng vũ trang để giải quyết các vấn đề trên biển không tăng tính nhạy cảm trong giải quyết vấn đề quân sự”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Phát huy sức mạnh bảo vệ chủ quyền

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch QH phân tích, CSB làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển cũng tương tự như biên phòng trên đất liền. CSB cũng liên quan đến công tác phòng thủ đất nước, khi có chiến tranh xảy ra, nếu đất nước bị tấn công thì lực lượng CSB và biên phòng bao giờ cũng là lực lượng nổ súng đầu tiên.

“Biên phòng từ xưa đến nay đã là lực lượng vũ trang rồi thì CSB không lý gì không xác định là lực lượng vũ trang được”, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Giải trình làm rõ thêm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Quốc phòng cho hay, quy định vị trí, chức năng của CSB trong dự thảo luật nhằm thể chế nghị quyết 09 của Ban chấp hành TƯ khoá 10 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định xây dựng lực lượng vũ trang nòng cốt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển…

Theo Bộ trưởng, thực tiễn 20 năm qua, CSB Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bằng các biện pháp mang tính dân sự, hòa bình là chủ yếu, như pháp luật, ngoại giao, tuyên truyền vận động, áp dụng biện pháp nghiệp vụ tương đồng với vị trí chức năng của CSB các quốc gia khác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục