BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ trưởng Xây dựng: Sai quy chuẩn vẫn nghiệm thu

Cập nhật ngày: 20/03/2010 - 10:59

Phát triển quá nhanh

Dù chưa bị đại biểu nào chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã nhắc đến vụ cháy nhà chung cư 18 tầng JSC ở Hà Nội cách đây 9 ngày. "Mặc dù theo quy định về phòng cháy chữa cháy, ống xả rác không được làm bằng vật liệu dễ cháy, nhưng tại chung cư 18 tầng JSC, ống được làm bằng nhựa, sợi thủy tinh".

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân.

Đặc biệt, điều đáng nói ở đây, theo Bộ trưởng Xây dựng, là "dù đơn vị thi công làm sai tiêu chuẩn yêu cầu nhưng công trình vẫn được nghiệm thu".

Người đứng đầu ngành xây dựng còn cho biết một điều đáng lo ngại là "sau khi Bộ cử đoàn đi kiểm tra thì phát hiện công ty bán ống gom rác cho toà nhà JSC cũng bán rất nhiều sản phẩm không đạt quy chuẩn này cho nhiều chung cư khác".

"Vì vậy, ngoài chuyện thiết kế, vấn đề an toàn trong sử dụng nhà chung cư, khu đô thị mới còn phụ thuộc vào quy định vận hành, giám sát cùng nhiều tiêu chí khác nữa", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân khẳng định.

Tỏ ý đồng tình với quan điểm đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu hạn chế của các công trình phụ trợ, gây ảnh hưởng đến việc di chuyển của phương tiện phòng cháy, chữa cháy như báo chí nêu.

Ông Kiên cũng đề nghị Bộ trưởng Công an báo cáo thêm về việc phối hợp bảo đảm an toàn, đặc biệt là về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh cho biết, qua kiểm tra đều thấy hầu hết chung cư cũ không đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy.

"Mặc dù việc kiểm tra, cho phép, phê duyệt thiết kế liên quan đến phòng cháy, chữa cháy rất chặt, nhưng quá trình xây dựng, chủ đầu tư thay đổi chất liệu, cắt giảm cái này cái khác", Bộ trưởng Công an nói thêm.

Bộ trưởng Lê Hồng Anh cũng cho hay, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, đang làm rõ trách nhiệm của ban quản lý, trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình xây dựng để có kết luận xử lý.

Theo số liệu thống kê năm 2009, cả nước hiện có khoảng 350.000 căn hộ chung cư đang sử dụng, trong đó gần 70% là các căn hộ chung cư cũ đang xuống cấp.

Đối với các khu đô thị mới, cả nước hiện có 632 dự án được đầu tư xây dựng tại 44/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên theo ông Quân vì đây là mô hình mới và tốc độ phát triển nhanh nên trong quá trình thực hiện còn có nhiều bất cập.

"Chỉ làm được đến thế thôi"

Đề cập trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân khẳng định công tác này luôn được Bộ quan tâm, "tính đến nay đã ban hành trên 1.250 tiêu chuẩn dùng cho ngành".

Tuy vậy, tai nạn lao động trong xây dựng thời gian gần đây vẫn xảy ra và có nhiều vụ nghiêm trọng gây chết người.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Văn Phúc đề nghị Bộ Xây dựng "phải mạnh dạn xử lý nhà thầu, thậm chí yêu cầu ngừng thi công đến khi nào khắc phục được".

Chia sẻ với lo lắng đó nhưng Bộ trưởng Quân giải thích nhiều khi sự việc xảy ra "một phần còn là do chủ quan của người lao động".

Tuy nhiên ông cũng thừa nhận "không ít chủ đầu tư và các nhà thầu hoạt động xây dựng không tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn xây dựng".

Giải pháp được người đứng đầu ngành đưa ra là "Bộ sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công tác thanh, kiểm tra hơn nữa trong thời gian tới".

Không hài lòng với diễn giải của Bộ trưởng, đại biểu Mã Đình Cư (Quảng Ngãi) "truy" trách nhiệm của Bộ cũng như cá nhân Bộ trưởng, đồng thời nghi ngờ "liệu các giải pháp mà Bộ trưởng nêu có làm cho tình hình được cải thiện căn bản?".

Thừa nhận trong thời gian qua việc ban hành cũng như kiểm tra thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng còn có thiếu sót, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thẳng thắn: "Nếu có thiếu sót thì đương nhiên có trách nhiệm cá nhân của tôi".

Tuy nhiên, ông giãi bày: Cho dù có đi kiểm tra chăng nữa thì cũng chỉ kiểm tra được bề ngoài, "chưa nói nhiều công trình phức tạp mà ở đây vai trò chính là của các chủ đầu tư, các chủ thầu sử dụng lao động".

"Như công trình thi công toà nhà Keangnam, 6 tháng chết liền 6 người, chúng tôi cũng có đi kiểm tra trước đó, nhưng đoàn vừa kiểm tra về thì lại tiếp tục xảy ra tai nạn".

"Chia lửa" với ông, Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thừa nhận: "Khẩu hiệu chúng ta có rất nhiều nhưng việc thực hiện cũng như việc thanh tra, kiểm tra chưa được bao nhiêu".

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân một lần nữa thành thực: "Giải pháp của chúng tôi đưa ra bây giờ cũng chỉ có thế, về mặt quản lý nhà nước cũng chỉ làm được đến thế thôi". 

* Ngành Toà án đang quá tải

Chánh án Trương Hoà Bình: Tôi đã trực tiếp giải quyết nhiều vụ án bức xúc, nhạy cảm.

Cũng trong phiên họp chiều 19.3, số lượng và chất lượng của đội ngũ thẩm phán, liên quan tới hiệu quả và chất lượng của công tác xét xử là nội dung được các đại biểu quốc hội quan tâm chất vấn Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Trương Hoà Bình.

Thẩm phán phải làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu ra thực trạng nhiều vụ án bị kháng nghị do vi phạm tố tụng và chất vấn: Do trình độ non yếu hay các lý do khác?

Chánh án TANDTC cho rằng nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan. Với số lượng công việc như hiện nay, làm việc hết công suất cũng chỉ được 1/3, vừa qua để giải quyết được 40% công việc, đội ngũ thẩm phán đã phải cố gắng làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

“Bản thân tôi, dù rất bận nhưng hàng ngày vẫn trực tiếp xem xét, nghiên cứu hồ sơ của 2-3 vụ án sau khi các Toà chuyên trách thụ lý. Tính ra, hàng năm tôi trực tiếp nghiên cứu khoảng 1.000 vụ án cụ thể, năm qua đã kháng nghị gần 200 vụ”, Chánh án cho biết và đề xuất hướng giải quyết quá tải công việc hiện nay là phân cấp để các toà chuyên trách khác tham gia và huy động lực lượng thẩm phán các toà phúc thẩm.

Chánh án Trương Hoà Bình thừa nhận, cũng có nguyên nhân từ phía thẩm phán, tình trạng tiêu cực là có nhưng không phổ biến, song đây là vấn đề nhức nhối của ngành. Giải pháp khắc phục vẫn là nâng cao hơn nữa đạo đức trách nhiệm, xử lý nghiêm những thẩm phán vi phạm...

Về đội ngũ thẩm phán, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng chất vấn, giải pháp gì để giải quyết tình trạng thiếu về số lượng và còn yếu về chất lượng của đội ngũ này, nhất là trong bối cảnh chủ trương tăng thẩm quyền của TAND cấp huyện?

Theo Chánh án Trương Hoà Bình, hiện đã tăng 450 thẩm phán so với năm 2007. Để giải quyết tình trạng thiếu thẩm phán phải rà từng nguyên nhân như lương thấp, chế độ chính sách chưa rõ ràng...

Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định về lương thâm niên đối với thẩm phán. Một số giải pháp khác là tăng cường thẩm phán đến vùng sâu, vùng xa; cử tuyển thẩm phán; biệt phái, điều động với những chính sách kèm theo; có cơ chế đặc thù; mở rộng nguồn tuyển lựa...

Hiện nay, Toà án nhân dân tối cao đang tiến hành triển khai xây dựng và thực hiện Đề án nâng cao năng lực và quy mô của Trường cán bộ Toà án.

Liên quan đến trường hợp các bản án tuyên không rõ ràng mà Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba chất vấn, Chánh án Trương Hoà Bình cho hay, thực hiện lời hứa của mình tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành chỉ thị về việc phối hợp với ngành Tư pháp và Kiểm sát trong việc rà soát những vụ án tuyên không rõ, không thi hành được và gây khiếu kiện kéo dài. Những vụ tuyên không rõ sẽ được “toà án giải thích”, những vụ đã tuyên án mà không thi hành được sẽ được kháng nghị xét xử lại.

Cử tri giám sát các vấn đề đã được Bộ trưởng, Trưởng ngành hứa

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét: Qua các phiên chất vấn đã làm rõ thêm các vấn đề mà cử tri và đại biểu quan tâm. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cũng thấy được nhiều vấn đề của ngành mình cần được chấn chỉnh, làm tốt hơn.

“Không khí chất vấn và trả lời vẫn trầm, đọc vẫn dài, hỏi như trình bày và có câu hỏi nằm ngoài nhóm vấn đề đã được chủ tọa đề nghị tập trung chất vấn”, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng lưu ý.

Theo đó, Chủ tịch đề nghị các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước tiếp tục giám sát những vấn đề mà các Bộ trưởng, Trưởng ngành nêu ra tại phiên chất vấn này.

(Theo Vietnamnet/Chinhphu.vn)