Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở:
Bước tiến mới trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Thứ ba: 16:35 ngày 22/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh phối hợp với các tổ chức chính tri-xã hội tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” trong đoàn viên, hội viên và nhân dân theo chỉ đạo của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Nếu Luật được xây dựng hoàn thiện và Quốc hội thông qua thì đây sẽ là bước tiến quan trọng không chỉ về lượng, mà còn về chất trong quá trình thực hiện dân chủ ở nước ta.

Cách đây hơn 20 năm, Bộ Chính trị (khoá VIII) ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18.2.1998 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Sau đó Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 28.3.2002 “Về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. 

Chỉ thị số 10-CT/TW viết: “Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tuy mức độ có khác nhau, nhưng đã đạt được kết quả bước đầu, quan trọng. Tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn trong xã hội, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào chế độ, từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, các ngành; rõ nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã, phường, thị trấn, xây dựng nếp sống văn hoá ở nông thôn và đô thị.

Làm chuyển biến một bước về ý thức và phong cách làm việc của cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể theo hướng gần dân, tôn trọng dân và có trách nhiệm với dân hơn. Có tác động tích cực tới việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân; xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố”.

Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng, Chính phủ có các nghị định triển khai thực hiện và mang lại những kết quả to lớn. Từ đó đến nay Đảng, Quốc hội, Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, nhưng trước sự đổi mới và phát triển toàn diện của đất nước, các văn bản dưới luật quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở không thể đáp ứng được tình hình hiện nay, mà đòi hỏi phải có một luật thực hiện dân chủ ở cơ sở hoàn chỉnh áp dụng chung mang tính pháp lý cao.

Dự thảo luật có 6 chương, 56 điều quy định tương đối cụ thể, mang tính pháp lý cao về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, đi sâu từng chương, từng điều khoản vẫn còn những vấn đề cần quan tâm sau đây:

Thứ nhất, trong Chương I, những quy định chung có 12 điều nhưng có những điều, khoản chưa khoa học và rõ ràng: Tại Điều 2 về đối tượng áp dụng có 6 khoản mục, nhưng thực chất chỉ tựu trung có 2 nhóm đối tượng. Đối tượng thứ nhất là công dân đang sinh sống, học tập và lao động trên lãnh thổ Việt Nam; đối tượng thứ hai là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương.

Nên ngắn gọn như vậy thôi, không cần phải nêu dài dòng như dự thảo; xuất phát từ hai nhóm đối tượng như trên thì dự thảo luật cũng phải quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của hai nhóm đối tượng tương ứng. Trong khi Điều 5 và Điều 6 quy định quyền và nghĩa vụ của công dân tương đối cụ thể thì Điều 7 quy định phạm vi và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lại quá chung chung mà đáng lẽ ra nhóm đối tượng này cần phải quy định cụ thể, bởi lẽ chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở tốt hay xấu phụ thuộc vào nhóm đối tượng này; nhiều nội dung quy định còn trùng lặp, chồng chéo cần nghiên cứu gom lại. Ví dụ, Điều 10 về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện nên gộp chung với Điều 5 quy định về quyền của công dân; Điều 12 về áp dụng pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được thể hiện ở Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, áp dụng…

Thứ hai, Chương II, III, IV chủ yếu tập hợp từ Pháp lệnh 34, ngày 20.4.2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khoá 11, về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04 của Chính phủ, ngày 9.1.2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 145 của Chính phủ, ngày 14.12.2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Tuy nhiên, nhiều nội dung cũng cần phù hợp với tình hình hiện nay và bảo đảm quyền dân chủ của công dân, cụ thể Điều 14 về các hình thức công khai để nhân dân biết, ngoài các hình thức như trong dự thảo, cũng cần đưa các hình thức như công khai thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã, công khai thông qua các mạng xã hội do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã lập ra và quản lý.

Bỏ khoản 2, Điều 14, luật này cần khẳng định các hình thức trên phải được công khai. Hoặc như khoản 3, Điều 18 về thẩm quyền đề xuất nội dung để nhân dân bàn và quyết định, quy định rằng: “Công dân sinh sống tại cộng đồng dân cư có sáng kiến đề xuất nội dung quy định tại khoản 6 Điều 17 luật này và có 1/3 chữ ký đồng thuận của cử tri tại cộng đồng dân cư thì gửi trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư thảo luận, quyết định.

Nếu như vậy thì cũng mông lung và khó thực hiện, bởi ai sẽ đi lấy ý kiến người đề xuất? Không thể. Sáng kiến là cái gì mới, là ý tưởng chưa hình thành, vậy sao không quy định khi người dân đề xuất sáng kiến, ý tưởng mới, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố cùng với MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội bàn bạc thảo luận, nếu thấy khả thi thì báo cáo cấp uỷ và lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn dân cư quyết định, còn nếu không khả thi thì cũng trả lời người đề xuất sáng kiến biết, như vậy vừa trân trọng sáng kiến của nhân dân, vừa dễ thực hiện.

Về hình thức nhân dân bàn và quyết định (Điều 19) nên bỏ khoản 4 “Chính phủ quy định chi tiết nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục, nhân dân bàn và quyết định”, vì các nội dung, hình thức, trình tự đã được quy định ở trên rồi, không cần phải hướng dẫn, chỉ cần làm rõ thêm một số ý như trên.

Về việc ra Nghị quyết của cộng đồng dân cư theo Điều 20, 21, 22, 23 của dự thảo luật cũng cần quan tâm mấy điểm sau: có nội dung ở phạm vi ấp, khu phố, tổ dân phố, có nội dung ở phạm vi cấp xã, vậy thì cấp xã ra nghị quyết như thế nào, trong khi ở cấp ấp, tổ dân phố họp dân đã khó rồi? Đây là vấn đề nhiều năm qua các địa phương không làm được, nên chăng khi các nội dung lấy ý kiến nhân dân xong, trên cơ sở đó cấp uỷ chỉ đạo chính quyền, MTTQ, đoàn thể cấp xã đưa vào nghị quyết của mình và triển khai thực hiện. Hơn nữa, nghị quyết trong trường hợp này chỉ mang tính hình thức không cần thiết, nên bỏ.

Trong Điều 24 về “Những nội dung được nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định” cần thêm chữ “phải” trước chữ được nhân dân tham gia… để khẳng định và mang tính bắt buộc. Trong Điều 35 về “Những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến” cần thêm các nội dung như: tham gia ý kiến trong đánh giá, xếp loại cán bộ công chức, viên chức hằng năm, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm, bãi nhiệm cán bộ, công chức, viên chức…

Tóm lại, luật thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có tầm quan trọng trong bảo đảm và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, để luật ra đời và đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, hiệu quả, thì các quy định phải vừa mang tính toàn diện, vừa mang tính cụ thể, phù hợp với thực tế cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Do đó, dự thảo thông qua các hình thức khác nhau để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các ngành, các cấp.

Nguyễn Nhiếm

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục