Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bút danh, sao có thể tùy tiện
Thứ bảy: 08:53 ngày 08/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dạo một vòng phố sách Đinh Lễ (Hà Nội) hay đến các ngày hội sách sẽ thấy rất nhiều tên tác giả lạ. Lạ không phải vì họ mới xuất hiện trong làng sách mà vì bút danh... quá lạ.

Có những tác giả lấy bút danh chỉ duy nhất một chữ: Trí, Lu, Gào, Gỗ (bút danh khác là Kei)... Tên "thú cưng" cũng được nhiều người chọn làm bút danh như: Mèo Mốc, Mèo Xù...; Buồn cười nhất là sách của các tác giả ấy lại xếp ngay bên cạnh một tác giả khác có bút danh kỳ khôi không kém: Võ Tòng Đánh Mèo.

Đặt bút danh theo kiểu mượn tích truyện Trung Quốc còn có các tên mang mầu sắc kiếm hiệp như Huyền Trang Bất Hối, Mộc Diệp Tử. Có tác giả lấy bút danh như một cách khoe ngầm trí tuệ, đây nhé, tôi là Lini Thông Minh hoặc đánh đố bạn đọc như Tờ Pi.

Các loại hạt, quả, món ăn nhiều tác giả cũng không từ, chọn làm bút danh như: Đậu Lướt Ván, Đậu Đỗ Tung Tăng... Ngoài những món ăn bình dân, còn có những bút danh khác nhuốm màu lãng mạn: Nồng Nàn Phố, Tony Buổi Sáng... và không kém phần nóng bỏng: Yếm Đào Lẳng Lơ.

Sách của các tác giả này chủ yếu ở thể loại tản văn, ngôn tình, tự sự cá nhân, phần lớn trước đó đã đăng trên facebook. Tên tác giả cũng thường lấy theo danh xưng (nickname) trên in-tơ-nét, ít nhiều liên quan đến nội dung cuốn sách. Đậu Đỗ Tung Tăng viết "Sườn heo nấu đậu", Mèo Mốc - "Nhật ký Mèo Mốc", Gào - "Ai khóc cho ngày hôm qua",...

Riêng tác giả mang danh (tự) xưng "lẳng lơ" là chủ nhân của tản văn "Gái phượt". Ở góc độ thương mại, đây là những cuốn sách bán chạy vì thỏa mãn được nhu cầu giải trí, nói lên một phần tâm sự của giới trẻ mang xu hướng hướng nội, gắn kết với nhau trong cộng đồng mạng xã hội.

Có những cuốn sách đem đến kỹ năng sống, thậm chí cổ vũ, truyền cảm hứng cho độc giả trẻ như sách của tác giả Tony Buổi Sáng. Thế nhưng còn khá nhiều cuốn mang nội dung tầm phào, viết về những điều nhỏ bé trong cuộc sống vốn chỉ dành cho các "fan" facebook, hoặc thu hút trí tò mò của người đọc bằng tựa sách và bút danh.

Vẫn biết việc chọn bút danh là quyền của tác giả, còn nội dung mới quyết định giá trị và sức sống của tác phẩm. Trong lịch sử văn chương nước nhà, nhiều nhà văn, nhà thơ tuy lấy bút danh nhưng nổi tiếng (bằng tác phẩm) đến mức người đọc bình thường tưởng đó chính là tên thật của tác giả như: Nguyễn Bính (Nguyễn Bính Thuyết), Chế Lan Viên (Phan Ngọc Hoan), Hoàng Cầm (Bùi Tằng Việt), Chính Hữu (Trần Đình Đắc), Anh Đức (Bùi Đức Ái), Bảo Ninh (Hoàng Ấu Phương)...

Những bút danh ấy đều ít nhiều mang một ý nghĩa sâu xa nào đó, thể hiện quan điểm sáng tác, thẩm mỹ hoặc gốc gác, quê hương, gia đình, dòng họ..., đôi khi tác giả phải dùng bút danh để sáng tác do yêu cầu bí mật khi đất nước còn chiến tranh.

Bút danh không thể tách rời tác phẩm bởi mỗi cuốn sách đều là máu thịt, là đứa con tinh thần của tác giả, là danh xưng của nhà văn trong nghề viết, vì vậy nó thiêng liêng, trân quý.

Với ý nghĩa đó, không nên chọn bút danh đứng tên trên sách như cách đùa vui tùy tiện, thậm chí vô nghĩa, phản cảm. Điều này tự thân người viết nên có nhận thức đúng trên tinh thần trách nhiệm với bạn đọc và số phận của cuốn sách. Bên cạnh đó còn có trách nhiệm của các nhà xuất bản và cơ quan quản lý xuất bản.

Nguồn Báo Nhân dân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục