Giá trị và ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ ở những kết quả cuộc cách mạng này mang lại mà còn là giá trị ở ngay trong những yếu tố đưa đến sự thành công của nó.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những sự kiện trọng đại nhất của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX, cuộc cách mạng đã lật đổ chế độ phong kiến lỗi thời, đập tan sự thống trị hà khắc của chủ nghĩa thực dân, phát xít, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giá trị và ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ ở những kết quả cuộc cách mạng này mang lại mà còn ở ngay trong những yếu tố đưa đến sự thành công của nó.
Giá trị lịch sử và thực tiễn của Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước hết là tư tưởng và ý chí độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đây cũng là biểu hiện cao nhất của sức mạnh toàn dân vì mục tiêu giành độc lập dân tộc.
Sức mạnh của Cách mạng tháng Tám chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc. Sức mạnh này đã được tập hợp, tôi luyện qua các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo từ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 đến cuộc vận động dân chủ 1936-1939 và cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đã được Đảng tiếp tục xây dựng và phát huy trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, toàn dân, toàn diện 1945-1954, và tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm 1954-1975.
Thắng lợi của cuộc cách mạng này là thắng lợi của sự chủ động chuẩn bị lực lượng, của nghệ thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ và kiên quyết hành động.
Thành công của Cách mạng tháng Tám không phải là giành "khoảng trống quyền lực" như quan điểm của một số học giả nước ngoài, mà là kết quả của quá trình chuẩn bị mọi mặt của Đảng từ tổ chức, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang đến chủ động đón thời cơ khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, khi quân đội Pháp bạc nhược.
Nghệ thuật Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám đã được Đảng phát huy trong các giai đoạn tiếp theo như trong cuộc "Đồng khởi" 1959-1960, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 và đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nói về tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của Cách mạng tháng Tám, năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chẳng những giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".
Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện sự nghiệp đổi mới và đã thu được những thành công đáng tự hào. Thành công đó là kết quả của sự sáng tạo của Đảng và nhân dân Việt Nam, là sự kế thừa những bài học kinh nghiệm của lịch sử đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước 69 năm qua kể từ ngày thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, trước sự khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới cũng như sự khủng hoảng kinh tế-xã hội trong nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mạnh dạn "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật", quyết định tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước. Thành quả gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới chứng tỏ đường lối sáng tạo và đúng đắng của Đảng và nhân dân Việt Nam.
Đoàn kết dân tộc - động lực quyết định thành bại
Trong xu thế hiện nay, không có quốc gia nào phát triển mà tách khỏi trào lưu chung của thế giới. Việt Nam phải kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại trên cơ sở giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ cao nhất nguồn lực bên ngoài, góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Điều quan trọng là trong khi hội nhập phải giữ vững độc lập, tự chủ. Hiện nay, các cường quốc trên thế giới đang sử dụng các biện pháp kinh tế, tài chính, quân sự can thiệp sâu vào công việc nội bộ của các nước, nhất là những nước nhỏ nhằm thay đổi ý thức hệ hoặc xâm chiếm lãnh thổ.
Sự thật lịch sử của Việt Nam trong những năm 1945-1946, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong các Hội nghị Genena, Hội nghị Paris về Việt Nam và trong các cuộc xung đột dân tộc, tôn giáo, trong vấn đề diễn biến hòa bình, tranh chấp chủ quyền biển đảo hiện nay càng khẳng định sự quan trọng của việc giữ vững độc lập và tự chủ trong quan hệ quốc tế.
Xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là vấn đề then chốt và cấp bách.
Đây là vấn đề quan trọng và cốt lõi nhất đưa đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ sóng gió, từ cuộc khủng bố trắng của địch sau năm 1930, có lúc "ngàn cân treo sợi tóc" trong những năm 1945-1946, hay những năm tháng đầy khó khăn ở miền Nam năm 1954-1959, 1968-1969, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã vượt qua tất cả.
Đó chính là nhờ sự kiên trì và quyết tâm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên cơ sở lấy dân làm gốc, dựa vào dân và vì dân. Đảng không mạnh, chính quyền không trong sạch thì khối đại đoàn kết toàn dân khó thực hiện.
Trong cơ chế thị trường với nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay, sự phân hóa giàu nghèo là tất yếu, tình trạng tham nhũng, quan liêu khó tránh khỏi. Do vậy, việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được Đảng ta coi là vấn đề then chốt và vì vậy, cần được đẩy mạnh, triển khai quyết liệt hơn, bởi đây là vấn vấn đề quan trọng hàng đầu để đảm bảo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, động lực quyết định thành bại của mọi cuộc cách mạng.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật
(Viện Sử học)