BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần bảo vệ di tích khảo cổ học ở Tây Ninh

Cập nhật ngày: 22/11/2011 - 02:44

Ở Tây Ninh, hiện còn tồn tại tới 120 di tích khảo cổ, trong đó hội tụ đông đúc trầm tích các nền văn hoá, từ thời kỳ sơ sử với tiêu biểu là văn hoá Đồng Nai, cho đến văn hoá Óc Eo của Vương quốc Phù Nam thế kỷ I đến VII hay hậu Óc Eo hoặc tiền Angkor sau đó... Và có thể có cả dấu tích của nền văn hóa Chăm Pa thế kỷ 18 – sau khi vương quốc này tan rã.

Tuy nhiên, kho tàng này chắc chắn đã bị tổn thất khá nhiều. Như những di sản thời sơ sử, chắc chắn đã từng tồn tại đâu đó quanh vùng chân núi Bà Đen, bởi từ những khối đá được khai thác tại các công trường quanh núi, người ta đã may mắn tìm thấy một lưỡi cuốc mai đá thời sơ sử. Đấy là vào dịp tết Canh Thìn năm 2000. Có lẽ đây là lưỡi cuốc mai may mắn nhất trong số hàng trăm món tương tự đã bị biến thành bê tông, thành chân móng các công trình hiện đại. Ngay trên đường lên hẻm núi phía Tây, nơi được gọi là Ma Thiên Lãnh, đến nay cũng còn có những khu vườn chuối, mãng cầu dày đặc những mảnh gốm cổ tự thời nào chưa rõ. Hẳn là chúng phải có một ý nghĩa nào đó, nên mới có một nhóm người châu Âu từng lên đây tìm tòi, nghiên cứu. Chuyện xảy ra cũng đã gần chục năm rồi.

Di vật được tìm thấy ở di tích khảo cổ gò Bà Đao

Cũng khoảng năm, bảy năm trước đây, từng có các nhóm người đi săn tìm vật quý ở các di tích khảo cổ. Như ở Gò Cổ Lâm xã Thanh Điền, xóm Hố, KP5, phường I, hoặc ở Gò Tháp, ấp Bưng Rò, Hoà Hội… Nhóm này, hoặc là lợi dụng sự thiếu am hiểu về pháp luật bảo vệ di sản văn hoá, đã liên hệ chính quyền địa phương, rồi thoả thuận với chủ sử dụng đất để đào tìm với cam kết sẽ chia phần hợp lý. Ở những nơi vắng vẻ như Hoà Hội, xóm Hố thì họ tự lén lút đào bới để tìm kiếm. Được biết ở khu Gò Tháp gần chùa Cổ Lâm, khi đào ao nuôi cá người ta đã tìm được nhiều phiến đá sa thạch lớn, có phiến chạm khắc phù điêu hình tượng phật. Còn ở Bưng Rò và xóm Hố, người dân đã từng chứng kiến nhiều hiện vật sành gốm, sứ được tìm thấy, mang đi.

Vài ví dụ kể trên cho thấy di sản khảo cổ Tây Ninh, nếu đã vượt qua được vài cuộc kháng chiến ác liệt với đủ loại vũ khí hạng nặng và huỷ diệt, thì lại bị tổn thất trong giai đoạn hoà bình, dựng xây đất nước. Trên thực tế, có nơi có lúc nạn khai thác đất đá cho các công trường đã diễn ra ồ ạt, trái quy hoạch ở quy mô lớn. Liệu đã có bao nhiêu hiện vật quý của các nền văn hoá đã bị vùi lấp?

Ấy thế mà, những gì còn lại hôm nay đã đủ cho Tây Ninh hết sức tự hào với các tỉnh thành Nam bộ. Cả miền đất Đông, Tây Nam bộ chỉ có 3 đền tháp còn đứng trên mặt đất, thì Tây Ninh đã có 2 ở Chót Mạt và Bình Thạnh. Cũng xin nói thêm là, cả hai di tích LS - VH cấp quốc gia này, đều đã được trùng tu tôn tạo từ nguồn kinh phí của Bộ VH-TT và DL. Trong một cuộc hội thảo của giới kiến trúc sư cuối tháng 4 vừa qua, kiến trúc sư Lưu Đình Khẩn - Chủ tịch Hội KTS Long An đã phải ngạc nhiên về những gì được thấy qua ảnh và qua mạng về 2 công trình ấy. Ở cả hai, bên cạnh phần tháp nổi còn là những hố thám sát, khai quật các di chỉ khảo cổ có giá trị không kém những gì tồn tại trên mặt đất.

Hiện có thể thấy ở Tây Ninh có các phân loại sau đây trong các di tích khảo cổ: Một là loại đã có thêm các công trình tín ngưỡng dân gian người Việt như chùa, đình, miếu được xây lên (như dinh Ông, tháp Bình Thạnh, gò Cổ Lâm, đình Truông Mít...). Hai là loại di tích đặc trưng, có giá trị cao nhưng chưa có công trình tín ngưỡng khác (như tháp Chót Mạt). Ba là các di tích khảo cổ khác.

Đặc điểm của loại thứ nhất là chính nhờ công trình tín ngưỡng của người Việt mà di tích khảo cổ đã được bảo vệ tương đối an toàn suốt cả trăm năm qua (như tháp cổ Bình Thạnh có đình Bình Thạnh). Loại này, tốt nhất là nên giao cho ban quý tế, ban hội của công trình tín ngưỡng ấy quản lý, giữ gìn. Không có lực lượng nào bảo vệ tốt hơn là chính nhân dân địa phương, mà bộ phận các cụ trong các ban hội-những người có hiểu biết và tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, vẫn cần phải có các lớp tập huấn giúp các cụ hiểu thêm về giá trị khoa học, lịch sử của công trình để công tác bảo vệ được tốt hơn.

Di vật được tìm thấy ở di tích khảo cổ gò Bà Chanh

Loại thứ hai, nếu được cũng nên giao cho nhân dân địa phương gìn giữ. Nhất là ở những địa phương có bộ phận dân tộc liên quan đến di tích gốc (như người Khmer với các tháp kiểu Khmer). Cùng với việc quản lý, ngành chức năng cũng cần nghiên cứu phục hồi phần văn hoá phi vật thể, chắc là đã từng có ở những công trình ấy. Điều này đã được thực hiện rất tốt ở miền Trung, nơi có các tháp Chăm.

Loại thứ ba, chắc là sẽ gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu cao về mặt bằng, nguyên vật liệu. Xin kiến nghị rằng: Cần khẩn trương lập bản đồ các di chỉ khảo cổ; Phân loại các di chỉ này trên cơ sở giá trị khoa học của từng địa điểm. Nơi nào không có những giá trị điển hình thì có thể kiến nghị xoá tên, để có thể phục vụ cho các nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, trước khi xoá tên cũng phải có cuộc khai quật với quy mô nhất định để ghi nhận lại các hiện vật và hình ảnh; Do có thể còn những di tích chưa được phát hiện, nên cũng cần có quy định bổ sung trong các giấy phép khai thác tài nguyên, giấy phép xây dựng. Khi phát hiện những dấu tích khác lạ trong lòng đất, dừng lập tức việc thi công để cơ quan chức năng đến khảo sát và xử lý trước khi tiếp tục khai thác hoặc thi công.

Những di tích thuộc vào loại thứ ba nói trên phải được cơ quan chức năng cấp tỉnh phối hợp với chính quyền xã, phường sở tại xác định một mô hình quản lý thích hợp.

TRẦN VŨ