Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cần chỉ rõ nguồn gốc của dược liệu Việt Nam
Chủ nhật: 14:03 ngày 23/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dược liệu trồng trong nước hiện nay mới cung cấp được 25% nhu cầu, 75% số dược liệu còn lại là nhập khẩu. Nước ta có một số cây dược liệu đặc trưng và có giá trị kinh tế như: quế, hồi, hòe, gấc, a-ti-sô... Một số dược liệu được các doanh nghiệp trồng trong nước đã thay thế dược liệu nhập khẩu như: ngưu tất, đương quy, trạch tả, hoài sơn, sinh địa. Một số loài khác đang được đầu tư phát triển như: hà thủ ô, đẳng sâm, thông đỏ, giảo cổ lam, tục đoạn, xuyên tâm liên, sâm Ngọc Linh...

Nắm bắt xu thế sử dụng và các chính sách khuyến khích nuôi trồng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư trồng, mở rộng vùng trồng cây dược liệu có lợi thế cạnh tranh hàng nhập khẩu. Nghịch lý nhập siêu dược liệu được kỳ vọng sẽ dần thay đổi, nhất là sau khi Chính phủ có những chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu vừa qua.

Một vấn đề đang được nhiều chuyên gia và người tiêu dùng quan tâm đó là, dược liệu trong nước hiện nay vẫn chưa được gọi đúng nguồn gốc xuất xứ. Trên bao bì đóng gói các sản phẩm dược liệu trong nước ghi nguồn gốc là "Nam", dược liệu nhập khẩu nước ngoài được ghi là "Bắc".

Còn thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế hướng dẫn ghi ký hiệu nguồn gốc vị thuốc được nuôi trồng, khai thác từ nước ngoài là "B", các vị thuốc được nuôi trồng, khai thác trong nước là "N". Việc ghi tên như trên khiến người sử dụng không nhận biết được dược liệu trồng trong nước để lựa chọn sử dụng, dễ gây nhầm lẫn; đơn vị sản xuất, kinh doanh không quảng bá được sản phẩm; cơ quan quản lý khó truy xuất nguồn gốc.

Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, việc ghi nguồn gốc như trên là do thói quen, và cần phải viết rõ nguồn gốc dược liệu là Việt Nam hay nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay đã có một số vùng trồng cây thuốc có nguồn gốc nước ngoài (như đương quy, huyền sâm, xuyên khung...), do đó cũng phải coi các dược liệu này là trồng trong nước chứ không phải dược liệu nhập khẩu. Nhiều chuyên gia cho rằng, dược liệu trồng trong nước phải được ghi rõ ràng nguồn gốc là Việt Nam, ghi chỉ dẫn địa lý đối với những cây dược liệu đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý để khẳng định thương hiệu, bản quyền như nhiều hàng hóa khác sản xuất trong nước. Việc xác định nguồn gốc không ảnh hưởng công tác điều trị, kê đơn, sử dụng dược liệu.

Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa nêu rõ dược liệu là hàng hóa và trên nhãn hàng bắt buộc phải có thông tin xuất xứ. Xuất xứ hàng hóa là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa đó. Do đó, Bộ Y tế cần hướng dẫn thống nhất ghi nguồn gốc dược liệu, vị thuốc trồng trong nước đúng với quy định nêu trên. Người sử dụng cần được chỉ dẫn một cách rõ ràng nguồn gốc xuất xứ của dược liệu.

Nguồn Báo Nhân dân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục