BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần hoàn thiện một số quy định của Luật Công chứng (sửa đổi) cho phù hợp thực tế (*)

Cập nhật ngày: 15/11/2013 - 06:25

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương

(BTN) - Đại biểu Trịnh Ngọc Phương kiến nghị, Luật Công chứng cần phải mở rộng phạm vi công chứng hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết thực của cá nhân khi có yêu cầu công chứng. Trong thực tế, khi người dân có những yêu cầu rất chính đáng nhưng không được đáp ứng, vì không có cơ quan, tổ chức nào chứng nhận hoặc xác nhận cho, với lý do pháp luật không quy định.

Chiều ngày 12.11.2013 vừa qua, tham gia thảo luận ở hội trường về Luật Công chứng (sửa đổi), ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận định: Trong thực tế hiện nay, tình trạng công chứng hợp đồng uỷ quyền với nội dung nhân danh một người nào đó để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, bán xe ô tô, xe mô tô rất phổ biến.

Thời hạn uỷ quyền có trường hợp lên đến 10 năm, 20 năm. Đại biểu Phương cho rằng, theo quy định pháp luật hiện hành thì không sai nhưng đây là một trong những hành vi trốn thuế hợp pháp; thậm chí trong hợp đồng uỷ quyền còn cho phép uỷ quyền cho bên thứ ba.

Theo quy định của Nghị định số 04 hướng dẫn thi hành Luật Công chứng thì “Khi công chứng các hợp đồng uỷ quyền liên quan đến bất động sản, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc uỷ quyền đó cho các bên tham gia”. Trong thực tế, mặc dù công chứng viên đã tư vấn, giải thích kỹ nhưng họ vẫn yêu cầu công chứng uỷ quyền.

Đúng ra việc xem xét lại hợp đồng uỷ quyền phải được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Dân sự. Nhưng ở góc độ Luật Công chứng nên quy định rõ hơn hành vi thực hiện việc công chứng để tránh tình trạng công chứng uỷ quyền như hiện nay.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương kiến nghị, Luật Công chứng cần phải mở rộng phạm vi công chứng hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết thực của cá nhân khi có yêu cầu công chứng. Trong thực tế, khi người dân có những yêu cầu rất chính đáng nhưng không được đáp ứng, vì không có cơ quan, tổ chức nào chứng nhận hoặc xác nhận cho, với lý do pháp luật không quy định. Tuỳ theo từng trường hợp, công chứng viên sẽ soạn thảo nội dung tờ ưng thuận cho phù hợp với yêu cầu của cá nhân.

Vì làm theo tờ ưng thuận người được hưởng di sản thừa kế mới thể hiện hết được ý muốn của họ, nó đầy đủ ý nghĩa của mối quan hệ huyết thống. Còn nếu lập uỷ quyền mang tính chất sòng phẳng, có tính chất trao đổi thì người lập uỷ quyền và người được uỷ quyền có thể sẽ bị vướng mắc như đã nói trên. Do đó, đại biểu đề nghị Luật Công chứng (sửa đổi) lần này nên bổ sung điều luật quy định rõ trình tự, thủ tục, nội dung giá trị pháp lý của tờ ưng thuận.

Cũng theo đại biểu Phương, Luật Công chứng (sửa đổi) cần mở rộng phạm vi công chứng cho công chứng viên là được công chứng chữ ký của mọi cá nhân theo yêu cầu, nhằm đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ hơn. Thực tế trước đây khi Luật Công chứng chưa ra đời thì Nghị định 75 của Chính phủ đã có quy định, nhưng sau này Luật lại không quy định, trong khi ở Nghị định 79 cho phép UBND cấp xã chứng thực chữ ký. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp UBND cấp xã công chứng chữ ký “không đủ độ tin cậy” để các cơ quan chức năng xử lý công việc. Do vậy, cần xem xét, cân nhắc và rà soát để sửa đổi, bổ sung lại các quy định này.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương cũng lưu ý cần cân nhắc lại quy định về loại hình thành lập văn phòng công chứng theo 2 loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh). Vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì công ty hợp danh có thành viên hợp danh và thành viên góp vốn.

Tuy nhiên, Luật Công chứng lại không quy định rõ đối với văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh có thành viên góp vốn. Điều này gây lúng túng cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Vì thực tế hiện nay có nhiều văn phòng công chứng có người tham gia góp vốn và tham gia quản lý văn phòng. Một số công chứng viên tham gia thành lập chỉ là danh nghĩa để văn phòng công chứng đủ điều kiện thành lập nhưng thực chất không phải là chủ văn phòng công chứng.

Từ đó dẫn đến một số tranh chấp giữa người bỏ vốn đầu tư và công chứng viên đứng tên thành lập. Đại biểu Phương đề nghị nghiên cứu thêm vấn đề này để Luật Công chứng được chặt chẽ hơn khi triển khai trong thực tế.

QUANG HẠNH

  (*)Tựa đề do Toà soạn đặt