Thời Sự - Chính trị   Cải cách hành chính

BAOTAYNINH.VN trên Google News

CATN: Cải cách hành chính để phục vụ công tác tốt hơn 

Cập nhật ngày: 12/01/2020 - 19:54

BTNO - Cùng chung mục tiêu hướng đến chính quyền điện tử, thời gian qua, Công an Tây Ninh đã có nhiều giải pháp, cách làm hữu ích nhằm tạo sự tiện lợi cho người dân.

Cũng từ những cách làm mới đó, CATN đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, nhờ đó phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra, góp phần vào việc phòng chống tội phạm.

Tạo tiện ích cho người dân

Để tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu đi ra nước ngoài du lịch, học tập, lao động hay định cư…, từ năm 2008, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CA tỉnh đã triển khai mô hình “Viết hộ tờ khai cho người dân”. Với cách làm này, người dân chỉ mang CMND đến và khai thông tin, cán bộ tại Phòng sẽ nhập thông tin vào tờ khai. Việc này góp phần giảm bớt thời gian chờ đợi của người dân.

Đến ngày 3.10.2019, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh triển khai chương trình “Tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông của công dân Việt Nam” trên mạng internet. Theo chương trình tờ khai điện tử, công dân có nhu cầu làm hộ chiếu có thể dùng các thiết bị máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối internet để truy cập vào trang điện tử của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh tại địa chỉ: https://hochieu.xuatnhapcanh.gov.vn. Tại đây, người dân có nhu cầu cấp hộ chiếu sẽ nhập nội dung tờ khai và đặt lịch hẹn.

Người dân tự đăng ký tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông tại phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Tây Ninh.

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CA tỉnh Tây Ninh là 1 trong 22 đơn vị CA tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai chương trình này. Từ khi triển khai đến nay, phòng đã tiếp nhận 7.840 hồ sơ. Đây được xem là bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), hướng đến mục tiêu giảm thời gian, giảm thủ tục cho người dân cũng như giảm áp lực cho cơ quan chức năng.

“Với trường hợp công dân tự đăng ký tại nhà thì khi đến đây chỉ cần chụp ảnh, đóng phí và lấy phiếu hẹn. Nhưng cũng có nhiều người thực hiện việc đăng ký tại phòng. Để phục vụ cho người dân, chúng tôi đã bố trí 4 máy tính để mọi người nhập thông tin. Đối với những người không rành về công nghệ như người lớn tuổi, trẻ em, phòng có bố trí cán bộ hỗ trợ, giúp điền thông tin...”- Thượng tá Ngô Đông Dương- Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh CA tỉnh cho biết.

Ngoài ra, thời gian qua, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh còn thực hiện hệ thống khai báo, tiếp nhận và quản lý thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài trên nền internet cho cơ sở lưu trú và công an cấp huyện, xã, phường, thị trấn, đồn trực thuộc tỉnh. Qua việc khai báo trên nền internet đã giảm bớt chi phí đi lại, thời gian của người dân. Ngoài ra, với các gia đình có người thân là người nước ngoài đến tạm trú cũng có thể tự đăng ký lưu trú thông qua trang web https://tayninh.xuatnhapcanh.gov.vn mà không phải đến trụ sở CA địa phương như trước đây.

Góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm

Từ năm 2013, Đội Tàng thư căn cước công dân (CCCD) thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội CA tỉnh cơ bản hoàn tất việc số hoá điện tử các thông tin cơ bản về CMND, CCCD của công dân. Và từ năm 2014 bắt đầu đưa vào khai thác qua hệ thống dữ liệu điện tử này.

Dữ liệu CMND, CCCD sau khi điện tử hoá tàng thư đã khắc phục được tình trạng thông tin CMND bị chia cắt trong nhiều máy tính riêng lẻ trước đây, do đó chấm dứt tình trạng 1 người được cấp nhiều số CMND hoặc 1 số CMND cấp cho nhiều người.

Đặc biệt, với sự kết nối dữ liệu, việc tìm kiếm thông tin phục vụ cho các công tác liên quan đến thông tin cá nhân công dân cũng nhanh và hiệu quả hơn so với tàng thư giấy trước đây. Nhiều trường hợp cần thông tin, cán bộ điều tra chỉ cần lên mạng nội bộ của CA là có thông tin mà không phải thông qua Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Theo Đội Tàng thư CCCD, từ năm 2015 đến hết năm 2019, Đội đã kịp thời tra cứu thông tin, tài liệu trong tàng thư CCCD phục vụ cho 18.438 yêu cầu của cơ quan, tổ chức (tra cứu phục vụ công tác điều tra, xác minh, truy tố, truy tìm tung tích nạn nhân, truy nã, đình nã…).

Từ công tác tra cứu đã phục vụ có hiệu quả cho các đơn vị trong công tác phòng, chống tội phạm. Điển hình như trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, qua đó đã tra cứu phục vụ CA Châu Thành giám định 11 đối tượng xé danh sách cử tri trong đợt bầu cử.

Cán bộ công an hướng dẫn cơ sở lưu trú thực hiện việc thông báo lưu trú qua mạng internet.

Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ cho chương trình đoàn tụ thân nhân “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình Việt Nam với 81 trường hợp. Qua tra cứu trong tàng thư CCCD có 6 trường hợp có thông tin, tạo điều kiện hỗ trợ chương trình tiếp tục tìm kiếm, kết nối người thân.

Tiếp nhận thông báo lưu trú qua mạng internet là một bước tiến mới của CATN trong công tác đăng ký, quản lý cư trú. Bởi hình thức này giúp người dân đỡ mất thời gian đi lại nhiều lần, đồng thời góp phần phòng chống, đấu tranh truy bắt tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự của địa phương.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 124 cơ sở lưu trú do Phòng Cảnh sát quản lý Hành chính về trật tự xã hội CA tỉnh quản lý và 569 cơ sở lưu trú do công an huyện, thành phố quản lý. Trước đây, để quản lý lưu trú, chủ các cơ sở lưu trú phải ghi chép lại thông tin của khách, sau đó đến trình báo với công an ở địa phương. Nhưng từ tháng 7.2015, CA tỉnh triển khai kế hoạch thực hiện việc tiếp nhận thông báo lưu trú qua mạng internet.

Sau khi được ngành chức năng vận động, nhiều cơ sở đã bắt đầu tham gia vào việc thông báo lưu trú qua mạng. Từ tháng 1.2018, CA tỉnh ban hành Quy chế về quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng và bảo mật cơ sở dữ liệu lưu trú. Theo đó, các cơ sở lưu trú phải cập nhật đầy đủ các thông tin cá nhân của khách (họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, dân tộc); giấy tờ tuỳ thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, thẻ sinh viên, giấy phép lái xe…); nơi đăng ký thường trú; số phòng và thời gian lưu trú. Danh sách những người này sẽ được CA xã, phường, thị trấn kiểm duyệt tại cơ quan thông qua mạng internet, đồng thời CA cấp huyện, cấp tỉnh đều có thể theo dõi, quản lý.

Theo Thiếu tá Phạm Bảo Thịnh- Đội trưởng Đội Hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý CMND và giấy tờ đi lại khác cho biết, qua tra cứu khai thác các dữ liệu tiếp nhận lưu trú, các đơn vị nghiệp vụ đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật.

Cụ thể, đã phát hiện 148 đối tượng dương tính với ma tuý; 1 vụ 1 đối tượng tàng trữ ma tuý tổng hợp với trọng lượng 1,2449 gam Ketamine và 1,1945 gam MDMA đã bị CATP.Tây Ninh khởi tố; 1 vụ 1 đối tượng mua bán ma tuý tổng hợp đã bị Công an huyện Trảng Bàng khởi tố; 1 vụ 8 đối tượng cho vay nặng lãi và 2 trường hợp cất giữ công cụ hỗ trợ cũng đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Ngoài ra, còn có 2 trường hợp vi phạm quy định về việc để người khác lợi dụng sử dụng trái phép chất ma tuý trong cơ sở mình quản lý cũng bị xử lý theo quy định.

Ngọc Diêu